Ai nuôi Nhà nước?

Đánh thuế trực tiếp để người tiêu dùng cảm nhận được đồng tiền thuế của mình là để nuôi Nhà nước và đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân” (*).


Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước - Ảnh: Việt Tuấn.

Trong một dịp đi họp ở Mỹ cách đây trên 10 năm, tôi đến một cửa hàng mua đôi giày da. Sau khi chọn và đi thử một đôi có giá 96 USD, tôi trả tiền bằng tờ bạc 100 USD. Người bán hàng nói còn thiếu, tôi chỉ vào biển ghi giá thì được giải thích là giá này còn phải cộng thêm 10% thuế mà người tiêu dùng đóng cho Nhà nước. Sang Canada, tôi cũng thấy cách tính thuế tương tự đối với hàng hóa và dịch vụ.

Tôi nêu vấn đề với các chuyên gia kinh tế sở tại: Ở Việt Nam, thuế hàng hóa được thu ngay khi hàng xuất xưởng và được gọi là thuế gián thu (thu gián tiếp) vì thu từ doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng thực chất tiền thuế ấy đánh vào người tiêu dùng. Thay vì thu rải rác khi có người mua hàng, nay thu gọn một nơi, một lúc khi hàng xuất xưởng chẳng tiện hơn sao?

Người đối thoại với tôi giải thích về cách thu thuế của họ như sau: Trước hết đây là thuế mà người tiêu dùng đóng nên khi nào hàng được tiêu thụ thì mới tính thuế; nếu thu trước từ người sản xuất mà ở khâu bán lẻ, hàng không bán được thì sao? Lẽ thứ hai, chúng tôi muốn người dân biết rõ và luôn luôn nhớ là mình đóng thuế nuôi Nhà nước; thuế thu nhập cá nhân cũng nhắc nhở điều đó, nhưng mỗi tháng hoặc mỗi quý chỉ một lần nộp, còn thuế hàng hóa, dịch vụ thì hầu như ngày nào dân cũng đóng. Chính vì thế nên giá hàng khi niêm yết là giá chưa có thuế hàng hóa để người mua tự tính thêm.

Đối với thuế mà người tiêu dùng phải nộp, cách thu trực tiếp hay thu gián tiếp hợp lý và có lợi hơn, tôi không phải chuyên gia về thuế nên không dám so sánh, song thấy rất ấn tượng về cái lẽ thứ hai mà họ giải thích. Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ; thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau. Ở nước ta, kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội cũng dựa vào ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc phần lớn, nên có thể nói dân ta nuôi cả hệ thống chính trị.

Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công khai, minh bạch và được dân giám sát.

Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Có thể nói chắc là tỷ lệ không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước. Gần đây, một số cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ... ghi rõ trong phiếu thu tiền phần giá hàng hóa, dịch vụ và phần thuế mà người tiêu dùng phải nộp. Tuy nhiên đối với đông đảo nhân dân, nhất là ở nông thôn, không mấy người biết rằng khi mua hàng (từ hàng tiêu dùng đến máy móc, vật liệu... sản xuất trong nước và nhập khẩu), người mua đã đóng thuế cho Nhà nước trong giá mua hàng.

Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.

Chúng ta biết rằng một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt thì đem lại lợi ích cho dân. Muốn hoạch định đúng chủ trương, chính sách, phải dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm và ý kiến đóng góp của dân. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế, xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực hiện của dân.

Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt động của dân. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân, thì nhà nước cũng sử dụng các nguồn lực của dân để làm việc đó, và trong nhiều trường hợp, chất lượng, hiệu quả lại không bằng người dân tự tổ chức làm.

Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên mà chỉ thấy sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước.

Một ví dụ: báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 5 vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009 có câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ và sự nố lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 4 tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều cơ quan và cả trên báo chí.

