Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QH.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thành viên cuối cùng của Chính phủ và sẽ chốt lại hoạt động chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này. Những vấn đề nóng cử tri chờ đợi ông giải trình trong lần đầu tiên đăng đàn kể từ khi được Quốc hội bổ nhiệm, gồm chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ về tình hình kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.
Trước khi nhận câu hỏi chất vấn từ đại biểu, Phó thủ tướng công bố Báo cáo cập nhật của Chính phủ về một số vấn đề điều hành tế - xã hội năm 2012. Theo báo cáo này, tăng trưởng tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tăng GDP dự kiến ở mức 4,31%, sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%, công nghiệp tăng 4,4%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 3% (thấp nhất trong 3 năm). Ước 6 tháng, xuất khẩu tăng 20,8% so với cùng kỳ, nhập siêu tương đương khoản 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5%, so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 5, số doanh nghiệp “chết” đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4. Hàng tồn kho đã có xu hướng giảm dần, từ 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 50.
"Căn cứ vào các tiêu chí này có thể nhận thấy nền kinh tế của chúng ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt", Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ phấn đấu điều hành để đạt mức tăng GDP khoảng 6% trong năm nay, trong khi lạm phát ở mức 7-8%. Trước đó, vào đầu kỳ họp, đại diện Chính phủ cũng nêu rõ chưa có ý tưởng xin điều chỉnh mục tiêu tổng quát được Quốc hội giao cho năm 2012 (GDP tăng 6-6,5%, lạm phát một con số).
Trong điều kiện khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ cho biết đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, từng bước hạ lãi suất, giải quyết nợ xấu… Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động cơ cấu lại đầu tư, tổ chức lại sản xuất, quản trị nên sản xuất kinh doanh có dấu hiệu cải thiện. Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ dự kiến đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn từ ngân sách, Trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA… đạt khoảng 21.000 tỷ đồng mỗi tháng. Phấn đấu tăng tín dụng ở mức bình quân khoảng 2% một tháng để phấn đấu đạt mức tăng cả năm khoảng 12 - 13%, giúp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp hướng đến tăng trưởng bền vững, tái cơ cấu nền kinh tế.
Các chất vấn dành cho Phó thủ tướng tập trung vào việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ về tình hình kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, những tồn tại, sai phạm của các tập đoàn kinh tế, tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp đang có chiều hướng gia tăng.
4 thành viên Chính phủ đã đăng đàn sau hai ngày Quốc hội chất vấn vừa qua. Là người trả lời đầu tiên, Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường nhận các chất vấn nóng về khiếu kiện đất đai. Còn Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư tập trung giải trình về đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương nhận trách nhiệm về nhiều vấn đề của ngành như độc quyền giá, thủy điện sông Tranh... Phiên chất vấn được nóng nhất và được trông đợi nhiều nhất hai ngày qua diễn ra chiều qua, khi Bộ trưởng Công an cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải cùng tập trung giải trình về vụ nguyên chủ tịch Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) Dương Chí Dũng.
Nhóm phóng viên
0 nhận xét