Không có chuyện "chẳng có gì để viết" với Nhà báo

Nếu chỉ viết blog đơn thuần thì bài viết này sẽ không dành cho bạn, và nếu bạn đang muốn dùng blog như một công cụ của một "tờ báo" của cá nhân chia sẽ thông tin đa chiều đến với đọc giả thì hãy nán lại và đọc hết bài này để có định hướng đúng đắn - [tapvietbao]

Không xác định được đâu là đích đến, sẽ chẳng bao giờ đến đích. Không xác định được tác phẩm của mình nhằm mục đích gì? Ai sẽ đọc nó? Làm sao để thu hút người đọc khi bài viết của mình nằm trong số hàng trăm, hàng ngàn bài viết trên các trang báo xuất bản mỗi ngày? Người đọc sẽ “nhận” được gì sau khi đọc bài bài viết ấy? v.v… thì khó lòng có được tác phẩm hay, bổ ích. Vậy nên, biết tự đặt cho mình những câu hỏi, nhà báo sẽ biết mình cần phải làm gì cho bài báo mà mình sắp viết, cho tờ báo mà mình sắp xuất bản.

Viết gì?

Báo chí với những chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng, dự báo… và luôn nằm trên cái trục chính với hai mặt đối lập: hướng thiện – diệt ác; cổ vũ tích cực – bài trừ tiêu cực; xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp – chống lại mọi biểu hiện sai trái kéo lùi sự văn minh của nhân loại. Vì thế, một khi chưa (hoặc không) biết xác định rõ “bài viết nhằm mục đích gì?” thì nhà báo khó lòng sáng tạo được tác phẩm đạt điểm tối ưu.

Tâm lý phổ biến nơi con người là luôn muốn tìm kiếm, khám phá “mặt trái” của đời sống. Vì thế cướp của, giết người, hiếp dâm, tham nhũng… luôn là những đề tài thu hút sự chú ý của độc giả, khán thính giả mỗi khi những thông tin ấy được các phương tiện truyền thông đưa tin. Nắm bắt được tâm lý trên một số nhà báo, tờ báo chỉ chăm chăm vào những sự việc, chi tiết (mà nhà báo cho rằng đó là yếu tố hấp dẫn bạn đọc) để bán báo, để thu hút nhiều người truy cập hoặc lôi kéo nhiều người xem, nghe đài (với mục đích cuối cùng là… bán được nhiều quảng cáo, thu nhiều tiền tài trợ). Trong thời gian qua, khi dư luận xã hội lên án gay gắt tình trạng “báo lá cải” thì cũng có dăm-ba-nhà-báo lớn giọng ngụy biện rằng “chúng tôi thực hiện chức năng thông tin”, “chúng tôi không vi phạm luật…” – e là chưa đủ sức thuyết phục. Ai cũng biết, một sự kiện phát sinh, có nhiều cách để đưa tin và qua cách đưa tin ấy sẽ tạo nên một trong hai hệ quả tất yếu: tốt hoặc xấu (đối với xã hội), dù cách đưa tin nào cũng không thể bị pháp luật chi phối trong các điều khoản quy định. Tâm lý của công chúng là tò mò, muốn biết cái “mặt trái” của đời sống, nhưng báo chí cần biết tiết chế (về liều lượng) đồng thời phải làm tốt vai trò người-hướng-đạo để từ những “mặt trái” ấy, người đọc sẽ biết lánh xa cái xấu, cái ác để đến với chân-thiện-mỹ…

