Suy ngẫm từ hành vi của công dân Nguyễn Phương Uyên

Như chúng ta đã biết, sáng 3-11-2012 tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã tổ chức họp báo thông tin về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam hai công dân Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha với thời hạn bốn tháng vì có hành vi "Tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam" theo Ðiều 88, Bộ Luật Hình sự.

Theo cơ quan chức năng, tang vật thu giữ gồm: một cờ vàng ba sọc đỏ dán vào mặt trong thùng các-tông (hộp rải truyền đơn tại cầu An Sương); 723 tờ truyền đơn, khẩu hiệu; 2,54 kg hóa chất để chế tạo thuốc nổ, cùng nhiều thiết bị để dùng trong việc in ấn, rải truyền đơn...

Trong bản nhận tội viết tại cơ quan an ninh điều tra, Nguyễn Phương Uyên đã thừa nhận: "Bản thân tôi nhận thấy việc làm của mình đã vi phạm pháp luật nhà nước Việt Nam, chống lại Ðảng cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, giúp cho tổ chức phản động chống Ðảng, Nhà nước... Những việc làm này nhằm lấy lòng tên Thành để hắn cho máy laptop, điện thoại và hỗ trợ tiền...".

Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, và tỏ ra ăn năn, hối hận trước những việc làm sai trái và mong được sự khoan hồng, tha thứ của pháp luật. Vậy là đã có câu trả lời cho câu chuyện vốn rất gây bức xúc đối với những ai quan tâm trong mấy tuần qua; đồng thời, sự thật về hành vi của công dân Nguyễn Phương Uyên và những sự kiện chung quanh nó không chỉ làm tổn thương lòng yêu nước của người dân, mà còn để lại nhiều bài học cần suy ngẫm cho mọi người dân, các giới và cơ quan chức năng.


Vào mạng in-tơ-nét để học tập, tìm tin tức và làm quen qua nhiều trang mạng xã hội đa dạng với các cư dân mạng khác là chuyện bình thường, ngày càng phổ biến và không hề bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm. Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu chín chắn và phiến diện về nhận thức chính trị, thiếu kinh nghiệm sống thực tế để tỉnh táo nhận diện thật - giả, đúng - sai, cho nên không ít người, nhất là thanh niên, dễ mắc vào bẫy độc mà các thế lực thù địch giăng mắc, để rồi có ngày chuốc lấy những hệ quả ngoài mong đợi và cũng không bất ngờ.

 Ngắm tấm hình của Nguyễn Phương Uyên, không khỏi đắng lòng xót xa, nuối tiếc, không hiểu vì sao mà cô sinh viên năm thứ 3, hệ cao đẳng Trường ÐH Công nghệ Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, một cán bộ đoàn năng động, thông minh, tương lai nhiều hứa hẹn, lại có thể bột phát manh động và do đó, gây nhiều hệ lụy cả cho bản thân mình, cũng như làm tổn thương lòng yêu nước - một giá trị vốn luôn là niềm tự hào và là sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người dân Việt? Không xót xa sao được, khi Nguyễn Phương Uyên lại ngây thơ tin vào lời dỗ ngon, dỗ ngọt của một kẻ mới chỉ quen biết qua in-tơ-nét, và để làm vừa lòng hắn với hy vọng sẽ nhận được laptop (máy tính xách tay - món quà tặng rất hấp dẫn đối với thanh niên mới lớn) và tiền thưởng, mà chỉ sau vài tháng Nguyễn Phương Uyên đã dễ dàng bị Nguyễn Thiện Thành chiêu dụ, gia nhập tổ chức "tuổi trẻ yêu nước". Ðể rồi sau đó có hành vi phản bội lại niềm tin và sự mến mộ của bạn bè, đồng chí, thậm chí phản bội lại chính lý tưởng của Ðoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà cô là một thủ lĩnh ở cơ sở...

