BÀI BÁO TRÊN QĐND GÂY NHIỀU TRANH CÃI

Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân

Trong những ngày gần đây, nhiều trang mạng trong và ngoài nước dấy lên đòi hỏi Nhà nước ta thực hiện quyền con người (QCN). Người ta kêu gọi: “Chính quyền… thực thi những QCN đã được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và những Công ước quốc tế nhân quyền mà Việt Nam tham gia”. Trong những quyền đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo Điều 69, Hiến pháp năm 1992  và “Điều 19, Điều 21, Điều 22 Công ước quốc tế nhân quyền, năm 1966, mà Việt Nam gia nhập năm 1982”.

Có người còn đưa ra “sáng kiến” ký tên vào “Lời kêu gọi Quốc hội Việt Nam” đòi hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”. Những hoạt động trên mạng này đã được nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải và “tăng âm”, khiến một số người nghi ngờ về hệ thống pháp luật và bản chất của chế độ ta.
Theo họ, Điều 88 Bộ luật Hình sự “Quy định một cách mù mờ về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thực chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, là “gây nguy hiểm cho trí thức”…

Vậy nội dung và thực chất Điều 88, Bộ luật Hình sự như thế nào?

Điều 88 quy định như sau: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam… bao gồm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHNXHCN Việt Nam.
Cũng trên những trang mạng đã đưa tin này, người ta nhắc lại nhiều bản án đã tuyên như vụ án Cù Huy Hà Vũ, vụ án “Câu lạc bộ nhà báo tự do” để làm bằng chứng.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần nhận rõ sự thống nhất và khác biệt giữa quyền công dân (QCD) và QCN.

Dựa trên Bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948 và “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966"; “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966”[1] có thể hiểu QCN như sau: Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc tế và còn được nội luật hóa trong luật quốc gia) nhằm bảo vệ nhu cầu về các mặt: Dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng.

So với khái niệm QCN, khái niệm QCD mang tính xác định hơn. Khái niệm này gắn liền với chế độ xã hội, những đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc. Trong Hiến pháp Việt Nam cũng như Hiến pháp của nhiều quốc gia khác, QCD thường được gắn liền với nghĩa vụ công dân, hình thành khái niệm Quyền và nghĩa vụ công dân (Q&NVCD) được quy định trong pháp luật quốc gia.
Vấn đề bảo vệ chế độ chính trị, giữ ổn định xã hội đã được các quốc gia trong cộng đồng quốc tế quan tâm từ lâu. Tại “Hội nghị quốc tế về quyền con người” ở Viên (Áo), năm 1993, đại diện các quốc gia đã ra Tuyên bố khẳng định: "Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập…Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo;…”[2].

Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966" nhiều quyền và tự do của con người cũng bị hạn chế, trong đó có Điều 19. Điều này quy định: …“2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… Việc thực hiện những quyền quy định ở mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, để: a) Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[3].
Không phủ nhận rằng Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước này từ năm 1992, song điều đó không có nghĩa Việt Nam không có quyền đưa ra những hạn chế luật định về quyền tự do ngôn luận. Do đó Điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với “Tuyên bố Viên và chương trình hành động; phù hợp với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966”.

Không chỉ trong pháp luật Việt Nam mà trong pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có cả những quốc gia phương Tây đã đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do internet. Những quy định này tùy thuộc vào tình hình chính trị xã hội và quan điểm của những quốc gia đó.
Ngày nay, trong khi đánh giá cao vai trò của internet, người ta cũng thấy rõ những mặt trái của nó. Quan điểm cực đoan về tự do ngôn luận, báo chí của phương Tây đã phải trả giá đắt. Chẳng hạn những vụ việc được các phương tiện truyền thông đưa tin như vụ một mục sư đạo Tin lành Mỹ đòi đốt kinh Cô-ran, vụ việc lính Mỹ đốt kinh Cô-ran ở Áp-ga-ni-xtan, vụ họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh biếm họa và bộ phim được cho là báng bổ nhà tiên tri Mô-ha-mét được sản xuất ở Mỹ năm ngoái…, về khách quan đã “kích hoạt” những mâu thuẫn xã hội, làm cho sự bất bình của một bộ phận nhỏ dân cư bùng lên trở thành bạo loạn xã hội.

