Một số điểm nóng tiềm tàng trên thế giới

Theo Mạng tin tình báo toàn cầu "Stratfor" của Mỹ, mặc dù 6 tháng cuối năm 2012 thế giới sẽ không có những thay đổi lớn, nhưng một số vấn đề đang nổi lên như cuộc khủng hoảng châu Âu, cuộc xung đột Xyri và đấu tranh chính trị ở Trung Quốc và căng thẳng trên Biển Đông.


Tại châu Âu, hậu quả của cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá khứ thịnh vượng. Mặc dù tổ chức nhiều hội nghị để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề cơ bản của châu Âu vẫn là sự yếu kém của mối quan hệ Pháp-Đức, chủ yếu do Pháp gây nên. Tại Xyri, tuy thành phần chủ yếu của chế độ Assad, nhóm tôn giáo Alawite người Shiite, vẫn kiên cường bảo vệ chế độ hiện nay, nhưng các thành viên của Chính phủ Xyri cũng như những người ủng hộ ông Assad ở Mátxcơva và Têhêran bắt đầu chuẩn bị các kế hoạch cho một Xyri hậu Assad. Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác NATO vẫn không muốn can thiệp quân sự vào Xyri, nhưng Xyri có thể xảy ra một cuộc đảo chính trong thời gian tới, theo đó một bên gồm các nước Iran và Nga và bên kia gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút sẽ tìm cách dựng lên một chính quyền mới có lợi cho họ. Tại Trung Quốc, từ nay đến cuối năm, Trung Quốc sẽ công bố vụ án của Bạc Hy Lai để thể hiện sự đoàn kết nội bộ trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo. Nhưng hành động này khó có thể che đậy cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt về phương hướng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

1- Châu Âu

Pháp

Vấn đề quan trọng ở châu Âu vẫn là sự phát triển của mối quan hệ Pháp-Đức. Chương trình kinh tế của Pháp và Đức có thể tiếp tục bất đồng gay gắt trong những tháng tới. Tuy sự phát triển chính trị của đảng Xã hội Pháp do Tổng thống Hollande lãnh đạo khiến mối quan hệ Pháp-Đức ngày càng tồi tệ, nhưng mối quan hệ này sẽ chưa bị gián đoạn trong năm nay. Kinh tế Pháp chưa đến nỗi quá tồi tệ: tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mức trung bình của châu Âu. Chính phủ vẫn có thể quản lý các sức ép chính trị-xã hội. Nhưng Pháp đang bị sức ép giảm thâm hụt ngân sách và chính quyền dự định giải quyết vấn đề này bằng cách tăng thuế đối với các công ty lớn và các hộ gia đình giàu nhất trong xã hội. Việc Pháp phản đối Đức về các biện pháp khắc khổ để quản lý cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục giúp các nước ngoại biên châu Âu ngăn chặn các biện pháp khắc khổ cũng như yêu cầu hỗ trợ tài chính hơn nữa từ các tổ chức châu Âu.

Đức

Các quyết định quản lý khủng hoảng ở cấp Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Merkel sẽ tiếp tục chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan thuộc Chính phủ và liên minh, đặc biệt từ Quốc hội và Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức. Tuy chịu sức ép rất lớn từ nội bộ, nhưng Đức sẽ không thay đổi nhiều chính sách yêu cầu kiểm soát tài chính chặt chẽ trước khi thảo luận các hình thức viện trợ tài chính lâu dài và chung nhau khoản nợ.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha sẽ hoàn thành các cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính của khu vực ngân hàng nhưng không thể tiếp nhận các khoản cứu trợ này từ nay đến cuối năm. EU không thể tách Tây Ban Nha khỏi các thị trường vì không có tiền để hỗ trợ khoản cứu trợ Tây Ban Nha và ngăn chặn ảnh hưởng đến các nước khác của khu vực đồng euro. Nếu số lượng trái phiếu của Tây Ban Nha và Italia tăng quá cao khi hai nước công bố khoản nợ mới trong quý IV/2012, khu vực đồng euro sẽ sử dụng các công cụ tài chính ngắn hạn để giảm bớt sức ép thị trường.

