Ế ẩm chợ lao động đầu năm

Sau những ngày Tết và vụ cấy, người lao động ở các vùng quê lại tấp nập kéo về các đô thị lớn để kiếm việc làm, tạo thành các chợ lao động. Tại TP Hà Nội, các điểm tập trung đông lao động nông thôn là: Chợ hoa Quảng An, dốc Bưởi, phố Kim Ngưu... Thế nhưng, người thì đông mà việc thì ít nên có khi cả ngày họ cũng chẳng được ai thuê, dẫn đến không ít hệ lụy buồn.
Người lao động tỉnh lẻ ngồi chờ việc.
Người lao động tỉnh lẻ ngồi chờ việc.

Khoảng 8 giờ sáng, tại khu vực ngã ba đường Âu Cơ, gần chợ hoa Quảng An, khoảng 50 lao động tại các vùng nông thôn đã tập trung kín, chuyện trò rôm rả cả một đoạn đường. Được biết, chợ lao động này hình thành tự phát đã gần chục năm nay. Chị Lê Thị Nga, một người dân ở xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) cho chúng tôi biết: “Sáng nào cũng vậy, tôi thường dậy từ 5 giờ sáng rồi bắt xe buýt lên đây chờ người đến thuê làm. Chúng tôi đến từ nhiều vùng quê khác nhau, có người ở Đông Anh, Từ Liêm và cả các tỉnh khác như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định thậm chí có người từ Thanh Hóa ra,... Chúng tôi thường được thuê để làm đủ mọi việc, từ chăm sóc cây cảnh ở các vùng quanh đây như Tứ Liên, Nhật Tân đến các việc khác như vận chuyển vật liệu xây dựng, lấp ao, đào móng nhà... Tùy vào từng công việc mà người thuê trả công cho chúng tôi. Chẳng hạn, việc cuốc xới đất, họ trả từ 100 đến 120 nghìn đồng/buổi và 1 bữa cơm trưa; đối với việc nhặt cỏ thì chỉ từ 100 nghìn đồng trở xuống”.

Tại khu vực dốc Bưởi, lao động nông thôn tập trung đông cũng chẳng kém khu vực chợ Quảng An. Họ đứng thành từng tốp từ 5 đến 10 người. “Đồ nghề” của họ gồm xà beng, cuốc, xẻng, búa và thúng. Anh Trần Văn Tân, quê ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) tâm sự với chúng tôi: “Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết và cấy lúa xong là chúng tôi lại rủ nhau lên Hà Nội làm thuê vì ở nhà cũng không có việc gì làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào. Toàn đàn ông với nhau nên ăn ở cũng dễ. Mỗi người mang khoảng 20kg gạo lên rồi thuê một phòng để ở và nấu ăn chung. Phòng trọ chủ yếu chỉ để buổi tối về ngủ nên chúng tôi cũng chỉ mua vài cái chiếu trải ra là xong. Trước Tết, các gia đình xây sửa lại nhà nhiều nên chúng tôi cũng khá bận việc. Họ cứ khoán công việc cho mình rồi thỏa thuận tiền công sau. Bình thường, một ngày công của chúng tôi được trả từ 200 đến 270 nghìn đồng/người, tùy vào khối lượng công việc. Thế nhưng, từ hôm ra Tết đến giờ công việc ít lắm, có khi chờ cả ngày mà không có người nào đến thuê”.

Đứng chờ cùng nhóm anh Tân một lúc khá lâu, chúng tôi thấy không có ai đến thuê lao động. Người lao động hết đứng lại ngồi, chờ đợi mòn mỏi. Chắc có lẽ cũng lường trước được cảnh “ế ẩm” đầu năm nên có người còn mang theo cả bộ tú-lơ-khơ để chơi cho đỡ buồn. Cả một góc đường, thỉnh thoảng lại xuất hiện tiếng chửi bậy của một ai đó bị thua bài. Anh Tân cho chúng tôi biết thêm: “Mấy hôm trước, có nhóm chơi bài ăn tiền rồi chửi nhau, đánh nhau ầm ĩ cả lên. Chuyện cũng chẳng có gì, chỉ vì một anh thua nhiều quá, anh kia trêu mấy câu rồi nổi khùng lên lao vào nhau quyết ăn thua. Chúng tôi phải can ngăn mãi họ mới chịu thôi".

Lao động nông thôn lên thành phố và các đô thị lớn làm việc do nhiều nguyên nhân và để lại không ít hệ lụy. Không ít trường hợp lên thành phố lao động rồi bị lây nhiễm bệnh hay sa ngã vào các tệ nạn xã hội... đẩy gia đình vào hoàn cảnh càng thêm khó khăn. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để dạy nghề phù hợp, thiết thực hơn đối với lao động nông thôn ở từng địa phương.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ NAM
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top