Ở Việt Nam, trên một số trang mạng, với những lý do khác nhau, người ta  không chỉ tuyên truyền, áp đặt các quan điểm dân chủ, nhân quyền ngoại nhập, mà còn xuyên tạc chủ trương, chính sách; bôi nhọ, vu cáo trắng trợn Đảng và Nhà nước, thậm chí xuyên tạc lịch sử  Cách mạng Việt Nam, xúc phạm lãnh tụ. Đó là chưa kể người ta còn khuyến khích những phần tử cực đoan trong tôn giáo, dân tộc thiểu số gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi thành lập nhà nước riêng (nhà nước Đề-ga, nhà nước H‘Mông) trong lòng nước CHXHCN Việt Nam.
Kêu gọi xóa bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự, 1999 chính là một bước đi quan trọng trong âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm tước bỏ công cụ pháp lý cơ bản bảo vệ chế độ xã hội và Nhà nước của nhân dân ta.

Không phủ nhận rằng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết, thậm chí có những bức xúc xã hội, nhất là tình trạng phân hóa giàu nghèo, “lợi ích nhóm”, tình trạng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư  tưởng chính trị, đạo đức lối sống như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra.
Hoàn thiện thể chế, mở rộng hơn nữa các quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tăng cường quyền được thông tin, quyền giám sát, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân là một yêu cầu tất yếu, để phát triển mọi mặt xã hội ta. Đồng thời đó cũng là biện pháp cơ bản để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Khắc phục những mặt tiêu cực này là một công việc lớn lao, phức tạp, lâu dài, không thể làm trong một sớm, một chiều. Việc Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm, như tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4, lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 đều hướng tới mục tiêu nói trên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, chúng ta không thể xem nhẹ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những quyền tự do ngôn luận, báo chí nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ, gây mất ổn định chính trị, từng bước đi đến xóa bỏ chế độ ta xã hội XHCN và Nhà nước của nhân dân ta.

[1] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “ Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002, Tr 28, 249, 284
[2] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002. Tr 44
[3] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002. Tr 259

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/224360/Default.aspx
                                          ----------------------------*---------------------------
Một bài báo về điều 88 BLHS VN, về nhân quyền và quyền công dân thu hút sự quan tâm của những ý kiến bình luận, tranh cãi.

Quyền con người và quyền công dân


Trang báo của Quân đội nhân dân đăng bài
“Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân”

Trang báo của Quân đội nhân dân đăng bài “Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân”
Trang báo của Quân đội nhân dân đăng bài “Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân”
Bài báo nhan đề “Điều 88 Bộ luật Hình sự với quyền con người và quyền công dân” đăng trên tờ Quân đội Nhân dân online chiều ngày 13 tháng 1 vừa qua trong đó phản bác lại những ý kiến kêu gọi tôn trọng nhân quyền Việt Nam cũng như những ý kiến kêu gọi bỏ điều 88 trong BLHS Việt Nam và bỏ Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”.

Theo tác giả Đức Giang của bài báo, những hoạt động trên được truyền thông phương Tây đăng tải và “tăng âm”, “khiến một số người nghi ngờ về hệ thống pháp luật và bản chất của chế độ ta”.

Theo bài báo, nhiều quyền và tự do của con người cũng bị hạn chế trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị - công ước mà nhiều ý kiến đang kêu gọi Việt Nam thực hiện. LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm Thường trực VPQH Việt Nam, nhận xét về điều này:

Dĩ nhiên trong Công ước về Quyền dân sự và Chính trị cũng có nói là quyền đó sẽ bị hạn chế nếu nó xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn XH của một nước khác. Nhưng nó phải được cụ thể, tách bạch ra
LS Trần Quốc Thuận


“Dĩ nhiên trong Công ước về Quyền dân sự và Chính trị cũng có nói là quyền đó sẽ bị hạn chế nếu nó xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn XH của một nước khác. Nhưng nó phải được cụ thể, tách bạch ra”.

