Xem "thằng Mạng" nào đụng đến "nhóm ta"?

TVB giới thiệu đọc giả  một bài viết với nhiều câu chữ chấm phá các vấn đề nhạy cảm hiện nay, bài hơi dài nhưng đọc rất thấm về những việc "ai-cung-da-biet-la-viec-gi-do" nhưng đọc vẫn phải vổ đùi cái đét khen hay đấy ạ!!!

Sách binh pháp xưa đã dạy: “Vào trận cần biết chịu trận mới thắng được đối trận”. Đối trận còn được gọi là kháng cự, chống trả, nhẹ hơn gọi là đối phó. Sau này người ta thường dùng từ "phản pháo" để chỉ ra hành động này của đối phương trên mặt trận. "Phản pháo" trở thành một thuật ngữ chuyên môn quân sự đặt cho một loại chiến thuật khi mặt trận có sự xuất hiện của pháo binh.

Nay, mượn thuật ngữ chuyên dùng quân sự ấy, người ta nói đến “phản pháo” là ám chỉ sự chống trả của “đối phương” khi có người khác phê bình, chống lại, tấn công, truy tội. Phê bình và tự phê bình hiện nay cũng có sự “phản pháo”- đó là quy luật, đấu tranh giữa các mặt đối lập. Làm việc gì bất chính, sợ lộ, sợ bị đưa ra ánh sáng, khi có ai đó mới nhắc đến, hoặc dính dáng liên quan, có tật giật mình, đều có sự phản pháo. Phản pháo như cái lò xo thường trực, đụng đến là nhảy bật trở lại, phản ứng bật lò xo, nhằm chối tội, chạy tội, tránh bị đưa ra pháp luật, né kỷ luật.

Phải chăng, như dấu hỏi lớn đang đặt ra trong dư luận cả nước, cái sách "bài chuồn" như một số tỉ phú bên Liên Xô (cũ) chạy ra nước ngoài trước sự kiện sụp đổ 19-8-1991, tỉ phú Từ Minh của Bạc Hy Lai bên Tàu bỏ trốn, rồi đại gia Diệu Hiền, Giang Kim Đạt, Hồ Ngọc Tùng,... nay lại đến Dương Chí Dũng cũng là một chiêu thức "phản pháo" thời hiện đại. Chiêu thức này hầu như đã có sự "bài binh bố trận", đã có "kịch bản" từ trước, vừa trốn được trách nhiệm hình sự theo pháp luật, vừa nghiễm nhiên thành ông chủ ở ngoại bang, sau khi đã rút ruột ngân khố quốc gia tuồn ra nước ngoài cho cá nhân và nhóm lợi ích? (*)

Tôi có một người quen. Chỉ là dừng lại ở quen thôi, không thân nổi. Khi anh ta nghỉ hưu được hơn hai năm, tôi hỏi: “Này, khi đó ông đương chức đương quyền, ông biết rất rõ sai phạm của ông X. Tham nhũng mười mươi ra đó, sao ông không phê bình?”. Ông cán bộ hưu trí ấy đã trả lời rất tỉnh queo: “Chỗ trung thực và tin cẩn như ông, tôi nói thật, mình cũng có sai, thằng cha X. cũng biết cái sai của mình, nếu như phê nó, nó sẽ phản pháo, cả hai cùng “chết”. Cho nên, tốt hơn hết là “án binh bất động”, nó sai hơn mình nhiều lắm, nhưng đụng đến nó, nó phản pháo, làm sao mà hạ cánh an toàn được!”.

Tôi cho đó là lời tâm sự rất thật, khi ông người quen đã biết vào thời điểm này, dù có công khai những sai sót cũng chẳng sao. Một là đã hạ cánh an toàn. Hai là chuyện đó hầu như ai cũng biết cả rồi. Ba là hiện trạng vụ việc rộ lên ầm ĩ một thời, nay coi như đã xong, cứt trâu hóa bùn, bùn khô thành đất rồi. Cho nên, ông người quen nọ mới thổ lộ cái ổ tò vò trên đây với tôi.

Phản pháo cũng là phản ứng tự nhiên. Anh đánh tôi, tôi đánh lại. Ông bắn tôi, tôi xem cái “trận địa” của ông ở đâu, lập tức phản pháo ngay. Phản pháo, trước hết là bảo vệ mình, và mục đích là buộc “địch” (đối phương) phải câm họng.

