Gần đây, một số đài và trang web bên ngoài bàn luận về việc sửa đổi Hiến pháp, nhân đó tuyên truyền xuyên tạc để đưa ra nhận định về sự tất yếu thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Thực ra, những nội dung xuyên tạc chẳng có gì mới mẻ. Chúng đã được đưa ra nhiều lần, lần này chỉ là đợt cao điểm nhằm vào đúng thời điểm Đảng CSVN kiểm điểm tự phê bình và phê bình cùng với việc lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Trước tiên phải nói rằng: xây dựng Hiến pháp là công việc, là chủ quyền của mỗi quốc gia dân tộc. Học hỏi các quốc gia, dân tộc khác là đương nhiên, nhưng không thể sao chép một cách thuần túy hiến pháp của Nhà nước thuộc chế độ chính trị này sang Nhà nước thuộc chế độ chính trị khác. Kể cả những Nhà nước có chung chế độ chính trị cũng không thể "rập khuôn" hiến pháp của nhau được, vì lịch sử, truyền thống văn hóa, trình độ dân trí, đời sống kinh tế-xã hội mỗi nước một khác.
Ở các nước quân chủ lập hiến như Anh, Thái Lan, Nhật Bản, quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng (head of government). Thủ tướng cũng điều hành chính phủ và chịu trách nhiệm hàng ngày về việc nước. Quốc vương (nữ hoàng hoặc vua) đại diện cho quốc gia ra bên ngoài nhưng có quyền chính trị để giải tán chính phủ, quốc hội, ký quyết định lập nội các, phong các chức vụ cao cấp trong quân đội.
Ở các nước cộng hòa nghị viện (parliamentary republic) như ở Ý, tổng thống do quốc hội bầu chọn ra nhưng quyền lực không nhiều bằng thủ tướng.
Còn tại các nước theo có mô hình tổng thống chế (Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ, Philippines), tổng thống cũng nắm luôn quyền điều hành nội các nên là chức vụ cao nhất và hùng mạnh nhất.
Theo hiến pháp các nước này, tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia (head of state), vừa đứng đầu chính phủ (head of government).
Hoa Kỳ và Philippines không có cả thủ tướng nhưng ở những nước như Hàn Quốc, thủ tướng cũng chỉ đóng vai trò như một siêu chánh văn phòng nội các hoặc bộ trưởng thứ nhất do tổng thống chỉ định. Thủ tướng Hàn Quốc có một thời chỉ mang chức danh ‘bộ trưởng nội các thứ nhất’ (chief cabinet minister), và tuy có quyền giám sát các bộ trưởng nhưng chỉ là ‘trợ lý cho tổng thống’, theo quy định của hiến pháp.
Tại Pháp, nhìn chung thủ tướng và mọi bộ trưởng đều do tổng thống bổ nhiệm và phải phục tùng nguyên thủ quốc gia. Tuy thế, Hiến pháp 1958 cho thủ tướng nhiều quyền hơn bình thường và quốc hội Pháp cũng có nhiều tiếng nói để 'bảo vệ' thủ tướng của họ nếu cần.
Tại Nga, Thủ tướng luôn có vai trò yếu hơn tổng thống và dù là vị trí được Viện Duma Quốc gia bổ nhiệm, chức vụ này có thể bị tổng thống miễn nhiệm bất cứ lúc nào. Hiến pháp Nga quy định thủ tướng phải điều hành chính phủ “theo đúng các sắc lệnh của tổng thống”.
Như vậy, chẳng quốc gia nào giống quốc gia nào. Không ai có thể đòi hỏi điều đó và không một người chân chính nào lại chấp nhận điều đó. Đó là chủ quyền quốc gia mỗi nước. Vì thế, bên ngoài xin miễn can thiệp thô bạo vào công việc Việt Nam, hãy để nhân dân Việt Nam quyết định.
Thăng Long
0 nhận xét