Hy Lạp

Hy Lạp sẽ không rút khỏi khu vực đồng euro trong những tháng còn lại của năm 2012. Aten sẽ tiếp nhận viện trợ tài chính hơn nữa để cho phép nước này tiếp tục tồn tại. Chính phủ Hy Lạp mới sẽ bắt đầu đàm phán các điều kiện cứu trợ với các ngân hàng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng phát triển. Một trong những hậu quả chính của việc kinh tế tiếp tục sụt giảm trong quý IV/2012 sẽ là số lượng việc làm giảm, đặc biệt ở khu vực Nam Âu, trong mùa du lịch. Mất ổn định xã hội thể hiện qua các cuộc biểu tình có khả năng xảy ra nhiều hơn ở các nước khu vực ngoại biên có các nền kinh tế lệ thuộc vào ngành du lịch, đặc biệt tại Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha.

Nga

Cremli sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi Chính phủ và các phong trào đối lập khác nhau chuẩn bị tham gia các cuộc bầu cử khu vực và thành phố trong quý IV/2012. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức theo một đạo luật giúp các nhóm đối lập có cơ hội tốt hơn để giành các ghế thị trưởng và thống đốc ở các khu vực. Lần đầu tiên trong thập kỷ qua, Đảng Nước Nga Thống nhất phải nỗ lực vận động tranh cử ở các khu vực để bảo vệ quyền kiểm soát đất nước. Nga sẽ đặc biệt quan tâm các nước Bantích trong thời gian tới khi tìm cách xây dựng lại ảnh hưởng bằng an ninh và năng lượng trong khu vực. Trái lại, các nước Bantích sẽ tiếp tục các sáng kiến đa dạng hóa năng lượng và an ninh khu vực để tách khỏi Nga. Extônia và Lítva sẽ thực hiện các điều khoản theo Thỏa thuận Năng lượng Thứ ba của EU, từ đó làm mất ảnh hưởng năng lượng của Nga trong khu vực. Ba Lan sẽ quan tâm hơn đến các nhóm an ninh khu vực như tổ chức Hợp tác Phòng thủ Bắc Âu. Nga sẽ nỗ lực chống lại các diễn biến này bằng cách sử dụng các bất đồng giữa Ba Lan và Lítva và đưa ra các sáng kiến kinh tế cho các nước như Látvia và Phần Lan. Nhưng các nỗ lực của Nga sẽ chỉ có ảnh hưởng nhất định. Quan hệ Nga-phương Tây sẽ tiếp tục phân chia thành mối quan hệ xấu hơn với Mỹ nhưng cải thiện với các đối tác châu Âu chiến lược. Bất đồng ngoại giao và thương mại Nga-Mỹ sẽ tăng trong thời gian tới. Do các cường quốc châu Âu đang quan tâm đến nội bộ, Nga sẽ có cơ hội để tăng cường các hoạt động buộc Mỹ chú trọng hơn đến Trung Đông và không thể can thiệp sâu khu vực ngoại vi của Nga. Việc Nga tiếp tục ủng hộ Xyri thông qua các hoạt động cung cấp vũ khí, ngăn chặn cấm vận và đàm phán sẽ tiếp tục là vấn đề gây căng thẳng chủ yếu giữa Nga và Mỹ. Trong khi đó, thỏa thuận năng lượng gần đây giữa Nga và Đức sẽ giúp Matxcơva tăng cường mối quan hệ lâu dài với Béclin khi hai cường quốc đẩy mạnh các mối quan hệ kinh tế. Các nước Trung Âu khác có thể đề nghị ký các thỏa thuận tương tự với Nga, từ đó sẽ thách thức khả năng của Nga trong việc duy trì sức mạnh năng lượng của họ ở các nước.

