Bế mạc Hội Nghị TW6 xem lại TW4 chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên chiến "Lợi ích nhóm"

Vậy là kết thúc Hội nghị TW6 khoá XI với bao "tiếc nuối" của các nhận định như thánh của các blog lề trái đặc biệc là blog mà ai-cũng-biết-là-ai-đó , TBT Nguyễn Phú Trọng nhà mình hình như rất có duyên với cái cụm từ "lợi ích nhóm" và đi đâu cũng thấy cũng được nhắc đến.
Ban Biên Tập TVB giới thiệu một bài về chủ đề này, độc giả nào quan tâm có thể đọc để nắm rõ hơn về vấn đề này để mà có thể "chém gió" được với người ta lúc trà dư tửu hậu....

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu đích danh "lợi ích nhóm" cản trở sự phát triển kinh tế ("Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, phân cấp đầu tư chưa phù hợp; có nơi, có lúc còn bị chi phối bởi tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm").

Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cũng phân tích những tác hại của lợi ích nhóm. Ngày 7-10 vừa qua, trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng đã nói về tác hại của "lợi ích nhóm" trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Ông Bình cho rằng, có những ngân hàng chỉ do một vài cổ đông hoặc một nhóm cổ đông chi phối, dư nợ ngân hàng lên tới 70 - 90% phục vụ cho nhóm cổ đông đó; điều lo ngại là các nhóm cổ đông này gây thất thoát vốn lớn; lợi ích nhóm thao túng ngân hàng và làm ảnh hưởng xấu đến cả hệ thống...

Lợi ích nhóm vốn không phải là mới ở nước ta vì đã được nói đến nhiều trong mấy năm gần đây - ở câu chuyện hằng ngày hay tại diễn đàn có tổ chức. Về khái niệm nguyên bản, lợi ích nhóm - nhóm lợi ích là những người có cùng lợi ích, gắn bó, hỗ trợ nhau (tính liên kết) để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích. Lợi ích nhóm là một tình trạng xã hội tồn tại khách quan. Dựa vào nhau, hỗ trợ nhau giữa con người với con người là nhu cầu chính đáng, nên sự hình thành các nhóm lợi ích trong xã hội là việc rất bình thường. Tuy nhiên, xét ở tính chất và mục đích của lợi ích thì cần phân biệt lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Nếu lợi ích nhóm hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, dân tộc, quốc gia thì nó có ý nghĩa cao đẹp, có ý nghĩa thúc đẩy xã hội; nếu xung đột thì lợi ích nhóm trở thành yếu tố tiêu cực, thậm chí độc hại đối với xã hội, thể chế.

Chính vì thế, gần đây ở nước ta khi nói đến lợi ích nhóm có nghĩa là nói đến khía cạnh tiêu cực của nó. Trong bài viết này chúng tôi cũng chỉ nói đến tình trạng và hậu quả của các lợi ích nhóm tiêu cực.


Trước đây chúng ta thường nói nhiều đến "lợi ích cục bộ" với thái độ phê phán, thậm chí nhiều trường hợp cán bộ vì những hành vi nhằm mục đích có được lợi ích cục bộ đã bị kỷ luật. Lợi ích cục bộ, suy cho cùng là lợi ích của một nhóm người, rộng ra xã hội thì có thể là lợi ích của một giai tầng xã hội. Đối với quan hệ huyết thống, đó là lợi ích dòng họ, gia tộc. Đối với các cơ quan, đó là lợi ích ở cơ cấu thấp là tổ - đội, phòng - ban, đơn vị - tổ chức. Đối với hệ thống hành chính, địa lý, đó là lợi ích phường - xã, quận - huyện, tỉnh - thành, bộ - ngành, vùng miền… Lợi ích cục bộ cũng có nghĩa là lợi ích nhóm vì bản chất là như nhau: Phục vụ cho một nhóm người, một tập thể nhỏ hay một tập thể lớn. Tuy nhiên, giữa hai loại lợi ích (lợi ích cục bộ, có yếu tố tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực) có sự khác nhau: Lợi ích cục bộ có thể phục vụ cho một tập hợp người - số đông, còn lợi ích nhóm tiêu cực chỉ phục vụ cho một nhóm người nhất định - số ít; về bản chất, lợi ích cục bộ là sự "tranh thủ" trong khi thực hiện lợi ích chung, lợi ích toàn cục, để bộ phận, đơn vị, địa phương mình được phần nhiều hơn (dù có xung đột với lợi ích toàn cục nhưng tính gây hại của lợi ích cục bộ không ở mức quá trầm trọng, mâu thuẫn chưa đến mức đối kháng), còn lợi ích nhóm tiêu cực có mâu thuẫn đối kháng với lợi ích toàn cục. Khi va đập với lợi ích toàn cục, thông thường lợi ích cục bộ phải "nhường đường", nhưng lợi ích nhóm tiêu cực thì hoàn toàn ngược lại; tính liên thông, cấu kết, móc ngoặc của lợi ích cục bộ ở mức độ thấp, còn với lợi ích nhóm tiêu cực có mức độ rất cao; lợi ích cục bộ ít có xu hướng lũng đoạn, chi phối lợi ích toàn cục, nhưng với lợi ích nhóm tiêu cực thì xu hướng đó rất rõ, đặc biệt là sự cấu kết với những người quyền lực trong hệ thống chính quyền… Ở đây cần thấy rõ một đặc điểm là lợi ích nhóm tiêu cực và tham nhũng luôn "bắt tay nhau"; lúc đó lợi ích nhóm tiêu cực có thêm quyền lực đáng sợ và tạo nên những nhóm lợi ích tiêu cực khác ở cấp độ cao hơn. Tham nhũng - suy cho cùng cũng là lợi ích nhóm tiêu cực. Chính vì thế tính chất nguy hiểm của lợi ích nhóm tiêu cực đối với xã hội là rất cao, và do đó sự lo ngại của xã hội cũng rất lớn!

