Từ đầu tháng này, EU đã ngừng nhập khẩu dầu mỏ Iran và này chỉ còn Trung Quốc và Ấn Độ là khách hàng lớn nhất dầu mỏ Iran.
Do tình hình ở Trung Á căng thẳng, chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực tìm các nguồn cung cấp hydrocarbon thay thế.
Trung Quốc đang đưa ra trắng trợn hơn yêu sách đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nơi các công ty dầu khí Gazprom của Nga và Exxon của Mỹ đang hoạt động.
Cuối tháng 6, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời các công ty nước ngoài thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Vấn đề là ở chỗ các hãng dầu khí Gazprom của Nga và Exxon của Mỹ đang tiến hành thăm dò địa chất, hơn nữa lại rất thành công ở các lô này. Các công ty này đã được Chính phủ Việt Nam, quốc gia đang kiểm soát các lô này trên thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông, cấp giấy phép thăm dò địa chất.
Chính phủ Việt Nam và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) Đỗ Văn Hậu đã yêu cầu Trung Quốc phải lập tức hủy bỏ việc mời thầu này vì nó vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Các lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu “nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Namа”, vì thế nó “vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền” của Việt Nam, ông Đỗ Văn Hậu nói.
Sau đó, có những tin tức nói rằng, các tàu chiến Trung Quốc và Việt Nam đang tập trung tại khu vực này.
Hồi đầu năm, Mỹ đã thông báo thay đổi các ưu tiên đối ngoại. Nay khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứ không phải khu vực Cận Đông trở thành khu vực lợi ích chủ yếu của người Mỹ. Vì thế, chỉ cần Trung Quốc mưu toan chiếm giữ các mỏ dầu mà Exxon đang làm việc và hạm đội Mỹ nhảy vào bảo vệ, điều đó có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự lớn.
Một vấn đề quan trọng là Nga sẽ có lập trường thế nào trong cuộc xung đột này. Một mặt, Nga và Trung Quốc là các đối tác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mùa xuân năm nay, hai nước đã tổ chức tập trận chung.
Nhưng mặt khác, Trung Quốc đang đưa ra yêu sách phi pháp đối với các mỏ dầu mà Gazprom đang hoạt động.
Đáng chú ý là hiện nay các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ mà Trung Quốc thì không được mời tham dự.
Ngoài ra, mấy năm nay, Việt Nam tăng cường rất mạnh việc mua sắm vũ khí của Nga. Nga đang bán cho Việt Nam các máy bay tiêm kích Su-30MK2, các tàu tên lửa, các frigate lớp Gepard, tàu ngầm, các hệ thống tên lửa bờ biển cực mạnh Bastion trang bị tên lửa hành trình chống hạm Yakhont… Kết quả là Việt Nam đã giành vị trí thứ hai trong số các khách hàng mua vũ khí Nga, chỉ đứng sau Ấn Độ. Trước đó, Trung Quốc từng giữ vị trí này.
Nếu đánh giá danh mục vũ khí Nga được bán cho Việt Nam thì thấy rằng, vũ khí dùng để chống xâm lược từ hướng biển, kể cả bảo vệ các mỏ dầu trên thềm lục địa của Việt Nam chiếm một phần quan trọng.
Tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc có thể là cú hích dẫn đến xung đột quân sự với Việt Nam. Mùa thu tới sẽ diễn ra việc thay đổi ban lãnh đạo Trung Quốc, điều này đã làm cuộc đấu tranh nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc căng thẳng đột biến. Cụ thể là ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc Bạc Hy Lai đã bị bắt.
Một thời gian sau, trên báo chí xuất hiện những thông tin nói rằng, thân nhân của nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc Tập Cận Bình đang sở hữu cổ phần trong các công ty ước trị giá 376 triệu USD. Ngoài ra, họ còn sở hữu một phần công ty khai thác đất hiếm có giá trị khoảng 1,73 tỷ USD.
Chính quyền Trung Quốc đang muốn hướng dư luận khỏi những thông tin khó chịu này nên một cuộc chiến tranh ngắn thắng lợi sẽ có thể rất hữu ích. Cần lưu ý rằng, lần gần đây nhất Trung Quốc tấn công Việt Nam là vào năm 1979 và đã thất bại thảm hại, điều mà Trung Quốc đến nay vẫn coi là nỗi nhục quốc gia. Và nếu như Trung Quốc toan báo thù thì họ sẽ vấp phải phản ứng của Mỹ và Nga, những quốc gia có các công ty đang hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam.
Nguồn:
Trung Quốc - Việt Nam: cuộc chiến vì thềm lục địa đang được chuẩn bị / Sergei Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga // TPP-Inform, 11.7.2012.
0 nhận xét