2- Trung Đông

Cuộc đấu tranh Iran-Mỹ

Cuộc đối đầu quân sự thực sự giữa Mỹ và Iran sẽ tiếp tục tăng. Các biện pháp cấm vận chống Iran sẽ ít tác dụng do Iran tiếp tục trao đổi thương mại với các nước bất chấp các khoản chi phí cao hơn. Iran và Mỹ sẽ duy trì đối thoại nhưng không đạt được những đột phá trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ixraen sẽ tiếp tục ép Mỹ hành động quyết liệt hơn chống Iran nhưng sẽ không liều lĩnh hành động đơn phương.

Xyri

Cuộc đấu tranh chủ yếu giữa Mỹ và Iran từ nay đến cuối năm sẽ là Xyri. Việc ly khai của dòng họ Tlass, trụ cột của người Sunni trong cộng đồng Alawite, có thể dẫn đến sự tan rã các mạng lưới tài trợ người Suni trong quân đội và cộng đồng kinh doanh. Cộng đồng người Alawite sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng và có thể đoàn kết với nhau hơn nữa để đối phó với mối đe dọa chống đối rộng lớn hơn của người Sunni. Nhưng tác động tâm lý của các cuộc ly khai ở cấp cao sẽ dẫn đến khả năng xảy ra một cuộc đảo chính nội bộ, từ đó xóa bỏ gia đình Assad khỏi chế độ. Iran và Nga sẽ tiếp tục giúp đỡ chế độ Assad đàn áp mạnh tay hơn, nhưng hai nước cũng sẽ theo dõi chặt các biến động để kịp thời tạo ra một chế độ mới không có ông Assad mà vẫn bảo vệ các lợi ích của họ. Phong trào nổi dậy người Xyri sẽ tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao để xây dựng sự ủng hộ quốc tế nhưng không thể nhận được nhiều hơn những gì họ đang tiếp nhận như các loại vũ khí và tiền bạc chủ yếu từ các nước Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và sự ủng hộ bằng lời nói cũng như giúp đỡ tình báo, chỉ đạo kiểm soát và chỉ huy từ các cường quốc phương Tây. Việc tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy và Quân đội Xyri tự do chắc chắn đẩy tình trạng bạo lực leo thang ở cả hai bên. Lực lượng nổi dậy vẫn không thể quản lý và bảo vệ khu vực lãnh thổ quan trọng. Can thiệp quân sự nước ngoài ở Xyri vẫn không thể xảy ra, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ và NATO không muốn giải quyết các hậu quả của hành động quân sự ở Xyri. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự dọc biên giới với Xyri, do đó làm tăng khả năng xảy ra các cuộc đụng độ khi lực lượng Xyri hoạt động gần biên giới tìm cách ngăn chặn lực lượng nổi dậy thâm nhập sâu lãnh thổ. Khi căng thẳng Xyri-Thổ Nhĩ Kỳ tăng, Xyri và Iran có thể ủng hộ hành động của các chiến binh người Cuốc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện được mối liên hệ giữa các cuộc tấn công của Đảng Công nhân người Cuốc và Xyri, Thổ Nhĩ Kỳ có thể có hành động chống Xyri quyết liệt hơn, nhưng mọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Xyri sẽ bị hạn chế vì không được NATO ủng hộ.