Chúng ta biết rằng khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và lạm phát do những yếu kém bên trong và chịu tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính - kinh tế trên thế giới, thì dân và doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân,  là người gặp nhiều khó khăn nhất, phải vật lộn rất gay go mới có thể tồn tại và phát triển. Những chính sách và biện pháp tình thế của Chính phủ nếu đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế thì chỉ có thể làm giảm bớt khó khăn và tạo thêm điều kiện cho việc làm ăn của dân và doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp   phải vận động tự thân là chính. Đây chính là tiềm năng to lớn nhất cho sự phát triển.

Mọi người đều đánh giá nền nông nghiệp và nông dân nước ta trong năm 2008 và đầu năm 2009 đã duy trì tốt đà tăng trưởng, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngành và lĩnh vực hoạt động khác. Trong thành tựu của nông nghiệp, có phần nhờ tác động của các chính sách và đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước; song nói riêng về các biện pháp kích cầu để vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế thì đến tháng 4 năm nay Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đối với nông dân và việc thực hiện còn phải có thời gian. Vì vậy đối với một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp.

Nhận thức sâu sắc vai trò và tiềm năng to lớn của dân là nền tảng về tư duy để hoạch định chính sách đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.

* Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 2006, trang 125.

- Tập Viết Báo xin trích một vài comment (phản hồi) khá hay về vấn đề này:


Lê Vĩnh Phúc


Điều đáng nói nhất trong bài viết này là đã cố gắng gọi sự vật bằng tên thật của nó.

Cán bộ, hay viên chức làm việc trong hệ thống chính quyền, là những người dân như tất cả mọi người dân, được tuyển chọn theo cách nào đó, để hoàn thành những việc nhất định, và được trả lương/công từ tiền của ngân sách... mà tiền của ngân sách thì có nhiều nguồn: thuế các loại, đi vay nước ngoài... do đó, trách nhiệm của họ là phải hoàn thành nhiệm vụ đã được mô tả.

Đã bao lâu nay chúng ta gọi sự việc/sự vật một cách lung tung theo chủ định và ý đồ riêng của mình, cũng có khi là chỉ là a dua... nhưng đã tạo ra một sự nhốn nháo nháo nhào trong nhận thức của nhiều người. Chúng ta đã từng gọi một số người là con buôn, nay thì gọi là doanh nhân; chúng ta nói rằng nghề nhà giáo là rất cao quý, nghề bác sỹ cũng rất cao quý... vô tình đã tạo ra nhận thức lệch lạc trong xã hội, bởi vì thực tế mọi người đều phải làm việc của mình và đáng được coi trọng như nhau.

Chúng ta hô khẩu hiệu "tiền thuế là do dân đóng góp để phục vụ lợi ích của dân".... nhưng thực tế có bao nhiêu người dân đóng thuế? Một đất nước có gần 90 triệu người mà có chưa đến 1 triệu người đóng thuế thu nhập... Hãy tưởng tượng là toàn dân chẳng có ai có thể đóng thuế thu nhập, các doanh nghiệp đều lỗ không thể đóng thuế, vậy lấy gì để nuôi hệ thống hành chính?

Thế nhưng với một số ít ỏi người đóng thuế, thì cách gọi họ trong các vấn đề lại cho thấy xã hội ta, hay chí ít là những "công bộc", và cả người đại diện cho dân, hình như dị ứng với những người kiếm được nhiều tiền, và coi họ như là một thứ gì đó "dị chỗ".

Nếu chúng ta làm khác đi..., chúng ta phải gọi được tên thật của sự vật, sự việc...

Hùng Anh

Tôi cũng có ý kiến giống như anh Hùng, để công bộc phục vụ dân tốt, dân cũng phải trả công cho công bộc xứng đáng. Rất tiếc là hiện nay chúng ta chưa làm được việc này.

Cũng là "công bộc" nhưng có những công bộc được đặc quyền, đặc lợi, lạm dụng chức quyền tha hồ vơ vét cho đầy túi tham. Những công bộc ngồi không đúng chỗ thì cuộc sống quả khó khăn bộn bề và buộc lòng họ phải tìm "mưu này, kế kia" để kiếm thêm thôi.

