Khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi dân về yếu kém Chính phủ

Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội trình bày trước Quốc hội sáng 22/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm và xin lỗi về những khuyết điểm, yếu kém của Chính phủ.

Đại diện Chính phủ trình bày báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để phân tích tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, dự báo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch 2013. Báo cáo cũng dành gần một trang để thông báo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI trong nội bộ Chính phủ.

Theo đó, Tập thể Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã “thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc nhất” trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá trình công tác.

Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm và thành thật nhận lỗi trước nhân dân.

“Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”, Thủ tướng nói.

Trong số những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.

Thủ tướng cũng cho biết, bản thân cũng như từng thành viên Chính phủ sẽ “nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất” để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội

Trước đó, trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Chính phủ cũng như diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các cơ quan chức năng đều thừa nhận nền kinh tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nguy cơ trì trệ kinh tế hiển hiện, lạm phát tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, việc quản lý giá nhiều mặt hàng còn nhiều bất cập.
Trong số 15 mục tiêu được Quốc hội phê duyệt để Chính phủ điều hành trong năm 2012, theo dự kiến, có 5 hạng mục quan trọng khó hoàn thành: tăng trưởng kinh tế (ước chỉ đạt 5,2% so với kế hoạch 6 – 6,5%), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (chỉ đạt 29,5% GDP), tạo việc làm (đạt hơn 1,5 triệu lao động, so với kế hoạch 1,6 triệu), giảm nghèo (1,7% so với mục tiêu 2%) và tỷ lệ che phủ rừng.

Những con số này, cùng các tham chiếu khác như số lượng doanh nghiệp giải thể (ước hơn 40.000 sau 9 tháng), sức mua yếu, tồn kho nhiều (khu vực chế biến – chế tạo vẫn tồn trên 20%), sức khỏe ngân hàng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, tăng trưởng tín dụng thấp… cũng cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn, và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2013.

Nhật Minh (Theo VNE)
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top