Bài báo cũng nói rằng “So với khái niệm quyền con người, khái niệm quyền công dân mang tính xác định hơn”; rằng quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân.

“Nghe qua thì cứ tưởng đó là một nhưng thực ra nó hoàn toàn khác nhau. Một quyền được chi phối bởi chính quyền và một quyền là quyền tự nhiên, phổ quát”, ông Thuận nói thêm.

Quyền con người được định nghĩa như những quyền cơ bản mà bất cứ ai là con người cũng được thừa hưởng. Quyền con người mang tính phổ quát và không khác nhau giữa các quốc gia. Nó bao gồm các quyền cơ bản như quyền được sống, được tự do, được giáo giục, được hưởng một phiên tòa công bằng, quyền tự do ngôn luận… Trong khi đó quyền công dân là khế ước giữa dân và chính quyền. Nó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của một đất nước và phải có cơ chế qui định luật pháp đề đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ của công dân thường được thiết kế sao cho không đi ngược lại quyền con người.


Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị vào năm 1982 nhưng thường bị các cơ quan cổ võ nhân quyền chỉ trích là không thực hiện Công ước. Bài báo trên Quân đội Nhân dân không phủ nhận Việt Nam là thành viên của công ước này nhưng nói rằng “không có nghĩa Việt Nam không có quyền đưa ra những hạn chế luật định về quyền tự do ngôn luận”. Bài báo khẳng định “Điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999 là hoàn toàn đúng đắn”.

Luật về Điều ước Quốc tế của Việt Nam được QH thông qua nói đối với những điều ước QT mà Việt Nam là thành viên thì Việt Nam tuân theo điều ước QT đó. Và nếu như có sự mâu thuẩn giữa luật Việt Nam với các công ước, luật quốc tế ấy thì Việt Nam tuân theo các qui định quốc tế mà mình là thành viên. Ông Trần Quốc Thuận khẳng định:

“Có nghĩa rằng Việt Nam tự thừa nhận rằng luật pháp Việt Nam tôn trọng điều ước quốc tế có giá trị cao hơn luật pháp trong nước. Nguyên tắc là tuân theo điều ước QT. Luật về Điều ước QT đã qui định như thế”.

Bài báo cũng nói rằng “So với khái niệm quyền con người, khái niệm quyền công dân mang tính xác định hơn”; rằng quyền công dân gắn liền với nghĩa vụ công dân
 Trao đổi với đài RFA, GS Tương Lai, nguyên viện trưởng viện XH học Việt Nam nói rằng ông không phủ nhận việc mọi quốc gia cần có những điều lệ để bảo vệ an ninh xã hội và sự xuất hiện của điều 88 BLHS Việt Nam là điều “dễ hiểu”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng điều này được qui định không rõ ràng:

“Tại sao chúng tôi phản đối điều này? Trong lời tuyên bố chúng tôi đã nói rõ là qui định điều 88 mù mờ mà vì vậy nên người ta muốn vận dụng thế  nào cũng được. Khi ban hành luật mà tạo nên khe hở để hiểu thế này cũng được, thế kia cũng được thì rất nguy hiểm. Chính vì sự mù mờ đó mà chúng tôi đề nghị hủy bỏ. Như thế thì không phải hủy bỏ một điều luật nhằm bảo vệ an ninh của chế độ và nhằm chống lại thế lực muốn lật đổ chế độ”.

Sự “mù mờ” của điều 88
Hồi tháng trước, các trí thức Việt Nam kêu gọi thực hiện quyền con người bao gồm việc kêu gọi bỏ điều 88 trong BLHS. Quan điểm của GS Tương Lai là điều quan trọng của một nhà nước pháp quyền là phải có những luật lệ rõ ràng để tránh bị vận dụng tùy tiện.
GS Tương Lai, nguyên viện trưởng viện XH học Việt Nam
GS Tương Lai, nguyên viện trưởng viện XH học Việt Nam
“Cách thức điều 88 được vận dụng trong thời gian vừa qua thì ai cũng có thể bị qui vào tuyên truyền chống nhà nước nếu nhà cầm quyền không thích sự phản biện của họ về các chính sách, điều luật sai trái. Vậy thì còn ai dám nói nữa. Dân chủ là được nói những điều mình nghĩ”, ông nói thêm.