Tuy có sự khác nhau, nhưng lợi ích cục bộ nếu không được kiểm soát sẽ là mầm mống và có thể phát triển thành lợi ích nhóm tiêu cực. Nói một cách khác, lợi ích cục bộ nếu được dung túng sẽ biến tướng thành lợi ích nhóm tiêu cực.

Lợi ích tồn tại khách quan nhưng nó có những biến đổi có tính chất tha hóa. Lợi ích là những điều mà người ta muốn, người ta có nhu cầu cho bản thân. Mong muốn, nhu cầu là bình thường nhưng không xung đột với lợi ích của người khác, của số đông thì đó là lợi ích chính đáng, nếu nó xung đột thì đó là lợi ích không chính đáng - lợi ích vị kỷ và quá trình tha hóa của lợi ích bắt đầu. Khi yếu tố vị kỷ trở nên trầm trọng thì người ta bất chấp các nguyên tắc để nhằm đạt được lợi ích. Sự tha hóa này diễn ra âm thầm trong mỗi cá nhân, trong mỗi nhóm người, tập hợp người. Nó liên kết lợi ích vị kỷ của từng cá nhân với nhau thành lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm tiêu cực, nó biến lợi ích nhóm tích cực thành lợi ích nhóm tiêu cực. Vì thế mỗi thể chế phải có những quy định để điều hòa lợi ích trong xã hội. Luật pháp là nhằm điều chỉnh hành vi của con người, bảo đảm những lợi ích chính đáng, ngăn chặn và xử lý những hành vi giành giật lợi ích không chính đáng xâm phạm đến lợi ích chính đáng của cá nhân hay tập thể, rộng hơn là quốc gia và cả tập hợp những quốc gia.

Nếu coi lợi ích chỉ bó hẹp trong phạm vi vật chất là không đúng. Lợi ích ngày nay được hiểu là những gì con người mong muốn cho mình, gồm vật chất, tình cảm, danh tiếng, quyền lực, sự ảnh hưởng trong cộng đồng, sự tồn vong... Lợi ích không phải chỉ là thuộc tính của cá nhân mà của cả nhóm người, giai tầng, cộng đồng, quốc gia, dân tộc… Do đó lợi ích chi phối toàn bộ hoạt động của loài người dù ở giai đoạn lịch sử nào. Vì lợi ích mà xung đột - chiến tranh xảy ra giữa các nhóm người với cả cộng đồng, giữa giai tầng này với giai tầng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nhóm quốc gia này với nhóm quốc gia khác. Trong các cuộc xung đột - chiến tranh đó, không phải cứ có lợi ích chính đáng là chiến thắng nếu không có sức mạnh tổng hợp. Trong lịch sử đã chứng minh quá nhiều bi kịch của lợi ích chính đáng.