“Ngoại tình”, “ghen tuông”, “giết người”, “cướp của”, “hiếp dâm” “lừa đảo”… – những sự việc có thật. Vậy viết về những sự việc ấy có gì là sai? Đúng, không sai. Nhưng các bài viết ấy nhằm mục đích gì và phải viết như thế nào – mới là điều cần bàn đến. Miệng thì hùng hồn ngụy biện: “Báo tôi đăng những bài viết ấy với mục đích lên án cái xấu. Chúng tôi cũng đã trích tiền của tòa soạn để hỗ trợ cho gia đình nạn nhân… Vậy ai dám bảo là chúng tôi chỉ biết chạy theo những điều tầm thường để bán báo?!”, nhưng thực chất các bài viết thì chỉ xoáy váo việc miêu tả những tình tiết, hành vi của kẻ phạm tội. Độc giả chẳng thể nhận ra đâu là “giá trị đích thực” mà bài viết mang lại trong việc giáo dục, định hướng - ngoài những tình tiết rợn người mà tác giả đã dày công nhào nặn giữa thực tế và trí tưởng tượng trong trò-chơi-ngôn-từ.

Có những chương trình truyền hình hoặc chuyên mục trên báo với “tuyên ngôn” nghe rất kêu: Để mọi người cảnh giác với những hành vi xấu, nhằm biết cách ứng xử khi gặp các tình huống tương tự. Nhưng thực chất, người ta đã vô tình “dạy” cho những kẻ xấu biết thêm nhiều mánh khóe “độc chiêu” trong việc cướp giật, những chiêu thức lừa đảo, những kiểu đào tường khoét vách… mà trước đó kẻ xấu chẳng thể nào tự nghĩ ra được (!?). Vậy nên, viết thế nào, làm chương trình thế nào để “chỉ có lợi” cho xã hội là điều (không hề dễ) mà các tác giả và những người lãnh đạo ở từng cơ quan báo chí phải suy nghĩ thật chín trước khi thực hiện.

Không có gì để viết?

Viết báo, làm báo – nhất là báo ra hàng ngày (báo in), hoặc hàng giờ (báo mạng, phát thanh, truyền hình) thì áp lực về đề tài là rất lớn. Áp lực ấy khiến cho cả dây chuyền từ phóng viên – biên tập – lãnh đạo… bị cuốn vào vòng xoáy của sự mâu thuẩn giữa chất và lượng. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, phóng viên đã phải tác nghiệp theo kiểu “gặp gì cũng viết”, kể cả những sự kiện vặt vãnh, linh tinh; hoặc cho ra đời những bài viết được xào nấu lại từ các báo điện tử, blog, diễn đàn hay các trang mạng xã hội trên Internet, thậm chí là nhào nặn từ “tin vịt”. Còn bộ phận biên tập và lãnh đạo tòa soạn thì buộc phải lấp đầy các trang báo, nên dù bài vở hay hoặc dở thế nào thì đến “giờ lên khuôn” cũng phải cho xuất bản, cho phát sóng…

Một số tổng biên tập than thở rằng: Làm báo thời kinh tế thị trường chẳng khác gì… chiến trường. Nếu báo mình mà để lọt những thông tin thời sự nóng hổi hoặc đưa tin chậm hơn báo bạn là coi như “ăn cám”! Chính bởi áp lực “nhanh nhất” ấy, “cái gì cũng phải có” ấy đã ngày càng làm cho độc giả thất vọng về những bài báo kém chất lượng.


Tấm bản đồ của Trung Quốc được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904, trong đó ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Để có một tác phẩm báo chí vừa đúng, vừa trúng, vừa hấp dẫn, vừa có ích… không thể thiếu yếu tố thời gian cũng như ai là người phù hợp nhất để tạo ra tác phẩm ấy – đặc biệt là những bài phóng sự, điều tra. Tôi đã từng chứng kiến – một phóng viên mới vào nghề, phát hiện đề tài hay, anh ta liền báo cáo cho thư ký tòa soạn để hỏi ý kiến. Ngoài việc đưa ra lời khen “đề tài hay đấy” thư ký tòa soạn liền truyền mệnh lệnh: “Tôi sẽ chừa đất chờ bài viết ấy. Chiều mai phải có bài! Nếu mai không có bài thì ở nhà luôn đi, đừng vào tòa soạn nữa!”. “Quân lệnh như sơn” người phóng viên mới vào nghề ấy dù có cho kẹo cũng chẳng dám trái lệnh – thế là một bài viết được gắn nhãn “phóng sự điều tra” với cái tít thật kêu, nhưng nội dung thì nhạt như nước ốc đã ra đời, lại còn được tờ báo ấy “bung” làm “bài đinh” ở trang nhất (!?). Báo chí đã không ít bài lên án nạn “chạy theo số lượng, xem thường chất lượng” của người khác, nhưng chẳng bao giờ tự biết răn dạy… chính mình.