Thổ Nhĩ Kỳ

Khi không phải quan tâm nhiều đến cuộc đấu tranh quyền lực và vấn đề người Cuốc, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể đóng vai trò quyết định hơn trong các vấn đề đối ngoại. Sắp tới, Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục quan hệ với các đối thủ cạnh tranh chính trị trong nước. Nhưng chương trình của AKP nhằm biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ từ một chế độ nghị viện thành chế độ tổng thống và các đề nghị gây nhiều tranh cãi khác để cải cách hiến pháp sẽ làm mất sự đồng thuận mà AKP tìm kiếm. Đảng cầm quyền phải đạt được một số tiến bộ trong chiến lược ngăn chặn người Cuốc. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng một đường ống dẫn dầu nối Thổ Nhĩ Kỳ với các nguồn năng lượng ở phía Bắc Irắc thuộc người Cuốc, từ đó sẽ phá vỡ việc kiểm soát của Bátđa đối với các khoản thu nhập từ xuất khẩu của người Cuốc trong khi tăng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Các hoạt động của Ancara ở khu vực người Cuốc tại Irắc sẽ làm tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đa số người Shiite tại Irắc. Dự án đó cũng sẽ làm tăng cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về số phận của Xyri.

Ai Cập

Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang và tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ tiếp tục thỏa hiệp với nhau trong thời gian tới. Quân đội sẽ ủng hộ một tổng thống của tổ chức Anh em Hồi giáo và thời gian còn lại của chuyển giao chính trị, nhưng sẽ bảo đảm quyền lực của mình thông qua bản dự thảo hiến pháp. Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ cố gắng xây dựng đồng thuận chính trị trong một nội các có nhiều thành phần khác nhau. Tuy mất ổn định chính trị sẽ giảm từ nay đến cuối năm, nhưng các cuộc biểu tình không lớn hoặc xung đột với quân đội và lực lượng an ninh vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Quan hệ Ai Cập-Ixraen sẽ tiếp tục hạn chế khi an ninh trên bán đảo Sinai ngày càng tồi tệ do quân đội Ai Cập chủ yếu tập trung vào quá trình chuyển giao chính trị trong nước và làn sóng chiến binh người Salafist thâm nhập khu vực ngày càng tăng. Trong khi đó Hamas sẽ hành động thận trọng với Ixraen khi nhóm này tìm cách lợi dụng thắng lợi chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo và khi phong trào này bắt đầu can dự trực tiếp với Ixraen. Mối quan hệ vốn không tốt đẹp của Hamas với Xyri cũng sẽ thể hiện rõ khi nhóm này chống lại chế độ Assad và ủng hộ lực lượng nổi dậy người Xyri.

Libi

Cuộc bầu cử chính phủ mới, chính thức chấm dứt giai đoạn chuyển giao của Libi, sẽ không làm tăng sự cạnh tranh gay gắt giữa Chính phủ trung ương và các hội đồng thành phố, khu vực. Nhưng hoạt động của các phiến quân tại Libi có khả năng tăng trong thời gian tới. Các chiến binh thánh chiến có khả năng thay đổi chiến dịch từ tuyên bố sang tấn công.

3- Trung Á

Tình hình Trung Á sẽ tiếp tục phức tạp do các cuộc biểu tình nổ ra ở Cadắcxtan và mối đe dọa nổi lên của các chiến binh Hồi giáo. Hiện Udơbêkixtan đã ngừng tư cách thành viên trong liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và chuyển sang mối quan hệ an ninh với Mỹ hoặc Trung Quốc. Nga sẽ tìm cách xây dựng quan hệ an ninh với Cưrơgưxtan và Tátgikixtan để ngăn chặn và duy trì sức ép Udơbêkixtan.

Một số diễn biến vừa qua ở khu vực Cápcadơ sẽ góp phần gia tăng căng thẳng môi trường an ninh khu vực trong những tháng tới. Adécbaigian tăng cường quan hệ an ninh với Ixraen và ký một thỏa thuận phòng thủ quan trọng với Ten Avíp năm nay. Trong khi đó, Nga chú trọng các mối quan hệ an ninh với Ácmênia bằng cách đề nghị tăng quân số binh sĩ hợp đồng của Nga tại nước này. Các xu hướng hiện đang làm tăng căng thẳng và gây nên các cuộc xung đột biên giới giữa Ácmênia-Adécbaigian và các hoạt động chiến tranh tâm lý ngày càng tăng giữa Iran và Adécbaigian, từ đó tăng khả năng mất ổn định và các tính toán sai lầm. Nhưng những hạn chế của các nước sẽ không dẫn đến xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.