Tại Việt Nam, trong chiến tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX, xung đột lớn nhất là xung đột giữa lợi ích toàn dân, lợi ích dân tộc, quốc gia với lợi ích của kẻ xâm lược, nên tất cả mọi nhóm người, giai tầng, giai cấp, cả hệ thống chính trị và toàn dân Việt Nam chỉ có một lợi ích chung: độc lập, tự do. Cùng nhìn về một hướng, cùng một chiến hào, cùng một mục đích nên về cơ bản không có xung đột về lợi ích nội bộ. Và cũng chính vì chỉ có một lợi ích chung cao cả, cùng với truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống anh hùng bất khuất, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, chúng ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi. Ngày nay khi đất nước hòa bình, đất nước mở cửa hội nhập, thì những nhu cầu, mong muốn của các cá nhân đã khác. Thói xấu giành giật lợi ích trỗi dậy đã làm tha hóa, biến tướng một bộ phận cộng đồng xã hội, nó lan sang cả những người trong hệ thống hành chính, hệ thống chính trị. Và đương nhiên, lợi ích không chỉ là vật chất mà rộng hơn rất nhiều, bị ảnh hưởng của quy luật thị trường, tư tưởng thực dụng, đã khiến cho tình trạng tha hóa lợi ích lan rộng hơn, lợi ích nhóm tiêu cực ngày càng trở nên tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Nhóm lợi ích tiêu cực thường nhân danh cái cao đẹp để nhẫn tâm đạt được những cái thấp hèn có lợi cho họ. Họ nhân danh lợi ích tập thể, thậm chí nhân danh lợi ích quốc gia để giành giật, chiếm đoạt vật chất, danh tiếng, quyền lực cho bản thân, dòng tộc. Họ nhân danh lòng yêu nước - một tình cảm, một đặc tính cao cả của văn hóa dân tộc - để thỏa mãn sự bất mãn với chế độ, thỏa mãn mong muốn nổi tiếng, gây mất an ninh trật tự xã hội, chống phá chính quyền. Họ nhân danh đóng góp vật chất cho đất nước, giải quyết việc làm cho người dân, để chiếm đoạt vật chất cho riêng họ…

 Có thể thấy tính "tổ chức" trong quá trình các nhóm người đoạt lợi ích của xã hội, của quốc gia ngày càng trở nên chặt chẽ khi họ câu kết với nhau, lôi kéo những người có chức, có quyền bằng vật chất, từ đó họ có đủ sức lũng đoạn từ trong một nhóm đến nhiều nhóm, từ trong một tập thể nhỏ đến tập thể lớn, từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị… Lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ vị kỷ khi câu kết với nhau sẽ gia tăng tính chất, mức độ chiếm đoạt thì biến tướng thành thứ quái thai - lợi ích nhóm tiêu cực. Với những thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm, lợi ích nhóm tiêu cực lũng đoạn, chi phối các cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính quyền sẽ làm méo mó chính sách, làm suy yếu chính quyền, gây mất bình đẳng, mất công bằng xã hội, đe dọa sự lành mạnh của nền kinh tế, đe dọa lợi ích toàn dân và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Lợi ích nhóm tiêu cực với những hậu quả nguy hiểm của nó không chỉ có trong hệ thống ngân hàng mà có trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động xã hội. Nhiều người đã biết có những tập đoàn kinh tế mạnh, những ngân hàng có tiếng là thế, nhưng đã bị đánh gục bởi lợi ích nhóm tiêu cực và trở thành những cái xác không hồn. Sự câu kết, móc nối, chi phối của các nhóm lợi ích tiêu cực thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Nguyên nhân là chính quyền có những điểm yếu như nhiều kẽ hở trong chính sách, pháp luật; đạo đức một bộ phận cán bộ bị tha hóa; ở mức độ nào đó chính sách vô tình dung dưỡng cho lợi ích nhóm tiêu cực... Coi lợi ích nhóm là sự đe dọa nguy hiểm cho nền kinh tế, cho chế độ, nên thời gian qua, Đảng ta đã chỉ đạo kiên quyết xử lý không khoan nhượng. Pháp luật đã xử lý nghiêm những cán bộ có trách nhiệm trong các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị của nhà nước vì lợi ích nhóm tiêu cực đã gây hậu quả nghiêm trọng và sẽ tiếp tục xử lý những trường hợp tương tự. Mới đây, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam những người đã cấu kết để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lớn trong một số ngân hàng, doanh nghiệp, dù người đó là ai. Đó là việc phải làm của một chính thể vì sự lành mạnh, phát triển của xã hội, của nền kinh tế.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng, cả hệ thống chính trị đã và đang kiểm điểm, phê bình và tự phê bình nhằm mục đích làm trong sạch Đảng, củng cố sức mạnh của Đảng, từ đó làm trong sạch và lành mạnh xã hội. Và chính vì thế, theo một cách hiểu khác, Nghị quyết Trung ương 4 cũng đang tấn công mạnh mẽ vào tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực.

Bất cứ cuộc đấu tranh nào cũng phải trải qua gian khổ, khó khăn mới giành được thắng lợi. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm tiêu cực trong xã hội cũng vậy. Do vậy, hệ thống pháp luật, chính sách của nhà nước phải chặt chẽ, hợp lý, công bằng vì lợi ích chính đáng của nhân dân, quốc gia, dân tộc; Hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, công bằng… Những người làm chính sách, những người có quyền lực trong hệ thống chính trị phải công minh, trong sạch, trách nhiệm, có bản lĩnh, trình độ chuyên môn; Thái độ đấu tranh của hệ thống chính trị đối với lợi ích nhóm tiêu cực phải kiên quyết, nhất quán... Có như vậy lợi ích nhóm tiêu cực mới không có cơ hội để phát triển.

Chúng ta tin tưởng rằng, với bản lĩnh và trí tuệ của Đảng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm tiêu cực, sẽ thành công.

Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top