Làm gì để có bài viết hay, có trang báo hay, có tờ báo hay? Làm gì để độc giả (khán thính giả) ngày càng tin tưởng, yêu quý tờ báo (chương trình) của mình? Thời điểm này ta nên (hoặc chưa nên) đưa vấn đề A, B, C lên mặt báo, vì sao?... Là những câu hỏi mà mỗi người làm báo, viết báo phải tự tìm ra câu trả lời cho bản thân. Không biết tự đặt ra cho mình những câu hỏi hoặc không thể tìm ra lời đáp cho từng câu hỏi ấy, thì ước mơ “được độc giả tin cậy và quý mến” cũng sẽ mãi là ước mơ.

“Viết mãi, chẳng còn gì để viết!” – không ít nhà báo đã buông ra lời than vãn ấy. Phải chăng, đó là nỗi khổ của những người viết báo? Nếu than chỉ để là than… cho vui thì không sao, nhưng nếu lời than ấy là phản ảnh một thực tế thì quả nguy hiểm. Bởi “chẳng còn gì để viết” mà phải có tin, có bài nộp cho tòa soạn thì “bạ gì viết nấy”, “có ít xuýt ra nhiều”… là chuyện khó tránh.

Tôi nhớ ai đó đã nói, đại ý: Nhà báo phải biết tạo ra sự kiện. Tất nhiên, không thể hiểu rằng, ai đó khuyên nhà báo phải tạo ra tai nạn giao thông, đốt nhà để gây hỏa hoạn… rồi viết báo (!?) mà từ những sự kiện, vấn đề phát sinh trong đời sống hàng ngày, nhà báo phải biết đặt câu hỏi: Mình phải làm gì cho tác phẩm của mình trở nên mới, lạ, độc đáo, có ích từ những sự kiện đó?

Xin đơn cử một sự kiện gần đây: Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh - Trung Quốc xuất bản năm Giáp Thìn đời vua Quang Tự thời Thanh (1904), được Tiến Sĩ Mai Ngọc Hồng lưu giữ và công bố vào ngày 25.7.2012… thế nhưng, qua các phương tiện thông tin trong nước, người dân chỉ thấy tấm bản đồ ấy một cách không trọn vẹn, rõ ràng. Tại sao không có tờ báo nào nghĩ ra việc, cần phải in lại tấm bản đồ ấy trên tờ báo của mình (nếu cần in to trên cả trang báo lớn) rồi dịch những chữ được in trên đó ra tiếng Việt cho mọi người dân hiểu, là chính người Trung Quốc đã từng thừa nhận họ chẳng hề có Hoàng Sa, Trường Sa? Hoặc, từ sự kiện ấy, vì sao các báo không mở một đợt lấy ý kiến của các nhà khoa học lịch sử, địa dư… tầm cỡ thế giới, để chính họ cũng sẽ lên tiếng ủng hộ chủ quyền biển đảo của ta? Việc đăng (khổ lớn) và trọn vẹn tấm bản đồ ấy, theo tôi, sẽ có rất nhiều người (cả trong nước lẫn nước ngoài) sẽ cất giữ số báo ấy để làm tài liệu và tất nhiên, tờ báo có in tấm bản đồ đó cũng sẽ trở thành một tư liệu quý giá cho thế hệ người Việt trong tương lai…

Chỉ xin đơn cử một việc nhỏ như thế, để thấy rằng, không thể có chuyện “chẳng còn gì để viết” đối với những người làm báo.

Nguồn hình chụp từ facebook:
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top