Không xót xa sao được, khi người "cùng chí hướng" với Nguyễn Phương Uyên là Ðinh Nguyên Kha, cũng như Uyên, rất nhanh chóng được Nguyễn Thiện Thành chiêu dụ vào tổ chức "tuổi trẻ yêu nước" chỉ với lời hứa hẹn cho đi du lịch Thái-lan, và hứa hươu, hứa vượn sẽ giúp định cư ở Hoa Kỳ! Vậy là chỉ bằng lời hứa tặng quà và đi du lịch, mà Nguyễn Thiện Thành đã dễ dàng điều khiển hai thanh niên này, biến họ thành tay chân đắc lực để dán cờ vàng ba sọc đỏ rồi rải truyền đơn, chụp hình và viết bài tường thuật, miêu tả chi tiết hiện trường trên địa bàn tỉnh Long An, tỉnh Bình Thuận nhân ngày Quốc khánh 2-9. Thậm chí manh động và táo tợn hơn, chúng còn định đặt bom tượng đài Bác Hồ tại Cần Thơ, kích động nhân dân lật đổ chế độ...

Trong sự kiện này, điều khiến nhiều người quan tâm cảm thấy bất ngờ là sự tiếp thu, cùng sự tinh vi trong "công nghệ" phá hoại do Nguyễn Thiện Thành chuyển giao cho "hai tình nguyện viên trẻ" mới chân ướt, chân ráo làm nghề phá hoại thuê. Họ đóng vai là người tình để che mắt mọi người; đổi 2,5 triệu đồng ra tiền lẻ có mệnh giá 5, 10, 20 nghìn đồng để dán vào tờ truyền đơn gây chú ý cho người qua đường; chế tạo hộp đựng truyền đơn có gắn "chíp" máy vi tính nối với điện thoại di động có cài chế độ hẹn giờ, để khi đến giờ hẹn chỉ cần điều khiển từ xa có thể bung hộp truyền đơn, cờ và tiền ra ngoài. Cũng vì vậy, theo lô-gích, sẽ là điều nguy hiểm và không thể lường hết khả năng rồi đây, khi số tiền thưởng và quà tặng tăng lên thì sự khống chế của những kẻ như Nguyễn Thiện Thành và đồng bọn sẽ tăng theo. Khi đó, buộc họ phải thực hiện những "nhiệm vụ" khác thì Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha sẽ hành xử như thế nào. Họ sẽ tỉnh táo dừng lại, hay tiếp tục "nhắm mắt đưa chân" để rồi tội lỗi ngày càng thêm nặng?

 Không xót xa sao được, sau khi công dân Nguyễn Phương Uyên bị bắt, trên in-tơ-nét xuất hiện một bức thư được cho là của bạn bè gửi Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bức thư đã được làm sáng tỏ, đó là sự bịa đặt trắng trợn, trong đó có tên của một số sinh viên, nhưng mã số trên thẻ sinh viên thì sai, các em hoàn toàn không biết gì về việc tên của mình xuất hiện trong bức thư. Ðáng chú ý sau đó, cũng trên trang in-tơ-nét, xuất hiện bức thư có ký tên hàng trăm trí thức và người dân, đề nghị cơ quan chức năng trả lời về vụ việc, đề nghị Chủ tịch nước can thiệp để thả tự do cho Nguyễn Phương Uyên. Khi tin tức về hành vi phạm tội của công dân Nguyễn Phương Uyên chính thức được công bố, sự thật đã được làm sáng tỏ, liệu các bức xúc và thắc mắc, thậm chí cả sự nghi ngờ theo lối định kiến và suy diễn chủ quan có được hóa giải? Dù thế nào, nhìn từ bản chất của sự kiện - hiện tượng, có thể nói lòng yêu nước của mỗi người trong chúng ta đều bị tổn thương.

 Cuối cùng, theo Ðại tá Nguyễn Sáu - Thủ trưởng cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An, việc khởi tố, bắt giam các đối tượng được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, sự kiện liên quan trực tiếp tới công dân Nguyễn Phương Uyên cũng cho thấy, các cơ quan chức năng vẫn cần rút kinh nghiệm trong việc làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền,... để đáp ứng nhu cầu thông tin, sớm làm sáng tỏ vụ việc, không để bị lợi dụng, xuyên tạc. Rõ ràng "câu chuyện của Nguyễn Phương Uyên" là sai lầm của một sinh viên trẻ, nhưng để lại nhiều bài học đáng suy ngẫm.

 NGUYỄN TRẦN MINH TRÍ - nhandan.com.vn
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top