4- Nam Á

Pakixtan

Bước đột phá trong các cuộc đàm phán Mỹ-Pakixtan đầu tháng 6/2012 sẽ mở ra triển vọng cho các cuộc đàm phán rộng lớn hơn giữa Mỹ và Pakixtan về một nước Ápganixtan hậu NATO. Mặc dù hai nước đồng minh Mỹ-Pakixtan có những khác biệt quan trọng, nhưng các lợi ích cơ bản đang thúc đẩy hai nước tăng cường hợp tác khi Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi khu vực. Tuy nhiên, một số trở ngại sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán trong thời gian tới giữa Mỹ và Pakixtan. Taliban sẽ là một thành phần quan trọng trong các cuộc đàm phán. Có khả năng phong trào thánh chiến người Ápganixtan sẽ sử dụng các chiến binh trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 để tìm cách củng cố vị thế đàm phán của Taliban. Ngược lại, Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch trên chiến trường để gây sức ép với Taliban. Và Pakixtan sẽ còn đối mặt với nhiều hạn chế chính trị trong nước trong thời gian tới, từ đó có thể phá hoại các cuộc đàm phán. Cuộc đấu tranh quyền lực giữa Chính phủ và bộ máy tư pháp có thể mở đường cho cuộc bầu cử sớm trước cuối năm nay tại Pakixtan. Và các cuộc đàm phán Mỹ-Pakixtan-Taliban sẽ tiếp tục diễn ra nhưng không đạt nhiều kết quả.

Ấn Độ

Kinh tế Ấn Độ chắc chắn sẽ sụt giảm trong quý 4/2012. Chính phủ Ấn Độ không thể áp dụng các biện pháp kinh tế ngắn hạn để hỗ trợ sự giảm sút kinh tế, đặc biệt vì giảm lãi suất hơn nữa có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ sẽ cố gắng áp dụng các biện pháp để duy trì nhận thức mức tăng trưởng kinh tế vẫn có xu hướng tăng. Ấn Độ sẽ duy trì cách tiếp cận thận trọng theo hướng nỗ lực cải thiện các mối quan hệ Ấn Độ-Pakixtan. Niu Đêli sẽ phát đi các tín hiệu rõ ràng về các cam kết hoặc nhượng bộ lớn với Ixlamabát, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tiến bộ trong các cuộc đàm phán Mỹ-Pakixtan.

5- Đông Á

Trung Quốc

Sắp tới Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 3 vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau gồm: các khó khăn kinh tế tiếp tục diễn ra bởi sự giảm sút toàn cầu và tính không ổn định của châu Âu; sức ép xã hội tăng do các khó khăn kinh tế; sự cần thiết xây dựng đồng thuận và tái xây dựng tính hợp pháp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi chuyển giao lãnh đạo trong quý 4/2012 và quý 1/2013. Do lo sợ kinh tế sụt giảm quá mức, Bắc Kinh sẽ tiếp tục ưu tiên tăng trưởng cao hơn bằng cách đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng bằng các khoản đầu tư trong nước để duy trì hoạt động kinh tế. Lợi nhuận của các công ty lớn trực thuộc nhà nước sẽ còn giảm nữa trong thời gian tới và mất cân bằng trên thị trường hàng hóa có thể khiến các công ty nhà nước sản xuất thép, than đá và các nhiên liệu thô khác thất vọng hơn nữa. Trong khi đó hoạt động của khu vực bất động sản sẽ tăng, đặc biệt trong lúc các chính quyền địa phương và khu vực đang gặp khó khăn về thu nhập sau lần cắt giảm lãi suất mới nhất. Bắc Kinh có thể làm ngơ để giá bất động sản tăng, bất chấp chính sách làm chậm mua bán bất động sản.
Các cuộc biểu tình của công nhân và dân chúng về các dự án cơ sở hạ tầng cũng như bất bình đẳng kinh tế và xã hội có thể buộc chính quyền các cấp phản ứng mạnh hơn trong quý 4/2012. Bắc Kinh sẽ nỗ lực duy trì ổn định xã hội và quản lý cân bằng chính trị trong thời gian chuẩn bị cho việc chuyển giao chính trị. Bắc Kinh cũng sẽ công bố vụ án Bạc Hy Lai nhằm chấm dứt các đồn đoán trong nước và quốc tế về sự mất đoàn kết trong Đảng. Bản án trừng phạt Bạc Hy Lai và vợ ông ta có thể rất nghiêm khắc để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và củng cố niềm tin. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ can dự các cuộc tranh cãi căng thẳng khi Bắc Kinh tìm kiếm sự cân bằng thận trọng giữa các chính sách kinh tế cạnh tranh và ổn định chuyển giao chính trị, đặc biệt giải quyết tốt vấn đề chỉ định nhân sự để mở đường cho chuyển giao lãnh đạo thuận lợi.

