Muốn chữa bệnh xấu hổ, xin mời đến Việt Nam!
Không có gì ngạc nhiên khi cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán về ngân sách năm 2010 được nhiều tờ báo quan tâm trong số ra ngày hôm qua cũng như hôm nay. Trong đó, đáng xem nhất là việc Tập đoàn Điện lực “quên” hạch toán khoảng 3.300 tỷ đồng vào sổ sách, mà nếu tính đủ thì có thể... giảm giá điện.
Bấy lâu nay, người ta cứ phải nghe các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có EVN, ca cẩm phàn nàn về cái tội phải gánh các khoản lỗ chính sách, nên thành ra kết quả sản xuất kinh doanh cũng có phần bết bát. Kể cũng phải, đã mang danh Nhà nước thì không thể lúc nào cũng chỉ chăm chăm lời lãi như bọn con buôn nơi đầu đường xó chợ, nhất là khi đồng vốn mà anh đem ra kinh doanh cũng lại từ tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân.
Điều thú vị ở đây là, nếu các khoản lỗ chính sách - tức những khoản lỗ do phải phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội, như lo cho người nghèo chẳng hạn – thì đương nhiên được tính vào lỗ, còn các khoản lãi ngoài ngành thì lại không được coi là lãi. Diễn đạt lằng nhằng như thế có phần hơi khó lọt tai, nói thế này xem ra dễ hiểu hơn: Tiền vốn là của các vị, nhưng lãi được xu nào là do tài cán của chúng tôi, quý vị không cần nhọc lòng quan tâm nhưng nếu lỗ và lỗ to thì các vị phải hiểu cho rằng, kinh doanh vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi chúng tôi phải kinh doanh với chính các vị. Tăng giá điện lần nào các vị cũng kêu như vạc, lạ thật đấy, tiền của các vị chúng tôi đem đi kinh doanh với đối tác nước ngoài thì lỗ là đương nhiên, để bù lại và để có lãi thì chúng tôi phải bán điện cho các vị với giá cao chứ. Các vị đã hiểu chưa nào, đừng có ngoạc mồm ra mà kêu nữa nhé.
Dầu vậy, cái sự lỗ lãi kỳ lạ của EVN kể ra cũng không có gì đặc biệt, nếu ta nhớ lại trước đây, Tập đoàn Xăng dầu từng khiến người ta chưng hửng vì khi bán cổ phần thì tuyên bố làm ăn phát đạt, lúc đòi Nhà nước hỗ trợ, đòi tăng giá xăng dầu thì bỗng dưng lại đói kém như nhà nông lúc giáp hạt. Lại nữa: Các bác ngân hàng vốn rất nhân từ của chúng ta luôn vỗ ngực bồm bộp bảo rằng nợ xấu chỉ khoảng 3 – 4%, nhưng khi nghe hóng được thông tin về công ty mua bán nợ với số vốn nghe đâu lên tới 100.000 tỷ, thì cái tỷ lệ kia bỗng vọt lên trên dưới 10% như thể đồng hào có ma mà Nguyễn Công Hoan đã nói từ thời nảo thời nao.
Thế mới biết, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kém cỏi đến mức nào khi bấy lâu nay cứ phải mệt nhọc tìm trăm phương nghìn kế để “chuyển giá” ra nước ngoài, để tránh được phần nào thuế má. Sao không cắp cặp sang các doanh nghiệp nhà nước mà học nhỉ, như không muốn cho thiên hạ biết 3.300 tỷ thu vào thì chỉ cần không hạch toán nữa, vậy thôi. Có trời mới biết để “quên” được 3.300 tỷ này thì EVN phải có những bí kíp diệu kỳ nào, nhưng thủ đoạn hẳn phải cao tay lắm mới thảnh thơi hành sự được như vậy.
Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ kính phục, mời các doanh nghiệp nước ngoài sang các bộ ngành tham khảo kinh nghiệm để có thể “công thủ toàn diện” hơn. Theo Kiểm toán Nhà nước, không chỉ lỡ tay thu vượt quy định hàng chục tỷ đồng, nhiều đơn vị còn đồng thời “quên” nộp vào ngân sách cũng khoảng chừng ấy. Trong đó, cái tên nổi nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi vừa nộp còn thiếu gần 53 tỷ đồng vào ngân sách, vừa thu học phí vượt mức quy định tới 59,1 tỷ đồng, lại thu ngoài chế độ tới gần 36 tỷ đồng, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Thành ra, bàn dân thiên hạ chợt thấy cái sự lỗ lãi của các doanh nghiệp Nhà nước thật là vô nghĩa. Nếu người ta đã đãng trí đến mức quên tính mấy nghìn tỷ vớ vẩn thì khi cần cũng có thể cộng thêm vài nghìn tỷ nữa cũng vào kết quả làm ăn chứ. Giải thích thì dễ ợt, như đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói trên Tuổi Trẻ về mấy chục tỷ thu quá tay: Do sai sót của các cơ sở đào tạo trực thuộc. Chấm hết, sao phải tốn nước bọt nói nhiều làm gì, còn mấy con mẹ chua ngoa có làu bàu thì “tai liền miệng, các bà chửi các bà nghe trước”.