Xóa bỏ hối lộ, tham nhũng, nâng mức lương tối thiểu... thì mới có thể làm trong sạch bộ máy nhà nước và yêu cầu công bộc phục vụ tốt được. Vẫn hy vọng có một ngày...

Tuấn Hùng

Tôi đánh giá rằng đây là một bài viết rất hay, nó hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của cá nhân tôi đã lâu.

Tuy nhiên tôi cũng xin chia sẻ quan điểm của mình như sau: để cán bộ công chức, đảng viên thực sự là công bộc của dân thì nhân dân cũng phải nuôi được những công bộc đó đàng hoàng.

Tôi lấy ví dụ thế này hơi thô thiển: người giúp việc nhà tôi ngoài việc được sinh hoạt, ăn uống cùng bàn với gia đình chủ nhà, mỗi tháng tôi đều phải trả công cho họ khoảng 1.500.000 VND, nếu chăm sóc con tôi tốt đều được thưởng thêm, một năm cho về quê 2 lần, mỗi lần đều cho tiền tầu xe và quà cáp... Như vậy họ mới tạm yên tâm làm việc cho tôi.

Trong khi cán bộ công chức có trình độ đại học, cao đẳng khi mới ra trường thì lương chỉ hơn 1.500.000 VND/người/tháng thì thử hỏi làm sao họ yên tâm làm công bộc của dân được.

Chi Thang

Cảm ơn tác giả, bài viết đã giúp tôi có cái nhìn tổng thể hơn về quyền và nghĩa vụ đóng thuế của người dân và nghĩa vụ và quyền của Nhà nước trong việc sử dụng tiền thuế sao cho hợp lý, không lãng phí. Vì xét cho cùng đó cũng là mồ hôi công sức của nhân dân chứ chẳng bao giờ có chuyện "tự dưng có".

Trinmpvi

Đã lâu lắm mới thấy có bài viết đề cập đến vấn đề mà ai cũng biết nhưng ít người nói, ít báo đăng. Tuy nhiên, cũng cần xét lại cách gọi những người làm trong hệ thống hành chính nhà nước (công chức, viên chức) là "công bộc" của dân.

Thực chất, họ cũng là những nguời lao động như mọi người dân khác. Họ cũng có gia đình và cần có đủ thu nhập để sống và mong muốn giàu có như bao người khác. Nhưng với mức luơng hành chính như hiện nay, không có những khoản thưởng thêm nào (mà nếu có thì cũng quá ít ỏi) thì thử hỏi liệu họ có thể nhiệt tình, vô tư, mẫn cán trong công việc không? Nếu là tôi, chắc cũng không.

Đã đành người dân, doanh nghiệp đóng thuế để "nuôi" bộ máy nhà nước, quân đội để điều hành, bảo vệ đất nước nhưng những người "nhà nước" là những con nguời cụ thể cũng cần có thu nhập thích đáng như là động lực để vận hành bộ máy nhà nước được linh hoạt.

Nếu chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ mà không có quyền lợi tương ứng thì khó có thể đòi hỏi "công bộc" hết mình được. Nó cũng là một trong những nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến nạn tham nhũng, hỗi lộ.

Trách nhiệm phải gắn với quyền lợi, và ngược lại.

Hongphat

Tôi thấy bài viet rất hay, trước hết nó nhắc nhở người dân về quyền của mình đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời nó cũng nhắc nhở nghĩa vụ và quyền hạn của các công chức nhà nước đối với nhân dân. Từ trước tới nay, tôi với tư cách một người dân đi vào các cơ quan hành chính đặc biệt là phường xã chưa bao giờ cảm thấy mình được đối xử như một người đang góp sức nuôi bộ máy công quyền của nhà nước. Đã đến lúc người dân và các cơ quan báo chí phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa quyền và vị thế của người dân những người đang ngày đêm góp sức vào sự phát triển và tồn tại của đất nước nói chung.

Hy vọng sẽ có nhiều bài báo thiết thực và có ý nghĩa như bài báo này, xin cám ơn!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top