Đại tướng Phùng Quang Thanh những năm đánh MỸ.
Có thể nói lợi dụng cũng được mà tận dụng cũng được từ sức nóng vụ bầu Kiên bị bắt Tập Viết Báo xin tiếp tục cung cấp thông tin về Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam: ông Phùng Quang Thanh hiện nay để độc giả có thể những hiểu biết về vị tướng này Đại tướng Phùng Quang Thanh những năm đánh MỸ.
“Anh hùng Phùng Quang Thanh sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, thượng sĩ Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Năm 1968, Phùng Quanh Thanh tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Tháng 2 và tháng 3 năm 1971, Phùng Quanh Thanh tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chỉ huy trung đội đánh hai trận đều đạt hiệu quả cao, góp phần cùng tiểu đoàn diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng đồng chí diệt 12 tên, bắt sống một tên. Ngày 10-2-1971, Phùng Quang Thanh trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng một đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công chốt. Đồng chí bình tĩnh chỉ huy tổ chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quanh Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng đồng chí xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo lắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người, nhờ y tá băng treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu đơn vị xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp với đơn vị bạn diệt gọn một đại đội địch. Riêng trung đội do anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt một tên, thu hai súng. Phùng Quang Thanh sống khiêm tốn, giản dị, luôn nhận phần khó về mình, nhường thuận lợi cho bạn, được cấp trên tin tưởng, đồng đội mến phục.
Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng, 5 Huy hiệu Dũng sĩ các loại. Ngày 20-9-1971, Phùng Quang Thanh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hiện nay đồng chí Phùng Quang Thanh là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nhà văn Mai Ngữ có những trang viết về ông trong chiến tranh truyện "Xốc Tới".Cuốn sách viết về Anh hùng Phùng Quang Thanh chỉ gồm 78 trang, in khổ nhỏ (5x8cm) -Sách do Nhà xuất bản Giải phóng xuất bản và in tại Nhà in Giải phóng năm 1971.
“Trở lại Đường 9 lần này, ngoài cảm giác hồi hộp, náo nức lập chiến công, trong lòng Thanh còn lắng sâu nhiều ý nghĩ về quê hương. Khi vượt qua những con sông trên đất Quảng Trị, tự dưng Thanh liên tưởng tới dòng sông ở quê hương anh. Đó là một con sông lớn quanh năm đầy ắp nước, chảy qua những mảnh đất phì nhiêu, những ngọn đồi mang trên mình nó những trái quả thơm ngon. Quê hương anh ở xa nhưng khi cùng đồng đội đi chiến đấu ở chiến trường anh hay nghĩ đến nó và đặc biệt trước những giờ xuất trận anh lại nghĩ về bố anh, người bố đã hy sinh khi anh vừa ba tuổi. Hồi chín năm chống Pháp, làng anh lọt giữa vùng tạm chiếm, bố anh lúc ấy làm Bí thư kiêm Chủ tịch xã lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương. Năm 1951, địch tập trung càn quét làng anh, xăm trúng hầm bí mật. Chúng nó gọi hàng, bố anh đã nhảy lên trả lời chúng bằng một trái lựu đạn và ông đã hy sinh ngay trước của hầm. Nhân dân quê hương Thạch Đà không quên công lao của người liệt sĩ. Chính quyền Cách mạng và đồng bào đã nuôi sống Thanh, tạo mọi điều kiện để anh ăn học từ nhỏ tới khi nhập ngũ. Vì vậy, vào bộ đội, Thanh mang trong lòng mối thù của người cha đã hy sinh và lòng biết ơn sâu sắc đối với Cách mạng, đối với nhân dân. Thanh nhập ngũ tháng 7-1967, năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi” (Xốc tới)
Sau khi xuất bản cuốn Xốc tới, nhà văn Mai Ngữ còn viết một truyện phim về trận đánh ở đồi Không tên của các chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trên mặt trận Đường 9, Quảng Trị - tháng Giêng năm 1971. Kịch bản có nhan đề Trận đánh trên đồi Không Tên với nhân vật chính là Đại đội trưởng Quang in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 8 năm 1971 với tiêu đề Trận đánh trên đồi Không Tên và lời đề tặng: Tặng Đại đội trưởng Phùng Quang Thanh - dũng sĩ đường Chín
(nguồn Nguyệt san Sự Kiện Nhân Chứng)
0 nhận xét