Bên cạnh công nghệ hạch toán thu chi tiên tiến hàng đầu thế giới, cũng trong mấy ngày hôm nay, thiên hạ còn xôn xao về nỗi người Viêt vừa có một sáng kiến cải tiến kỹ thuật có thể khiến ngành cà phê toàn thế giới phá sản. Báo Thanh Niên đưa liền 3 bài vừa to vừa dài mô tả chi tiết quy trình sử dụng hóa chất, hương liệu để hô biến đậu nành thành cà phê.
Đây rõ ràng là một tin vui với người Việt, không chỉ ở hiệu quả kinh tế cao chót vót của nó. Còn nhớ, mấy hôm trước, tờ VietNamNet đã đặt một dấu chấm hỏi to tướng rằng tại sao Việt Nam có 9.000 giáo sư mà cả năm 2011 không có bằng sáng chế nào. Câu trả lời có lẽ chính nằm ở xưởng cà phê độc nhất vô nhị nọ, là các giáo sư thì tuy tắc tị nhưng dân kinh doanh lại thông minh sáng láng vô cùng. Biến đậu nành thành cà phê chẳng phải là một phát minh vĩ đại hay sao, thậm chí còn có cơ hội giành giả Nobel năm tới cũng nên. Có lẽ vì khuyến khích công nghệ cao nên dù các cơ sở này chế biến hàng tấn cà phê mỗi ngày, chính quyền địa phương không hề biết, hoặc giả biết nhưng vẫn tạo điều kiện chăng?
Chỉ hiềm một nỗi, các nhà báo không nói rõ cái thứ cà phê nhân tạo này có tác dụng tới thần kinh con người như cà phê chính hiệu không, thành ra một số đông kha khá các độc giả đang tính chuyện thay đổi thói quen sinh hoạt. Chẳng là, thời buổi kinh tế khốn khó, báo chí thì toàn đưa tin kinh khủng, nên nhiều người khi đọc báo phải kèm thêm cốc cà phê cho đầu óc thư giãn, kẻo thần kinh tổn hại lại bị tống vào bệnh viện tâm thần.
Quí vị xem, nếu cái giống cà phê tân thời này uống vào chỉ thơm thơm mà không “phê” nổi, thì có lẽ ta phải bỏ thói quen đọc báo đi thôi. Thử hỏi, bố thằng nào có thể giữ mình không phát điên khi đọc những tin kiểu bỏ quên 3.300 tỷ như rơi tờ bạc lẻ, mà không có tí chất kích thích thần kinh để giữ thăng bằng?
Đến cuối ngày, nhiều độc giả lại được một phen xôn xao khi một số tờ báo đăng tải thông tin: Một ông già ở nước Mỹ trước khi qua đời đã tự viết điếu văn cho mình, trong đó tiết lộ đã từng ăn trộm một cái két sắt. Hơn nữa, cả cái bằng tiến sĩ mà ông có được từ thời trai trẻ cũng là đồ dỏm. Hàng chục năm sau thời trai trẻ với những lời nói dối, cuối cùng tâm hồn ông già cũng được thanh thản. Bà vợ ông cũng không hề giấu giếm khi xác nhận những điều ông nói đều là sự thật.
Trong điếu văn, ông này cũng khẳng định ông trưởng thành “ở một thời điểm lý tưởng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng ta thưởng thức thứ âm nhạc tuyệt vời nhất, những chiếc xe hơi phân khối lớn, giá gas và những vại bia rẻ, và mua xe hơi chỉ với 1 USD mỗi năm”.
Trời ạ, tại sao sung sướng như thiên đường thế mà ông vẫn đau đáu trong lòng đôi ba điều dối trá lăng nhăng thời trai trẻ nhỉ? Nếu ông có diễm phúc sang thăm đất nước chúng tôi chỉ một thời gian ngắn thôi, hẳn niềm ân hận suốt đời này đã được xử lý êm đẹp từ đời tám hoánh. Xin thưa, dù kinh tế còn nhiều khốn khó, dù đồ dỏm vẫn tràn lan, nhưng chúng tôi vẫn sống tốt và lương tâm chúng tôi thì chưa bao giờ biết mọc răng sữa…
0 nhận xét