Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong phiên bế mạc Đại hội Tham vấn Nhân dân ( tức Quốc hội) ngày 14/03/2012. |
Tuy nhiên, một loạt các dấu hiệu khác cho phép phán đoán khoảng thời gian sẽ diễn ra đại hội này. Các đại sứ quán tại Bắc Kinh đã được yêu cầu không chuẩn bị các chuyến công du vào tháng 10, các khách sạn lớn ở trung tâm thủ đô sẽ kín khách từ ngày 10 đến ngày 25/10, chắc là để dành cho 2.270 đại biểu của đại hội.
Theo một nhà ngoại giao, việc đại hội tổ chức vào giữa tháng 10 cho thấy cuối cùng nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm được thỏa hiệp xung quanh vấn đề các nhân sự chủ chốt.
Hai vị trí đứng đầu đảng & Nhà nước, và chức Thủ tướng gần như chắc chắn sẽ thuộc về hai ông, Tập Cận Bình (thay Hồ Cẩm Đào) và Lý Khắc Cường (thay Ôn Gia Bảo). Hai người này đã có chân trong Ban Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của đảng. Tuy nhiên, các vị trí còn lại của Ban Thường vụ là đối tượng tranh chấp quyết liệt. Ngay cả số lượng của nhóm người nắm giữ quyền hành tối cao của chế độ, mà người Trung Quốc gọi là « các Hoàng đế », cũng là chủ đề bàn cãi. Có tin cho rằng, ban lãnh đạo đảng đang bàn về việc giảm số lượng 9 thành viên xuống còn 7, nhằm hạn chế các xung đột nội bộ, giảm bớt các quyền lực đối trọng trong nội bộ đảng, và làm cho cơ quan đầu não này hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Le Figaro, trong suốt những tháng gần đây, giới chóp bu của bộ máy cầm quyền Trung Quốc đã liên tục rình rập nhau, tiến hành nhiều vận động hành lang, lập các liên minh hay đặt bẫy đối thủ trong cuộc chạy đua giành quyền lực. Đỉnh điểm của cuộc chiến giữa các phe là vụ án Bạc Hy Lai, một ứng viên tiềm năng vào Ban Thường vụ, bị loại ra ngoài. Việc cựu bí thư Trùng Khánh, một nhân vật nhiều quyền lực, bị hạ bệ là một đòn nghiêm trọng đối với « Cánh tả mới », phong trào cổ vũ cho sự trở lại một số giá trị Mao Trạch Đông mà ông Bạc Hy Lai là người đứng đầu.
Từ lâu nay, dư luận vẫn cho rằng đây là một chiến thắng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng hiện tại, nhiều nhà quan sát đánh giá là, các đấu đá trong hậu trường đã mang lại ưu thế cho một phe cánh khác: phe của Phó chủ tịch Tập Cận Bình, thủ lĩnh của các « Thái tử đảng », tức hậu duệ của các nhà cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên.
Để khẳng định điều này, người ta đưa ra dẫn chứng về việc ông Lệnh Kế Hoạch (nguyên Chánh văn phòng Trung ương đảng) bị mất chức và con đường thăng tiến của ông Hồ Xuân Hoa (lãnh đạo khu tự trị Nội Mông), một người thân cận khác của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã bị ngăn lại. Báo South China Morning Post còn nhận định rằng, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989-2002), vẫn còn ảnh hưởng lớn trong hậu trường, có thể tác động đến việc bổ nhiệm thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị còn hơn cả chính đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Tuy nhiên, giáo sư Trịnh Vĩnh Niên (Zhang Yongnian), giám đốc East Asian Institut ở Singapore, thì có một ý kiến hoàn toàn khác. Theo ông, cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc diễn ra một cách êm dịu. Ông Hồ Cẩm Đào, vốn đã gặp khó khăn vì ảnh hưởng quá lớn của Giang Trạch Dân, nên không muốn làm như người tiền nhiệm. Hồ Cẩm Đào chỉ muốn bàn giao thực sự cho thế hệ mới. Chủ tịch Trung Quốc cũng không có ý định ở lại trong Quân ủy Trung ương đầy quyền lực như ông Giang Trạch Dân, hai năm sau khi về hưu.
Chừng nào đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc còn chưa diễn ra, chừng ấy còn nhiều đồn đại. Những ngày gần đây, báo chí Hồng Kông loan tin Tập Cận Bình bị đau lưng, đến mức không giơ được tay, chính vì vậy cuộc hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ phải hủy bỏ, chứ không phải vì lý do căng thẳng ngoại giao. Lại có tin nói rằng, ông này đã bị gầy mất hai chục kí-lô. Tin tức chính thức không có, làn sóng tin đồn khiến cho không khí xã hội tại Trung Quốc, vốn đã căng thẳng, càng thêm trĩu nặng.
0 nhận xét