Sự thật về bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 trên một số trang mạng thời gian qua

Thời gian qua, trên một số trang mạng xuất hiện cái gọi là “Dự thảo hiến pháp 2013” và “Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” còn được gọi là “Kiến nghị 72” (do 72 “nhân sĩ”, “trí thức” Việt Nam soạn thảo và đề nghị) ký tên tập thể, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp năm 1992, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; đề nghị tam quyền phân lập; áp dụng quyền sở hữu tư nhân về đất đai... Theo trang mạng Bauxite Vietnam đến ngày 10/3/2013 đã có khoảng 9000 người ký tên ủng hộ vào bản kiến nghị này.

Vậy, thực chất của “Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992” này là gì? Số lượng người ký tên ủng hộ bản kiến nghị được nêu trên là thật hay là ảo?
Trước hết, về “Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992”.

Theo một số trang mạng, ngày 19 tháng 1 năm 2013, 72 người tự nhận là “nhân sĩ”, “trí thức” Việt Nam đã cùng nhau ký một bản kiến nghị có tên là “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (còn được gọi là “Kiến nghị 72”) gửi đến Quốc hội bằng cách đăng tải trên mạng internet.  Nội dung của kiến nghị tập trung vào nhiều vấn đề, trong đó chủ yếu là đề nghị bỏ điều 4 Hiến pháp năm 1992, đề nghị tam quyền phân lập, thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; áp dụng quyền sở hữu tư nhân về đất đai; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thực hiện chế độ Cộng hòa Tổng thống; đề nghị phi chính trị hóa lực lượng vũ trang…
Sự thật về bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp 1992 trên một số trang mạng thời gian qua

Như vậy, thực chất của “Bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992” trên chỉ là một thủ đoạn nhằm tuyên truyền xuyên tạc, phủ định, bác bỏ Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được Nhà nước ta lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân. Lợi dụng việc đóng góp ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp để tuyên truyền xuyên tạc, phản bác, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, mở đường cho việc hình thành các tổ chức, lực lượng đối lập, phong trào chống đối trong các tầng lớp xã hội ở nước ta.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, Việt Nam luôn là mục tiêu mà các thế lực bên ngoài nhòm ngó nhằm biến chúng ta thành thuộc địa, thành nô lệ của chúng. Để thực hiện điều đó, họ sẵn sàng tìm mọi cách, khai thác, lợi dụng mọi sơ hở của chúng ta; sẵn sàng tài trợ, hậu thuẫn, ủng hộ cho bất kỳ một lực lượng nào để chống phá cách mạng Việt Nam. Thế mà nay, có những người dưới mác “nhân sĩ”, “trí thức” lại thản nhiên đưa ra góp ý, Việt Nam cần thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng, thực hiện chế độ cộng hòa Tổng thống. Điều đó có phải chính họ đang trà đạp lên lịch sử, trà đạp lên chính công lao của cha ông mình, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động bên ngoài thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta? Họ thản nhiên xây dựng một bản “Dự thảo Hiến pháp năm 2013”, trong đó đưa ra những nội dung như: “Lực lượng cảnh sát có sứ mệnh thực thi luật pháp và giữ gìn trật tự. Cảnh sát thuộc lĩnh vực dân sự, không thuộc về các lực lượng vũ trang” (Điều 7); “Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng” (Điều 9)… Điều này chẳng khác nào một sự cổ súy cho các lực lượng, đảng phái đối lập ra đời, thúc đẩy các phong trào chống đối ở nước ta, thật là những điều không thể chấp nhận.

Về vấn đề ở Việt Nam có nên chấp nhận đa nguyên, đa đảng hay không hiện đã có rất nhiều bài viết phản bác quan điểm này, ở đây tác giả sẽ không phân tích nữa mà xin nêu ý kiến của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để mọi người cùng suy ngẫm. Khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, trong lần sang thăm Ấn Độ năm 2010 trả lời câu hỏi của phóng viên báo Express Ấn Độ về việc liệu đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có một hệ thống đa đảng, hoặc có các đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều dân tộc khác nhau, đồng chí đã khẳng định: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”. Như vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế khách quan của đất nước Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, đó là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Về việc đề nghị đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang (tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam). Chúng ta thấy rằng, về bản chất, lực lượng vũ trang chính là công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ đảng và thể chế chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi đất nước. Khi lợi ích của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động thì lực lượng vũ trang đồng thời bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Chính vì vậy, trách nhiệm, lợi ích của lực lượng vũ trang gắn liền với lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Do đó không thể có một lực lượng vũ trang đứng ngoài các đảng phái chính trị. Đây thực sự chỉ là một thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống Việt Nam của các thế lực thù địch.

Về những người đã ký tên vào Bản kiến nghị này.
Theo đăng tải trên các trang mạng xã hội, đã có rất nhiều nông dân, học sinh, sinh viên ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình… ký tên vào bản kiến nghị này. Tuy nhiên, tên của những người này chỉ được giới thiệu một cách chung chung, như “Nguyễn Văn A, nông dân (học sinh, sinh viên, người làm nghề tự do), Thái Bình (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định)”, không hề có địa chỉ cụ thể. Vậy, thực chất của việc này là gì?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy xem cuộc điều tra của nhóm phóng viên Thời sự, chính trị - Báo Đại đoàn kết đã tiến hành tại những địa phương được cho là có nhiều người ký tên vào “bản kiến nghị ma” này.

Theo điều tra của phóng viên Báo Đại đoàn kết tại Hà Tĩnh, Thái Bình, nơi theo trang mạng Bauxite là có nhiều người ký tên nhất thì những người nông dân khi được hỏi đều không hề hay biết rằng việc họ đã ký tên vào một bản kiến nghị Hiến pháp mà họ không biết đó là gì? Họ đều cho rằng họ không có điều kiện truy cập internet và nếu có thì việc nắm hiến pháp còn rất hạn chế. Thậm chí Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Hà Tĩnh (nơi được đăng tải là có nhiều sinh viên ký tên vào bản kiến nghị này) còn bức xúc cho biết: “Riêng điều 4 Hiến pháp, các em sinh viên đều hoàn toàn đồng tình, không có bất kỳ ý kiến trái chiều nào. Chúng tôi khẳng định rằng không có sinh viên Đại học Hà Tĩnh tham gia. Mong báo chí làm rõ việc mạo danh đề tên sinh viên Hà Tĩnh này”. Còn theo ông Phạm Nam Huân, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bắc Sơn, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình khẳng định: điều này hoàn toàn là bịa đặt. Lý do, theo ông Huân, bà con nông dân phần đông không thạo việc truy cập mạng. Nếu biết thì cũng chẳng có thời gian cho việc này vì còn bận rộn việc sản xuất, làm ăn, chưa nói đến việc có thời gian tìm hiểu rồi ký tên ủng hộ hay phản đối điều này điều khác. Ngược lại, theo ông Huân, mới đây, khi khu dân cư Bắc Sơn đã tổ chức cho nhân dân trong thôn tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, hầu hết nhân dân trong thôn, đa số là nông dân đều tham gia tích cực, trách nhiệm, khẳng định, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ…

Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi với những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không hiểu biết nhiều về mạng internet thế nhưng lại ký tên trên mạng để ủng hộ cho một bản kiến nghị mà theo họ là đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đất nước thì quả là điều hết sức phi lý. Đây thực sự chỉ là những con số ảo không có thực, là một sự giả mạo, ngụy tạo, được tạo nên theo cách có chủ đích với dã tâm xấu nhằm thực hiện những mưu đồ đen tối của một số người.
Người con đất việt
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top