Sắp tới Bắc Kinh sẽ quan tâm hơn đến các bất đồng lãnh thổ trên Biển Đông, từ đó làm tăng khả năng xảy ra các cuộc xung đột bất ngờ. Giữa tháng 7/2012, Philíppin hủy lệnh cấm đánh bắt cá ở các vùng biển đang tranh chấp sau đó Trung Quốc cũng làm theo trong tháng 8/2012, từ đó khả năng số lượng tàu thuyền của lực lượng đánh bắt cá, cảnh sát biển, hải giám và hải quân hai nước sẽ tăng mạnh ở nhiều khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Cạnh tranh các nguồn năng lượng cũng sẽ làm tăng sự đối đầu giữa Trung Quốc và các nước. ASEAN sẽ tìm kiếm tiếng nói chung với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào cuối năm nay. Philíppin sẽ tìm cách lôi kéo Mỹ và các nước khác vào các cuộc thảo luận-vấn đề bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ, do đó Bắc Kinh có thể nỗ lực hoạt động thông qua ASEAN nhằm áp đặt chủ trương giải quyết các bất đồng song phương và ngăn chặn khả năng can dự của Mỹ.

Nhật Bản

Việc trục xuất hàng chục thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền ở Nhật Bản và dự kiến thông qua đạo luật thuế mới có thể sẽ chấm dứt Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda và tổ chức cuộc bầu cử mới trong vài tháng tới. Mặc dù thay đổi chính phủ khác là điều rất không bình thường với Nhật Bản, nhưng cuộc bầu cử sẽ là nhân tố quan trọng xác định vị thế các đảng của những người theo chủ nghĩa khu vực mới nổi-từ đó có thể bắt đầu thách thức thực trạng chính trị Nhật Bản trong vài năm tới nếu họ giành được tín nhiệm của công chúng.

6- Mỹ Latinh

Braxin

Các căng thẳng chính trị và thương mại sẽ tiếp tục tăng trong các nước thuộc Mercosur do Braxin và Áchentina áp dụng các chính sách bảo hộ trong thỏa thuận và trên thị trường quốc tế. Các biện pháp này đã ảnh hưởng đến các nước thành viên nhỏ hơn trong khối như Paragoay và Urugoay, từ đó quan hệ của hai nước với Braxin và Áchentina sẽ hạn chế hơn nữa trong thời gian tới. Việc Paragoay bị cô lập chính trị trong Mercosur sau những lời tố cáo của cựu Tổng thống Paragoay Fernando Lugo sẽ làm tình hình trong khối thương mại này căng thẳng hơn nữa, nhưng Paragoay sẽ không rút lui mà không có những bảo đảm kinh tế song phương quan trọng. Urugoay sẽ đẩy mạnh các cơ hội thương mại bên ngoài Mercosur để hạn chế các tác động của chủ nghĩa bảo hộ trong khối. Mặc dù tình trạng mất đoàn kết trong khối gia tăng, nhưng mối quan hệ Braxin-Áchentina vẫn là trung tâm của Mercosur và tiếp tục tồn tại do hai bên dựa vào thỏa thuận để quản lý các mối lo ngại kinh tế song phương và cạnh tranh địa chính trị chiến lược của họ.