Bình thường thì không sao, nhưng khi có ai đó nói đến cái kim bọc nhiều lần trong giẻ, nói đến những điều đang cố giấu kín, thì bật lò xo ngay. Trước khi xuất ra các "chiêu chiến thuật" phản pháo thường là có sự phản ứng dữ dội, kèm theo đó là các động tác tập hợp bè cánh cùng phe nhóm, cũng như mua chuộc chính quyền, công an...Thế nên không lạ gì mấy ông quan tham, mấy nhóm lợi ích, cả cái lũ lâu la xà bần chầu rìa theo đuôi hít hơi, đi bên dựa bóng, theo đóm ăn tàn cũng vào cuộc phản pháo.

Có một ông Thường vụ Thành ủy ở một thành phố phía Nam nói với tôi: “Mình không dính, nhưng đụng vào là chúng nó quây lại quật mình luôn. Cho nên, tốt hơn hết đừng vội choảng thẳng cánh, cứ từ từ xem sao cái đã. Thành ủy viên chả là cái gì, nhưng cũng là ‘bát ăn’ của cả nhà. Con gái mình đang làm ở thành ủy, con trai sắp vào đại học. Họ hy sinh đời bố, củng cố đời con, mình cũng vì con nên ráng mà ngậm miệng”.

Sự vận dụng chiến thuật gọi là “từ từ” đó, cái tâm lý ngại lên tiếng, không xuất đầu lộ diện cũng có 1001 lý do. Có người không dính dáng (như ông Thường vụ nọ), nhưng an toàn vẫn là thượng sách, vi ông ta còn nghĩ đến những rơ-móoc phía sau. Hơn nữa, “chúng nó”, cả “một bộ phận không nhỏ…”, chiếm đa số, có thế lực, mình- “thấp cổ bé họng”. Thứ nữa là một số đối tượng cũng ở diện “ông ăn chả, bà ăn nem”, dính vào tham nhũng, lại còn mua bằng, mưa chức, còn yếu chỗ chỗ này, khuyết nơi kia, tiêu cực này khác, cũng chẳng trong sạch gì. Vậy thượng sách là “ta không đụng đến ngươi, người cũng đừng đụng đến ta”. Một nhóm khác là sống nhờ ân huệ, không nên “phản trắc”, nghĩa là đã nghĩ khá chín: “Ông ấy biết sắp xếp, có quyền bố trí cán bộ, đã lôi mình vào cái chức này, cũng êm rồi, thôi kệ!”. Những người thuộc diện này rõ là cuộc sống “dạy khôn lõi" cho họ phải biết “ngậm miệng ăn tiền, gây phiền hại mình trước”.

Vậy nên, từ trong chính cuộc sống thường nhật, tự phê bình đã khó. Kê khai tài sản cũng khó mà biết đích xác. Các vị cho con, cháu, kể cả người dưng cũng bị kéo vào “ký hợp đồng đứng tên, rồi ăn hoa hồng, được trả công”. Tên người khác đấy, “án tại hồ sơ”, không phải của Chí Phèo, đâu dễ gì đưa Chí Phèo ra pháp luật? Làm gì nhau? Trong sự phản pháo này có một số vụ các nhà báo, những người đấu tranh chống tham nhũng bị hại, đảng viên chân chính, trung thực, thẳng thắn bị kỷ luật oan, cựu chiến binh, người dân tốt bị vu khống ngược, bị xã hội đen quấy rầy, hăm dọa, trả thù, gây hại...Điển hình như vụ mới đây các thương binh đến quậy ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với lý do đưa ra rất lãng xẹt, coi như một sự rung dọa, hoặc trinh sát thăm dò để chuẩn bị cho các cuộc phản pháo khác. Nếu chính quyền và công an vì công lý, vì công bằng, lẽ phải mà bảo vệ an toàn tính mạng cho công dân, bảo vệ trật tự xã hội thì phải hăng hái vào cuộc để trị "những trận địa pháo" kiểu này. Phản pháo cũng là thể hiện tự bộc lộ, sự xuất đầu lộ diện của tội phạm, của các "ổ tò vò" sai phạm, các cơ quan có chức năng về nội chính nên qua đó vào cuộc để sớm tìm ra bẩn chất vấn đề, vụ việc, đối tượng...

Theo ông Ðinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Hà Nội): “Khi có những ý kiến của công luận đưa lên về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm rõ, bất cứ người đó là ai. Người đó có chức quyền, cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm để khi công luận rõ sẽ tạo niềm tin đối với người dân và nếu không có cũng là một cách để “minh oan” cho người bị nghi ngờ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín cho Ðảng, Nhà nước.

