Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam là quốc gia có biển, do đó việc phát triển ngành vận tải biển, đóng tàu có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo phát triển ngành hàng hải, trong đó có Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Việc tiếp tục củng cố và phát triển Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Trong giai đoạn vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bám sát định hướng đầu tư phát triển, tập trung xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp vượt qua khó khăn thách thức, đảm bảo ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động, góp phần quan trọng vào việc lưu thông hàng hóa nội địa và hàng hóa xuất, nhập khẩu; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đội tàu và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển. Tính đến ngày 31/12/2011, Tổng công ty quản lý đội tàu vận tải biển khá lớn mạnh trong khu vực, gồm 154 tàu với tổng trọng tải trên 3,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp để khắc phục, mà nguyên nhân chủ yếu là nội bộ mất đoàn kết và sai phạm, tiêu cực trong quản lý sản xuất kinh doanh; đặc biệt trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam không thực hiện đúng pháp luật về đầu tư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, gây thiệt hại về kinh tế, mất lòng tin của xã hội.
Hiện nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do yếu tố khách quan của thị trường vận tải biển và do yếu kém của Tổng công ty trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng công ty cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường đoàn kết, vượt qua khó khăn với sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển trong giai đoạn mới.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá đầy đủ, chính xác thực trạng tình hình tài chính của Tổng công ty; phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung vào 3 nhóm kinh doanh chính
Về Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty cần thực hiện tái cơ cấu để mạnh hơn, tập trung vào 3 nhóm kinh doanh chính, đó là: vận tải biển, cảng biển và dịch vụ; tính toán cụ thể, xác định quy mô hợp lý đối với từng nhóm phù hợp với điều kiện của Tổng công ty và thị trường.
Cụ thể, về cảng biển, Tổng công ty cần nghiên cứu khả năng cơ cấu lại phần vốn góp tại các liên doanh đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển; phân tích rõ tính hiệu quả của phương án thoái vốn, sự phù hợp với quy định của pháp luật, đánh giá những thuận lợi, khó khăn nếu thực hiện. Thực hiện cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng biển, tập trung đầu tư xây dựng, khai thác cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và cảng Cái Mép, Thị Vải. Rà soát lại từng khâu trong hoạt động quản lý để cắt giảm chi phí, đảm bảo khai thác cảng biển có hiệu quả.
Về tàu biển, Tổng công ty đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội tàu, xác định cơ cấu đội tàu hợp lý, phù hợp với nhu cầu vận chuyển của thị trường; có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ; thực hiện cổ phần hóa các công ty vận tải biển khi đủ điều kiện; có các biện pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả khai thác đội tàu.
Về dịch vụ, Tổng công ty thực hiện việc rút vốn từ các khối kinh doanh ngoài ngành đảm bảo chặt chẽ về cơ sở pháp lý, không để xảy ra tiêu cực; tái cơ cấu về quy mô hoạt động dịch vụ hàng hải, đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động và có hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp thu các ý kiến trên đây, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, báo cáo Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, ngành có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Quốc Hà
0 nhận xét