Vênêxuêla

Mặc dù hơn một năm xuất hiện các tin đồn về sức khỏe của Tổng thống Hugo Chavez, nhưng nhà lãnh đạo Vênêxuêla sẽ tiếp tục tái tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/10 với đối thủ cạnh tranh là ông Henrique Capriles Radonski, Thống đốc bang Miranda. Cũng như các kỳ bẩu cử khác, sắp tới các vụ tấn công bạo lực thỉnh thoảng sẽ diễn ra giữa các thành viên của các phe phái chính trị đối lập, sẽ có những bài diễn văn khoa trương và các loan báo mua sắm cũng như chi tiêu lớn của Chính phủ để giành được sự ủng hộ của các phe phái quan trọng như quân đội, công nhân khu vực dầu lửa và tầng lớp người nghèo thành thị.

Áchentina

Áchentina sẽ nỗ lực tìm kiếm các khoản đầu tư trong nước và quốc tế để thúc đẩy sản xuất dầu lửa và khí đốt nhằm giảm bớt tình trạng thiếu năng lượng ngày càng lớn. Nhưng Áchentina vẫn chưa giải quyết triệt để các khoản nợ quốc tế trong thời gian tới do những hạn chế về khả năng của Chính phủ trong việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế quan trọng, kể cả xem xét lại phương pháp báo cáo lạm phát-tiến trình sẽ nhanh chóng làm tăng khoản nợ quốc gia của Áchentina.

Mêhicô

Thể chế chính trị của Mêhicô sẽ nằm trong giai đoạn chuyển giao khi tân Tổng thống vừa được bầu chọn Enrique Pena Nieto thành lập chính phủ và tìm cách tái phát triển các mạng lưới ủng hộ Đảng Cách mạng Hiến pháp cũng như thu hút sự ủng hộ của các phái cạnh tranh về các vấn đề như đầu tư năng lượng, cải cách thuế và quản lý các băng đảng ma túy khi ông Nieto chính thức nhậm chức tổng thống vào tháng 12/2012. Tình hình an ninh ở Mêhicô sẽ tiếp tục phức tạp, đặc biệt sự tranh giành quyền kiểm soát khu vực phía Bắc giữa Liên đoàn Sinaloa và nghiệp đoàn Los Zetas, trong khi phái de Jalisco Nueva sẽ tiếp tục các cuộc chiến tranh ở các bang miền Trung và ven Thái Bình Dương chống lại phái Knights Templar.

7. Châu Phi

Xômali

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi thân Chính phủ Mêhicô sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm đánh bật phiến quân Al Shabaab khỏi các căn cứ ở các thành phố trong những tháng tới. Cuộc bao vây Kismayo của lực lượng quân sự do Kênia lãnh đạo sẽ diễn ra trong tháng 8/2012, trong khi đó các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi tiếp tục phát triển ở Môgađisu. Các chiến binh Al Shabaab có thể phát động các cuộc tấn công trả đũa các “mục tiêu mềm” ở Kênia. Cùng lúc đó, Êtiôpia sẽ tiếp tục phong tỏa các vị trí ở miền Trung và Tây Nam Xômali. Việc Mỹ trao thưởng cho các thông tin về vị trí của các thủ lĩnh Al Shabaab có thể thúc đẩy các cuộc tấn công toàn diện. Thời tiết khắc nghiệt từ tháng 9-12/2012 có thể ảnh hưởng đến hành động can thiệp quân sự nhưng sẽ không ngăn chặn các cuộc tấn công. Và các chiến binh Al Shabaab vẫn không bị vô hiệu hóa từ nay đến cuối năm.

