Nguyễn Bá Thanh: nhân vật của năm 2012

“Đừng nói nhiều, hãy làm đi!”, đó là thông điệp gắn với hình ảnh Nguyễn Bá Thanh - người đàn ông đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố Đà Nẵng. Hiếm có lãnh đạo nào lại được nhiều người dân thành phố nhắc đến hàng ngày với thái độ cảm phục.

Không chỉ có vậy, ông đem đến cho nhiều người niềm hy vọng ở năm 2013, khi ông sẽ thực sự bắt tay vào việc chống tham nhũng ở vị trí Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Vì vậy, quyết định chọn ông làm Man of the year 2012 quả thật không sai
Nguyễn Bá Thanh: nhân vật của năm 2012
Nguyễn Bá Thanh: nhân vật của năm 2012
TỪNG NHỊN ĂN ĐI HỌC

Ra đời năm 1953 tại một vùng quê nghèo ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh là con nông dân, có lúc phải nhịn ăn mà đi học, dùng bút tre mà viết (như ông đã bộc bạch trong cuộc nói chuyện với 176 trẻ em hư ở Đà Nẵng). Ông Nguyễn Bá Thanh thừa hưởng tính quyết liệt, bộc trực, sẵn sàng tranh luận đến cùng để tìm ra chân lý của người miền Trung, và liều chết “bắn đến viên đạn cuối cùng” của người cha đã sớm hy sinh trong một trận chiến khi ông còn nhỏ.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chức đầu tiên của ông Nguyễn Bá Thanh là làm anh chủ nhiệm hợp tác xã nghèo Hòa Nhơn. Những thành công do tính sáng tạo dám nói dám làm của anh chủ nhiệm đã đưa ông Nguyễn Bá Thanh lên vị trí Phó Bí thư huyện ủy Hòa Vang, rồi Giám đốc nông trường chè Quyết Thắng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng năm 1996, khi ông Nguyễn Bá Thanh được giao giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chưa ai hình dung được rằng đó là một vận may cho thành phố mờ nhạt ven biển này.

QUYẾT LIỆT VỚI NĂM “KHÔNG” VÀ BA “CÓ”

Khi có quyền trong tay, khác với một số quan chức Việt Nam coi quyền cao chức trọng là đích đến cuối cùng để tạo lập lợi ích riêng, ông Nguyễn Bá Thanh bắt tay vào một kế hoạch hành động lâu dài, quyết liệt nhằm cải tổ để thành phố phát triển. Bắt đầu là chiến dịch “năm không”: không để có hộ đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không ma túy, không giết người cướp của. Để nắm thực trạng, ông mở rất nhiều cuộc “vi hành”, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, với những ông chồng bạo lực, với dân nghèo, với người bị bệnh phong, phụ nữ, sinh viên, cán bộ...

Trong cuộc đối thoại với hơn 4.500 cán bộ xã phường năm 2011, ông nói: phải đi tìm người giỏi mà bổ nhiệm, chứ không phải đợi người ta đến nhà cho cái nọ cái kia rồi mới bổ nhiệm thì như thế là hại dân hại nước. “Tôi xin nói thật là những ai làm việc được thì không bao giờ chạy chọt đâu”. Trong những vụ việc thất thoát ngân sách lớn như Vinashin, trong khi nhiều quan chức có trách nhiệm thì lờ đi hoặc thờ ơ thì ông tỏ thái độ phản đối rất rõ ràng và quyết liệt.

Từ chỗ thờ ơ, người dân Đà Nẵng dần tin ông khi những mục tiêu ấy hoàn thành, và du khách có thể bắt gặp bất kỳ đâu trên đường phố những dân nghèo thành thị ca ngợi ông hết lời vì đã quan tâm cải thiện phận nghèo của họ. Khi hoàn thành “năm không”, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện “ba có”: Có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị.

Năm 2003, khi ông Nguyễn Bá Thanh chuyển sang làm Bí thư Thành ủy thành phố này, nhiều người nuối tiếc, hình dung rằng ông ta sẽ lại chỉ tay năm ngón, nói chung chung như những ông Bí thư khác thôi, và có thể sự nghiệp cải tổ Đà Nẵng sẽ bỏ dở. Nhưng điều kỳ lạ là ảnh hưởng và con đường của ông Nguyễn Bá Thanh là nhất quán ở thành phố này. Trên cương vị mới, ông đã kết hợp rất tốt với Chủ tịch và bộ máy chính quyền, thành phố Đà Nẵng đã vươn lên nổi bật về hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng thành phố; đền bù giải tỏa, xóa nhà ổ chuột; thu hút nhân tài; sử dụng và đào tạo thế hệ trẻ; và xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một trung tâm của khu vực miền Trung về mọi mặt.

ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI XE ÔM VÀ LÁI TAXI YÊU QUÝ

Cho đến trước khi ra Thủ đô làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh là người hạnh phúc. Không phải không có những người giận ông, hận ông do tính thẳng thừng quyết liệt hay vì lý do nào đó, nhưng ông được đa phần người dân Đà Nẵng thực sự cảm ơn và tin yêu. Những người đi xe ôm, lái taxi, thay vì trút nỗi bực dọc với khách về nạn tham ô như ở những nơi khác, thì lại là những tuyên truyền viên không công hết sức nhiệt thành cho công đức của ông. Thành phố Đà Nẵng hiện đang được xếp hạng là “nơi đáng sống nhất cả nước”. Đà Nẵng còn được tiếng là “thành phố không có phong bì”…

Theo xếp hạng 2010 của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa kỳ về thông thoáng và thuận lợi cho kinh doanh thì Đà Nẵng xếp thứ nhất, vượt Thủ đô tới 42 bậc và TP. HCM tới 22 bậc. Từ một thành phố nghèo miền Trung, sau mười sáu năm dưới sự lãnh đạo của ông và bộ máy giúp việc, cùng quyết tâm của người dân Đà Nẵng, thành phố này đã cạnh tranh mạnh mẽ về tốc độ phát triển và sự văn minh với Thủ đô và TP. HCM.

“BAO CÔNG” CỦA NĂM 2013

Những ngày sắp tới của ông Nguyễn Bá Thanh ở vị trí đặc trách chống tham nhũng hiện đang được dư luận đồn đoán sôi nổi. Nhiều người bày tỏ ước nguyện ông sẽ là một “Bao Công”. Nếu đúng thế, nghĩa là trong trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh “nói là mần” thật, thì sắp tới ông Nguyễn Bá Thanh sẽ phải chịu nhiều áp lực, thậm chí nguy hiểm. Nếu ông Nguyễn Bá Thanh vẫn giữ được “chất lửa” của mình như ở Đà Nẵng, không lùi bước, thì đây là một vận hội may mắn cho mục tiêu phát triển tiến bộ.

Dựa vào kinh nghiệm và những việc ông Nguyễn Bá Thanh đã làm trong quá khứ, người dân đang hy vọng ở ông những tin tốt lành cho năm 2013.

TRỤ SINH
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top