Hình ảnh banner xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng
Điều gì đang diễn ra ở đây?
Quan Làm báo không phải là một vật thể lạ. Nó kết hợp mọi đặc điểm quen thuộc của đa số báo chí Việt Nam và đưa chúng lên đỉnh cao: hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền.
Không có gì ở đây không khiến tôi dị ứng: Từ bức banner đúng dòng thẩm mĩ xông pha và gào thét của tranh cổ động cách mạng [2] đến những phông chữ, co chữ và mầu sắc tung tóe [3]; từ những lỗi chính tả thản nhiên như cảnh sát giao thông ăn mãi lộ đến những hàng tít quát tháo; từ trình độ ngôn ngữ của những bài viết như thể tác giả vừa qua bình dân học vụ đến cung cách lập luận theo tinh thần hệ chuyên tu của Trường Đảng cao cấp… Nhưng những điều kể trên đều trở nên mờ nhạt trước sáng kiến truyền thông kinh hoàng của blog này: Tiêu diệt phương châm cốt tử của báo chí – tính khả tín của thông tin. Chưa nói đến chuẩn mực của báo chí chất lượng trong một nền báo chí tự do, rằng một thông tin chỉ có giá trị thông tin khi nó được xác nhận từ ít nhất hai nguồn độc lập nhau, Quan Làm báo loại trừ ý niệm nguồn thông tin khỏi hoạt động truyền thông. Nó không cung cấp thông tin mà truyền bá tin đồn. Những tin đồn hoàn toàn nặc danh, không thể kiểm chứng, không ai chịu trách nhiệm, thả nổi cho mọi phỏng đoán và suy diễn, được tung ra vô tội vạ bởi một chủ blog giấu mặt, đến nay không ai rõ là một người hay một nhóm người [4].
Song chính cái sáng kiến quái thai này lại là công cụ không thể thích hợp hơn để Quan Làm báo thực hiện cuộc tấn công ào ạt của mình vào một mục tiêu nổi bật: không phải bản thân chế độ và hệ thống hiện hành, không, mà chỉ riêng nhân vật được coi là giầu quyền lực nhất trong bộ máy chính quyền Việt Nam hiện tại, người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm được coi là nhóm lợi ích vây quanh ông, gồm cả con gái, con trai, gia đình vợ ông và những nhân vật đầy quyền hành khác trong các ngành công an, quân đội, tư pháp, các tập đoàn kinh tế chủ lực và đặc biệt là ngân hàng-tài chính… Trong cái tiệm thông tin sặc mùi đảo chính này, nơi kết tinh hai phẩm chất hàng đầu của chính báo chí nhà nước, lá cải và tuyên truyền, khách ghé thăm được thết những món lạ lùng sửng sốt mà cả đời mình chưa bao giờ hình dung là sẽ có ngày được thưởng thức. Triều đình cộng sản luôn là cái nồi chõ bịt kín, chỗ này trong nồi không biết chỗ kia sôi đến đâu, nên nghe hơi nồi chõ trở thành tập quán thông tin máu thịt, không chỉ của dân thường. Nhưng những chuyện ở kích thước như kế hoạch ám sát Chủ tịch nước, gia đình Thủ tướng chuẩn bị trốn chạy, con rể Thủ tướng bỏ của chạy lấy người, cuộc hôn nhân ma quỷ giữa tập đoàn quyền lực chính trị với các “sói Nga”, các bố già mafia, những vụ đi đêm quyền lợi khuynh đảo cả hệ thống quốc phòng và an ninh quốc gia… trên Quan Làm báo, dù thông điệp thường đầu voi mà nội dung đuôi chuột, gây ấn tượng rằng những thông tin ấy phải do người trong cuộc cung cấp, phải đúng không nhiều thì ít. Một lúc nào đó, câu hỏi đặt ra cho người đọc không phải là về tính xác thực của những thông tin ấy nữa [5], mà ai đứng đằng sau chúng, ai là kẻ giật dây. [6]
Ai? Bất luận đó là ai, hiện tượng Quan Làm báo không phải là một dấu hiệu lành mạnh cho tự do báo chí tại Việt Nam. Sự “thành công” dễ dàng và dễ dãi của trang tin này chỉ cho thấy một điều: người tiêu thụ thông tin đổ xô ra chợ giời và chấp nhận tất cả nguy cơ bị lừa ở đó, khi hệ thống mậu dịch quốc doanh không làm họ thỏa mãn, và nhất là khi thông tin quốc doanh lại chẳng kém đáng ngờ. [7] Chợ đen, chợ giời, chợ đuổi không thể là giải pháp mà báo chí Việt Nam khao khát. Sự tồn tại của chúng chỉ là câu trả lời đáng buồn của Việt Nam cho thời đại thông tin này.