Lợi thế phản pháo nhiều lại chính là thủ phạm khôn lõi "ném đá giáu tay". Kẻ đó thường có quyền chức cao, ra lệnh bằng miệng hoặc điện thoại, thậm chí chỉ việc cho "đàn em" truyền lệnh, còn bản thân không đụng đến một chữ ký nào. Khi truy cứu trách nhiệm, sẽ khó tìm ra chứng cứ thủ phạm, để thoát kẻ chủ mưu. Vì vậy họ có cả "kho đạn" để phản pháo. Ví dụ như Thanh tra NNNN đã có tư liệu những kẻ đã đứng tên để rút tiền cho  Bầu Kiên từ ngân hàng Eximbank, Vietbank, Kiên Long Bank, ACB và Phương Nam Bank... lên đến trên 70.000 tỷ đồng. Khi nhận tiền mặt từ các công ty y không hề ký một tờ giấy lộn nào cả mà chỉ những lại do các vị như  Trần Xuân Giá, Chủ tịch ACB; Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank; Trần Phát Minh & Trương Hoàng Lương ở NH Kiên Long, Dương Ngọc Hòa & Nguyễn Duy Hưng của Vietbank ... là những con bù nhìn tham tiền do y dựng lên để ký tá hồ sơ theo lệnh của y rồi sẽ là những kẻ phải giơ đầu chịu báng thay y mà thôi...


Kê khai tài sản ư, chuyện nhỏ. Nhưng sẽ không bao giờ có một thằng ăn cắp chuyên nghiệp khùng điên lại bỗng dưng vào nhà mở két, mở tủ lấy đồ ăn cắp đem trả cho người bị mất. Còn phê bình và tự phê bình, nói nhiều, xưa rồi, mà cũng nhẹ hều đâu có nhằm nhò gì. Cứ tổ chức ít nhất một tuần chỉ có việc ăn với ngồi phê bình nhau, cho dù lâu hơn cả tháng đi nữa, nhưng rồi chẳng đi đến đâu: Hô hào ai đó vẫn hô hào / Ông cứ lặng thinh cũng chẳng sao...

Vì thế, cho nên, do đó, và còn bởi vậy - cuộc chỉnh đốn Đảng theo NQ Trung ương 4 lần này, mới rung chà cá đã nhảy, mới gãi ngứa đã phải nhận được rất nhiều, và đa chiều, với đủ mọi cung bậc, nhiều cách thức phản pháo. Phát hiện cán bộ, đảng viên sai phạm, nhất là sai phạm lớn, mất phẩm chất, cố tình vụ lợi, lấy của công làm của tư, lấy của dân làm của mình thì không được khoan nhượng, không bao che, mà phải xử lý nhanh và nghiêm minh theo đúng pháp luật và kỷ luật Đảng, các quy định của Đảng và chính quyền. Nếu chỉ trông chờ tự giác, sám hối, và chờ ý kiến phê bình mong đạt kết quả thì vô cùng khó khăn, sinh ra sức ì, ách tắc, họ càng có điều kiện, cùng sự “bảo trợ” để đối phó, chạy tội, phản pháo. Họ thà mất quyền lực, sẵn àng bỏ Đảng, nhưng không bao giờ chịu dễ dàng chịu mất đi quyền lợi đã nắm giữ. Không đủ bản lĩnh, không kiên quyết, không dám chịu đau như mổ xể ung nhọt, thêm vào đó là trình độ chiến thuật, kỹ thuật yếu, và nếu như người đứng ra cầm cân nảy mực cũng là “có dính”, rồi ai cũng hiểu là cho dù có hô to “quyết liệt”, là phải quyết tâm cao, nhưng xem ra với sự chần chừ, “từ từ” kiểu này thì kết quả sẽ không đi đến đâu! Chờ hồi sau sẽ rõ.

*** Blogger Bùi Văn Bồng - Tiêu đề do TVB đặt lại
---------------------
(*) - ... Ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN - cho biết : “Sáng 17/5, anh Dũng vẫn làm việc tại cơ quan vì hôm đó tôi có vào báo cáo anh Dũng trước khi tôi đi công tác”. Nhưng chiều cùng ngày thì ông Dũng không có mặt tại cơ quan. Trong khi đó, chiều 17/5, cơ quan điều tra thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Dũng tại nhà riêng của ông ở phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, thời điểm này, ông Dũng không có mặt ở nhà. Ngày 19-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại phường Thành Công, Hà Nội - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam)...
-----------------------
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top