Đại sứ Campuchia tại Philippines Hos Sereythonh (trái) Ảnh: CenPEG.org.
Đây là lần thứ hai trong hai ngày liên tiếp Đại sứ Sereythonh bị Bộ Ngoại giao Philippines triệu lên. Với lần thứ nhất vào sáng 30-7, nhà ngoại giao Campuchia đã không có mặt với lý do sức khỏe.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nói với báo chí rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio muốn trực tiếp gặp Đại sứ Sereythonh để phản đối những điều ông viết gửi tới báo The Star của Philippines.
Trong bài viết này, ông Sereythonh nói, Việt Nam và Philippines “đã muốn phá hoại và ăn cướp thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45, làm cho Hội nghị này thất bại trước mắt các bên đối thoại của ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đó không phải là tinh thần đoàn kết và thống nhất thực sự của ASEAN”.
Đại sứ Sereythonh còn viết: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Rosario đã tuyên bố trong Hội nghị rằng tranh chấp song phương giữa Philippines và Trung Quốc là không thể bàn cãi và khăng khăng đòi điều này phải được nêu trong thông cáo chung.
Đại sứ Campuchia kết luận rằng, Việt Nam và Philippines đòi tập thể ASEAN phải bảo vệ lợi ích quốc gia của hai nước này, thậm chí để ASEAN phải trả giá.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói: “Chúng tôi muốn đề nghị Đại sứ Campuchia Hos Sereythonh giải thích ý ông muốn nói gì khi cho rằng “lập trường không linh hoạt và không thể bàn cãi của hai nước ASEAN là chơi bẩn chính trị”.
Phát ngôn viên Hernandez nói: Thật kỳ lạ, Campuchia chỉ định ra một ủy ban trong đó bao gồm cả Philippines và Việt Nam nhằm tạo sự đồng thuận đối với bản dự thảo cuối cùng về lập trường của ASEAN. Sau rất nhiều cuộc thảo luận, ít nhất 5 bản dự thảo cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận. Ấy thế mà, bất kể thẩm quyền đã được trao cho ủy ban này, tất cả những bản dự thảo cuối cùng đều bị Ngoại trưởng Campuchia trong vai trò chủ tịch Hội nghị không thông qua.
Ông Hernandez cho biết, sự thật là khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra ở Phnom Penh vừa qua, Đại sứ Sereythonh không tham dự, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Basilio dự đầy đủ các sự kiện nói trên.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, sẽ yêu cầu Đại sứ Sereythonh làm rõ các thông tin về những sự kiện mà ông viết trong bài báo gửi The Star được ông lấy từ đâu vì nhiều nội dung ông viết ra không phù hợp với hồ sơ của các Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh vừa qua.
Phát ngôn viên Hernandez nói: “Chúng tôi cũng có ý định chỉ rõ cho ông Đại sứ Hos Sereythonh vì sao Campuchia - nước chủ tịch luân phiên ASEAN - lại bị coi là thúc đẩy quá mức lợi ích của một nước không phải là thành viên ASEAN. Điều này rõ ràng là làm yếu đi lập trường của Philippines, Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN”.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Basilio nói rằng, Philippines không thể im lặng trước việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Philippines, bằng chứng mới đây nhất là việc Trung Quốc triển khai nhiều tàu thuyền đến khu vực tranh chấp và vùng biển của Philippines.
Trong các hội nghị ASEAN vừa qua, Ngoại trưởng Philippines Rosario đưa ra thảo luận tình hình bãi cạn Scarborough dẫn đến việc đưa nội dung này vào dự thảo thông cáo chung. Tuy nhiên, nước chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay là Campuchia luôn luôn bác bỏ mọi đoạn văn đề cập Scarborough.
Về phát biểu của Phnom Penh tự nhận rằng lập trường của Campuchia đã được các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Brunei chia sẻ, ông Rosario nói: Quan điểm của Philippines đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước, trong đó có Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, và thậm chí cả Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuvan.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Basilio cũng bác bỏ điều nói rằng Philippines đã buộc tội Campuchia cố thỏa mãn ước nguyện của Trung Quốc bằng cách làm cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được thông cáo chung.
“Chúng tôi không buộc tội Campuchia làm theo lệnh của Bắc Kinh, mà chọn cách giữ im lặng nhưng ở những nơi khác người ta lại không muốn im lặng”, Thứ trưởng Basilio cho biết.
Nói chung, người ta tin rằng, Trung Quốc đã gây sức ép để Campuchia bác bỏ việc ra một bản thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Phnom Penh vừa qua.
Theo Tiền Phong
0 nhận xét