Tổng thống Aquino mới có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Philippines đề cập đến Biển Đông và việc hiện đại hóa quân đội nước này.
Bây giờ xin phép được nói đến quốc phòng. Một vài người mô tả Không lực của chúng ta chỉ toàn là không khí và chẳng có tí lực nào. Thiếu các thiết bị thích hợp, quân đội ta vẫn dễ dàng rơi vào thế yếu khi bị tấn công. Chúng ta không thể cho phép tiếp diễn những điều như thế này.
Chỉ sau có 1 năm 7 tháng, chúng ta đã phân bổ được hơn 28 tỷ peso cho Chương trình Hiện đại hóa Các Lực lượng Vũ trang Philippines. Không bao lâu chúng ta sẽ đạt mục tiêu 33 tỷ peso dành cho chương trình trong 15 năm qua. Và chúng ta chỉ mới đang bắt đầu: nếu dự thảo hiện đại hóa quân đội được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có thể dành tới 75 tỷ peso cho quốc phòng trong vòng năm năm tới.
Khoản tiền 30 triệu USD mà Hoa Kỳ dành cho chúng ta để nâng cấp năng lực quốc phòng và bảo dưỡng trang thiết bị của Quân đội cũng đã sẵn sàng. Ngoài ra họ còn giúp chúng ta cải thiện năng lực tuần tra bờ biển dưới sự điều phối của Trung tâm Theo dõi Biển sắp được thành lập.
Tại thời điểm này, quân đội đang xem xét kỹ các khí tài như đại bác, xe thiết giáp chở quân, và tàu hộ vệ. Chẳng bao lâu nữa, hộ tống hạm BRP Ramon Alcaraz, lớp Hamilton thứ 2, sẽ thả neo, tác chiến cùng tàu Gregorio BRP del Pilar. Chúng ta không đưa tàu giấy ra biển. Bây giờ, các tàu hiện đại hơn sẽ tuần tra 36.000 km bờ biển của nước ta.
Và có lẽ đã đến lúc thích hợp để quân đội ta dọn sạch các nhà che máy bay, bởi vì chúng ta sẽ sớm có thiết bị để tăng cường phòng thủ. Cuối cùng thì chiếc C-130 duy nhất lượn trên vùng trời đất nước trong suốt 36 năm qua sẽ có bạn có bè: thêm hai chiếc C-130 nữa sẽ hoạt động trở lại. Cuối năm nay, chúng tôi hy vọng 21 chiếc trực thăng UH-1H được tân trang, 4 máy bay trực thăng chiến đấu, vô tuyến điện và thiết bị thông tin liên lạc khác, súng trường, súng cối, các phòng thí nghiệm chẩn đoán cơ động chúng ta đã mua sẽ được chuyển giao. Đến năm 2013, mười chiếc trực thăng tấn công, hai máy bay trực thăng hải quân, hai phi cơ hạng nhẹ, một khu trục hạm nhỏ, và thiết bị bảo vệ không quân cũng sẽ được giao.
Chúng ta làm thế này không phải vì chúng ta muốn làm kẻ xâm lược hay gây leo thang căng thẳng. Tất cả chỉ là để gìn giữ hòa bình. Đây là chuyện tự vệ - điều mà chúng ta cứ nghĩ là không thể. Mục đích là để bảo vệ người lính ngày đêm cận kề hiểm nguy.
(...) Tình hình Bajo de Masinloc (tên Philippines dùng chỉ Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham –ND) là nguồn cơn cho nhiều cuộc thảo luận. Ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ của ta. Tàu tuần tiễu của ta chặn một số tàu của họ, trong đó chứa các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Là lãnh đạo đất nước, tôi có nghĩa vụ thực thi luật pháp Philippines. Và khi tôi làm vậy, căng thẳng ập đến ngay: một mặt, người Trung Quốc dùng lý luận 9 đoạn để đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển Tây Philippines; mặt khác, đã có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, công nhận quyền của nhiều quốc gia, gồm cả Trung Quốc.
Chúng ta đã thể hiện sự nhẫn nhịn tối đa trong việc xử lý vấn đề này. Để bày tỏ thiện chí, phía ta đã dùng 1 chiếc thuyền dân sự thay cho tàu hải quân ngay khi có thể. Chúng ta cũng chọn lựa việc không đáp lại những lời hô hào này nọ trên phương tiện truyền thông của họ. Tôi nghĩ không có gì quá khi chúng ta đòi hỏi họ tôn trọng quyền của chúng ta, cũng giống như chúng ta tôn trọng quyền của họ với tư cách một nước bình đẳng trong một thế giới chung.
Có những người nói rằng chúng ta nên cho không Bajo de Masinloc (Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham), rằng chúng ta nên tránh rắc rối. Nhưng nếu có ai đó bước vào sân nhà bạn rồi nói với bạn rằng gã sở hữu cái sân đó, hẳn bạn sẽ đồng ý chứ? Có đúng không khi từ bỏ cái thuộc về chúng ta một cách chính đáng?
Và vì vậy tôi kêu gọi toàn thể dân tộc đoàn kết lại trong vấn đề này. Chúng ta hãy cất chung một tiếng nói. Hãy giúp tôi truyền đạt logic của lập trường chúng ta sang phía bên kia.
Đây không phải là một tình huống giản đơn, và có lẽ sẽ không có giải pháp đơn giản. Hãy chắc chắn rằng: chúng ta sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia, mỗi nhà lãnh đạo của đất nước mình, các đồng minh - thậm chí cả những người phía bên kia nữa - để tìm ra một giải pháp khả dĩ chấp nhận được đối với tất cả các bên" (...)/.
Trung Hiếu/VOV online
0 nhận xét