Xômali sẽ tổ chức bầu cử chính phủ liên bang mới. Ngày 20/8, nước này sẽ bầu chọn tân tổng thống và chấm dứt kỷ nguyên chính phủ lâm thời của Xômali. Do các nguồn tài chính hạn hẹp và không có hiến pháp hỗ trợ, chính phủ mới sẽ vấp phải nhiều thách thức rất lớn trong việc giành lại sự ủng hộ của công chúng bằng cách thiết lập quản lý kinh tế và xã hội hiệu quả, chống tham nhũng.

Nigiêria

Chính phủ Nigiêria sẽ tiếp tục các hoạt động chống phong trào Boko Haram ở khu vực Đông Bắc. Lực lượng quân sự và an ninh sẽ được huấn luyện và nâng cấp trang thiết bị vũ khí nhỏ. Các nhà lãnh đạo chính phủ và xã hội dân sự có ý định chia rẽ phong trào Boko Haram bằng các cuộc đàm phán. Mặc dù các nỗ lực đó sẽ làm tan rã phong trào Boko Haram, nhưng không phá hủy toàn bộ phong trào. Phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Goodluck Jonathan sẽ cung cấp địa điểm an toàn ở phía Bắc Nigiêria cho Boko Haram hoạt động. Vì vậy, các cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các chiến binh của phong trào Boko Haram tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Xuđăng và Nam Xuđăng

Xuđăng và Nam Xuđăng sẽ tiếp tục xung đột với nhau khi hai bên có ý đồ vẽ lại các đường biên giới nhiều dầu lửa bằng sức mạnh quân sự. Xung đột quân sự có thể được kèm theo các cuộc đàm phán hạn chế nhưng không thể tạo ra những đột phá. Do Xuđăng và Nam Xuđăng vẫn chưa thay đổi quan điểm về xung đột, các khoản viện trợ nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ tiếp tục hạn chế. Các chính sách khắc khổ kinh tế của hai chính phủ từ nay đến cuối năm sẽ làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với 2 chính phủ. Các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở Xuđăng nhưng không đe dọa chế độ. Các điều kiện khắc khổ có thể thúc ép hai bên tổ chức các cuộc đàm phán về năng lượng nhằm khôi phục các nguồn thu nhập dầu lửa, nhưng 2 chính phủ vẫn chú trọng phát triển các lĩnh vực riêng về đầu tư và phát triển dầu lửa.

Mali

Nhờ sự ủng hộ của Cộng đồng Kinh tế Các Nước Tây Phi, các nhà hoạt động chính trị ở Mali sẽ nỗ lực giành lại tính hợp pháp chính trị khi các quan chức dân sự và quân sự tại Bamacô tham gia các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới. Những khó khăn chính trị này sẽ hạn chế hợp tác hiệu quả hoặc triển khai các nguồn để chống lại các chiến binh ở một nửa phía Bắc của Mali . Sắp tới, Mali sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự ở phía Bắc để tiêu diệt các chiến binh Tuareg và phá hủy các tuyến đường buôn lậu của chúng.

Cộng đồng Kinh tế Các Nước Tây Phi sẽ tham gia các chiến dịch quân sự tại Mali , nhưng vẫn hạn chế vì không có sự hỗ trợ của phương Tây. Do các lợi ích chống khủng bố trong khu vực, các cường quốc phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Pháp, sẽ dựa vào các cuộc tấn công của các lực lượng tác chiến đặc biệt đơn phương chống Al-Qaeda trong khu vực để ngăn chặn mối đe dọa thánh chiến xuyên quốc gia./.

Theo Stratfor (ngày 16/7)
Vũ Hiền (gt)
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top