Bất luận đó là ai, tôi không tin rằng một hay một nhóm kẻ giấu mặt có thể tác động tích cực đến một xã hội đầy ràng buộc và dường như bất lực trong những ràng buộc đó, như xã hội Việt Nam trong thời đại này. Để tác động tiêu cực thì giấu mặt dĩ nhiên là thượng sách.
Quan Làm báo từng trưng khẩu hiệu “Nhân dân Việt Nam muôn năm” trước khi thay bằng “Còn cái lai quần cũng chống tham nhũng” hiện tại. Tôi hơi ngạc nhiên. Lẽ ra khẩu hiệu của nó phải là “Vì đầy tớ của nhân dân phục vụ” mới hợp lý. Người dân được gì, khi quan này muốn tắm máu quan kia? Quan oan có thể là một tầng lớp xã hội thú vị đang hình thành, song nó có gì chung với dân oan?
Chú thích:
[1] Theo Alexa ngày 23.7.2012. Để so sánh, vị trí tại Việt Nam của Tia sáng: 6037, Boxitvn: 5643, Nguyễn Xuân Diện: 2930, Tuần Việt Nam: 2599, Nhân dân: 2580, Quê Choa: 1647, Trương Duy Nhất: 1356, Anh Ba Sàm: 1079, Quân đội Nhân dân: 845, Công an Nhân dân 400, Tuổi trẻ: 23, VnExpress: 5.
[2] Có thể tham khảo tranh cổ động cách mạng cũng được dùng làm banner trên blog của cây bút chống phản động và diễn biến hòa bình trên báo Quân đội Nhân dân, thiếu tá Nguyễn Văn Minh.
[3] Cách đây không lâu, nền giao diện của Quan Làm báo được trang trí bằng những mầu loang lổ, theo phong cách mà tôi tạm gọi là “phồn thực xã hội chủ nghĩa”. Về phong cách này, xin trở lại trong một dịp khác.
[4] Một nhà báo được coi là có nhiều liên lạc với giới an ninh Việt Nam, bà Hồ Thu Hồng, vừa tiết lộ trên blog của mình rằng người “sản xuất nội dung trang Quan Làm báo” là ông Phạm Chí Dũng, người vừa bị bắt ngày 17.07.2012 vì “hành vi câu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở Mỹ, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phá hoại nội bộ nhằm lật đổ chính quyền nhân dân“. Song chất lượng thảm hại của các bài viết trên Quan Làm báo cho thấy nó không thể là sản phẩm từ ngòi bút của chính ông Phạm Chí Dũng ấy, một nhà văn và nhà nghiên cứu với nhiều tác phẩm đã xuất bản, và đồng thời lại là tác giả có bút danh Viết Lê Quân trên các báo Doanh nhân Sài Gòn, Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Tầm nhìn (việc trang báo có tiếng là cởi mở này bị đình bản gần như ngay sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt có phải là ngẫu nhiên không?), với nhiều bài chính luận vượt hẳn lên phong cảnh bằng phẳng của báo chí Việt Nam hiện tại.
[5] Tuy nghiệp vụ báo chí của Quan Làm báo hết sức thô sơ, nhưng sự láu cá của nó lại thuần thục. Nó biết trộn tài tình những thông tin nặc danh vào những thông tin đăng lại từ báo chí chính thống để đánh bạt sự bán tín bán nghi của người đọc và củng cố những phỏng đoán theo chiều hướng mà nó muốn đạt được. Hiện nay, đó là phỏng đoán về một cuộc thanh trừng nội bộ trên tầng cao nhất của bộ máy quyền lực Việt Nam, giữa “phe tham nhũng” mà Quan Làm báo chỉ mặt gọi tên, và “phe chỉnh đốn” được nó quan tâm lo lắng.
[6] Ở điểm này và với Quan Làm báo, có vẻ như Việt Nam cũng đang dần tiến vào giai đoạn các tập đoàn quyền lực thuộc giới đầu sỏ kinh tế-chính trị lũng đoạn truyền thông như tại Nga hiện thời.
[7] Trong một bài viết gần đây trên blog của mình, ông Alan Phan, một chuyên gia độc lập về kinh tế tài chính, cho biết ông “có cảm giác là các quan chức và chuyên gia Việt Nam cố tình đưa ra những con số rất đối nghịch với mục đích làm rối mù thực tại, khiến không ai có thể rút ra một kết luận chính xác hay hợp lý“, trong khi những tin đồn trên mạng thì không được xác nhận hay bác bỏ thẳng thắn.
Phạm Thị Hoài
0 nhận xét