Căng thẳng Biển Đông: Cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc cùng vào cuộc?

Như vậy có thể thấy rằng Nhật Bản sẽ không bỏ qua tranh chấp Philippines – Trung Quốc trên bãi Scarborough vì đây sẽ là bài học cho Tokyo đối với đảo Senkaku. Trung Quốc vẫn dùng tuồng cũ, đưa tàu Ngư chính ra vùng biển tranh chấp thực hiện cái gọi là “tuần tra, chấp pháp” thực tế nhằm xua đuổi, ngăn cản tàu thuyền các nước liên quan.


Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất thình lình nổi lên mặt nước cảng Subic gần Scarborough trong những ngày căng thẳng khiến Bắc Kinh nhấp nhổm không yên

3 tàu chiến Nhật Bản sẽ đến Philippines trong 2 ngày nữa là JS Kashima (TV-3505), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130) thuộc Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản, chuyến thăm diễn ra trong 4 ngày và được mô tả là theo lịch trình có sẵn từ trước.

Trước đó giới truyền thông Nhật Bản, Philippines đều đưa tin chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới để giúp Manila củng cố khả năng hàng hải và bảo vệ lãnh thổ, số tàu này sẽ được bàn giao trước cuối năm nay.


Người phát ngôn hải quân Philippines, đại tá Omar Tonsay

Giới chức quốc phòng Philippines mô tả các chuyến thăm quân sự đến Philippines là một việc quen thuộc và không liên quan gì tới những căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc đang diễn ra trên bãi cạn Scarborough.

Người phát ngôn lực lượng hải quân Philippines, đại tá Omar Tonsay nói rằng tàu hải quân Philippines Apolinario Mabini bày tỏ nhiệt liệt chào đón 3 tàu Nhật Bản do Đô đốc Fuchinoue Hidetoshi chỉ huy đến Philippines.


Một chiếc tàu tuần tra Nhật Bản được giới truyền thông Trung Quốc cho rằng Tokyo sẽ bán cho Philippines cuối năm nay

"Chuyến thăm sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hải quân hai nước thông qua một loạt các sự kiện dự kiến nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác hiện có", đại tá Tonsay cho biết.

Tàu JS Kashima loại 4.050 tấn, dài 143 m, rộng 18 m, trang bị súng máy 76 mm, 23 ống phóng ngư lôi với 360 thủy thủ. JS Shimayuki tải trọng 3.050 tấn, dài 130 m, rộng 13,6 m trang bị súng máy 76 mm, 2 hệ thống súng máy tầm ngắn loại 20 mmm, 1 dàn phóng tên lửa hạm đối hạm, một dàn 23 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm với 200 thủy thủ.


Tàu JS Shirayuki (DD-123) Nhật Bản sẽ ghé thăm Philippines 2 ngày tới

Tàu JS Matsuyuki có kích thước, vũ khí trang bị và thủy thủ đoàn tương tự JSS Shimayuki

Trước đó chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra loại 40  theo hình thức ODA (mua trả góp, lãi xuất thấp hoặc không lãi xuất – PV) và viện trợ không hoàn lại 2 tàu tuần tra lớn hơn nhằm giúp lực lượng Cảnh sát biển Philippines tăng sức mạnh phòng thủ so với việc chỉ có duy nhất 1 chiếc tàu tuần tra đang “lởn vởn vòng ngoài” bãi Scarborough như hiện nay.

Động thái nêu trên của Nhật Bản cho thấy Tokyo không chỉ thực sự quan tâm đến biển Đông kể từ sau khi Trung Quốc có những hành động leo thang, lấn lướt và chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough từ tay Philippines kể từ 10/4 vừa qua mà còn có những hành động cụ thể, thiết thực trợ giúp Philippines.


Nhật Bản không dùng lời nói mà bằng hành động hỗ trợ Philippines (ảnh Thủ tướng Yoshihiko Noda và Tổng thống Benigno Aquino III trong chuyến công du Nhật Bản của ông Aquino III năm ngoái))

Những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm trên biển Đông, cụ thể là sự chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cũng hoàn toàn có thể xảy ra đối với Nhật Bản trên biển Hoa Đông đối với quần đảo Senkaku. Một sự tương trợ đối với Philippines là việc cần thiết và nên làm.

Tờ Yumiuri Nhật Bản xuất bản ngày 25/5 cũng có bài xã luận phân tích rõ, sức mạnh hải quân Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Philippines và các bên tranh chấp biển Đông, thậm chí còn có kế hoạch triển khai chiếc tàu sân bay (đã 7 lần chạy thử thành công - PV) tại khu vực này. