10 thành tựu của ông Medvedev trong nhiệm kỳ Tổng thống (kỳ 1)

Hãng Thông tấn Nga RIA-Novosti đăng bài nêu bật 10 thành tựu của Tổng thống Dmitry Medvedev trong nhiệm kỳ bốn năm qua.


Bài báo nhấn mạnh ông Medvedev bắt đầu nhiệm kỳ của một nguyên thủ quốc gia Nga bởi một quyết định chính trị không dễ dàng khi đưa quân đội Nga vào Nam Ossetia chống cuộc tấn công của Gruzia và kết thúc bởi một cuộc cải cách chính trị sâu rộng, gồm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập đảng phái và áp dụng trở lại việc bầu trực tiếp các tỉnh trưởng.

Bốn năm cầm quyền của ông Medvedev còn gắn với việc đổi tên cơ quan công an thành cảnh sát, thay gần một nửa các tỉnh trưởng, mở rộng thành phố Moscow và bỏ việc chuyển giờ giữa mùa đông và mùa hè.

1. Hiện đại hóa

Hiện đại hóa nền kinh tế Nga là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông Medvedev khi nhậm chức Tổng thống. Trong thông điệp gửi Quốc hội năm 2009, ông nêu hiện đại hóa là vấn đề sống còn của nước Nga và không thể trì hoãn. Ông đưa ra chương trình cải cách nền kinh tế nói chung, từ cải cách lĩnh vực sản xuất, quân đội, y tế, công nghệ đến lĩnh vực vũ trụ, giáo dục và đào tạo, trong đó, trọng điểm là ứng dụng công nghệ mới và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng.

Ông cũng là người đưa ra sáng kiến thành lập Khu công nghệ cao “Skolkovo”, tương tự Thung lũng “Silicon” của Mỹ. Theo tính toán, khu công nghệ này sẽ là nơi áp dụng các chính sách cải cách kinh tế của Nga, là trung tâm thử nghiệm các nghiên cứu, phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và tiết kiệm năng lượng, ứng dụng hạt nhân, vũ trụ, y sinh và vi tính. Nga chi gần một nghìn tỷ rúp cho các chương trình nghiên cứu này.

2. Sửa đổi Hiến pháp

Sau khi lên cầm quyền được 10 tháng, ông Medvedev đưa ra thông điệp liên bang đầu tiên, đề xuất sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, tăng thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống từ bốn năm lên thành 6 năm, nhiệm kỳ của các đại biểu Đuma quốc gia từ bốn năm lên thành 5 năm, cũng như quy định trách nhiệm của Chính phủ hàng năm phải báo cáo kết quả hoạt động trước Quốc hội. Đây là lần sửa đổi Hiến pháp đầu tiên trong suốt lịch sử nước Nga mới.

Việc sửa đổi Hiến pháp cũng áp dụng cả với Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga. Theo quy định mới, đại biểu của Thượng viện chỉ được bầu từ đại diện các cơ quan chính quyền tự trị địa phương. Đuma quốc gia Nga cũng thông qua các quy định cấm gọi người đứng đầu các chủ thể và khu vực là “Tổng thống” như trước đây. Đồng thời, ông Medvedev cũng ra sắc lệnh yêu cầu tất cả các khu vực và nước cộng hòa tự trị phải sửa đổi Hiến pháp địa phương cho phù hợp với Hiến pháp liên bang trước ngày 1/1/2015.

Một sửa đổi Hiến pháp quan trọng nữa là việc áp dụng trở lại quy chế bầu trực tiếp người đứng đầu các khu vực, bị bãi bỏ từ năm 2004 và đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập các đảng phái chính trị.

3. “Đánh” tham nhũng

Chống tham nhũng là một trong những khẩu hiệu hàng đầu ông Medvedev đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Ngay cả trong lời diễn văn nhậm chức, ông cũng nhận định rằng tham nhũng là thảm họa của nước Nga, là căn bệnh khó chữa khiến nền kinh tế quốc dân và xã hội bị chia rẽ.

Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống được ba tuần ông ra sắc lệnh thành lập ủy ban chống tham nhũng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống và tiếp sau đó là kế hoạch chống tham nhũng, gồm một gói các văn bản luật sau này được Đuma quốc gia thông qua.

Trong khuôn khổ kế hoạch chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước, ông Medvedev bắt buộc những người hưởng lương từ ngân sách, lãnh đạo các tập đoàn nhà nước và các quỹ phải kê khai thu nhập và tài sản, nếu không sẽ bị sa thải. Đến tháng 3/2011, ông lại ra sắc lệnh yêu cầu các quan chức nhà nước không được nắm giữ chức vụ trong ban giám đốc các tập đoàn và ngân hàng quốc doanh lớn.

Theo đánh giá của ông, dù đạt được những kết quả rõ nét trong cuộc chiến chống tham nhũng, cụ thể là lần đầu tiên trong lịch sử thông qua được các văn bản pháp quy về chống tham nhũng, tuy nhiên cuộc chiến chống căn bệnh này vẫn còn phải tiếp tục vì cần huy động sức mạnh toàn xã hội chứ không chỉ giao phó cho nhà nước.

4. Cải cách các cơ quan sức mạnh

Nhiệm vụ chống tham nhũng có mối liên hệ trực tiếp với việc phải tiến hành cải cách sâu rộng các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một loạt các vụ việc tai tiếng xảy ra có sự dính líu của các nhân viên công quyền, đỉnh điểm là vụ một nhân viên Sở Nội vụ khu vực “Xarixyno” bắn chết người tại một siêu thị ở thành phố Moscow buộc chính quyền trung ương phải can thiệp vào Bộ Nội vụ.

Việc cải cách một bộ lớn nhất nước Nga này là sáng kiến của Tổng thống, đồng thời cũng là dấu mốc quan trọng – đổi tên cơ quan công an thành cảnh sát. Việc thông qua bộ luật mới giúp thắt chặt công tác tuyển chọn cán bộ vào Bộ Nội vụ, loại bớt các chức năng không thuộc thẩm quyền của bộ này. Bên cạnh đó, quy định mới cũng xem xét việc tăng lương cho các nhân viên “qua” được cuộc kiểm tra đánh giá lại trình độ.

Cũng trong năm 2010, Nga thành lập Ủy ban điều tra Liên bang hoạt động độc lập chứ không nằm trong cơ cấu của Tổng công tố Liên bang như trước đây. Ông Medvedev đánh giá đây là bước đi đầu tiên trên con đường xây dựng các cơ quan điều tra độc lập, kể cả đối với Bộ Nội vụ, Cơ quan kiểm soát ma túy, Cơ quan an ninh Liên bang.

Cải cách các lực lượng vũ trang Nga cũng là chương trình hành động có quy mô lớn. Nga thông qua chương trình nhà nước trang bị vũ khí và hiện đại hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Theo kế hoạch tái cơ cấu các lực lượng vũ trang, đến năm 2012, số lượng nhân viên quân đội sẽ giảm từ 1,2 triệu xuống còn một triệu, trong đó có 220 nghìn sỹ quan. Bên cạnh đó, Nga thành lập thêm Binh chủng phòng thủ vũ trụ, sáp nhập 7 quân khu trước đây thành bốn quân khu, tăng lương và phúc lợi xã hội cho quân nhân, tái cơ cấu các trường huấn luyện, chuyển bớt một số chức năng như hậu cần, dịch vụ phụ trợ sang cho dân sự.

Nga cũng thông qua chương trình trang bị vũ khí đến năm 2020 với tổng ngân sách gần 20 nghìn tỷ rúp. Hành động này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ của Nga trong việc củng cố tiềm lực quốc phòng, bất chấp việc phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kudrin vì những bất đồng trong chính sách chi tiêu tài chính.

5. Chiến tranh và hòa bình

Sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Medvedev là việc đưa quân đội vào Nam Ossetia chống Gruzia hồi tháng 8/2008 với chiến dịch mang tên “Thúc ép tới hòa bình”. Sau cuộc chiến chóng vánh 5 ngày với tổn thất nặng nề của phía Gruzia, ông Medvedev tuyên bố kết thúc chiến dịch vì đạt được nhiệm vụ đề ra là đảm bảo an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình, thường dân và trừng trị thích đáng kẻ xâm lược.

Ngày 26/8 cùng năm, theo đề nghị của Abkhazia và Nam Ossetia, ông Medevdev tuyên bố Moscow công nhận độc lập của hai nước cộng hòa này và sau đó đưa quân đội Nga vào giúp gìn giữ hòa bình. Đáp trả hành động trên, Gruzia ngay sau đó tuyên bố rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top