LS Trần Quốc Thuận cũng cho rằng sự “mù mờ” của điều 88 không những làm ảnh hưởng đến những nhà bất đồng chính kiến mà còn có thể ảnh hưởng đến cả những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những người muốn tham gia phản biện xã hội:

“Các văn bản của Nhà nước và Đảng đều khuyến khích phản biện xã hội. Phản biện là thế nào? Là nói ngược lại, nói khác đi. Nhưng người ta lại quay ngược lại cho rằng đó là tuyên truyền chống Nhà nước”.

Bài báo đăng trên tờ Quân đội Nhân dân, ấn bản điện tử thu hút sự quan tâm của dư luận khi thẳng thắn cho rằng việc kêu gọi xóa bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự, 1999 “là một bước đi quan trọng trong âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm tước bỏ công cụ pháp lý cơ bản bảo vệ chế độ xã hội và Nhà nước của nhân dân ta”. GS Tương Lai bác bỏ quan điểm này và giải thích:

“Vì để phát huy dân chủ đúng như những gì các nhà lãnh đạo đang kêu gọi; để tạo niềm tin cho người dân là nói một đàng không làm một nẻo thì chúng tôi kêu gọi thực hiện quyền con người được ghi trong hiến pháp. Thế thôi”.
Cách thức điều 88 được vận dụng trong thời gian vừa qua thì ai cũng có thể bị qui vào tuyên truyền chống nhà nước nếu nhà cầm quyền không thích sự phản biện của họ về các chính sách, điều luật sai trái. Vậy thì còn ai dám nói nữa
GS Tương Lai
Tự do ngôn luận là một trong các phạm trù của nhân quyền gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Trong lúc nhiều người yêu cầu được thực hiện quyền này thì bài báo về điều 88 trên khẳng định “Quan điểm cực đoan về tự do ngôn luận, báo chí của phương Tây đã phải trả giá đắt”.

Tác giả Đức Giang viện dẫn những dẫn chứng như tin tức về mục sư đạo Tin lành Mỹ đòi đốt kinh Cô-ran; vụ họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh biếm họa, vụ bộ phim được cho là báng bổ nhà tiên tri Mô-ha-mét … được đưa lên truyền thông đã “kích hoạt” những mâu thuẩn xã hội”. Ông Phil Robertson Phó Giám đốc khu vực Châu A´ của tổ chức Theo dõi Nhân quyền không đồng ý với quan điểm trên. Ông nói:

“Thực ra không phải như vậy, tự do ngôn luận là quyền phổ quát, được ghi trong Tuyên ngôn QT về Nhân quyền cũng như được ghi trong Công ước QT về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam phải tôn trọng. Những cái gây ra mâu thuẩn XH ở Việt Nam là vấn đề liên quan đến tham nhũng, cưỡng chế đất đai, thiếu minh bạch…. Tự do ngôn luận chỉ đảm bảo việc nói lên những vấn đề đó. Nó không đảm bảo rằng các vấn đề sẽ được giải quyết”.

Nói về Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” mà nhiều người yêu cầu xóa bỏ, LS Trần Quốc Thuận cho rằng nếu nghị định này được dùng để chống biểu tình thì “hoàn toàn sai”. Ông cho rằng quyền cơ bản và nghĩa vụ cơ bản công dân phải được Hiến pháp và luật qui định, tức là phải được Quốc hội qui định. “Chính phủ không có quyền ra một nghị định xâm phạm đến quyền của công dân”, ông nói.

© Quỳnh Chi, phóng viên RFA, Bangkok
Nguồn: RFA

Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

1 nhận xét

  1. Xin xem trang http://www.daoduccongly.blogspot.com Xin xem ky va giai quyet thau dao cho gia dinh dan toc . Xin chan thanh cam on.

    Trả lờiXóa

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top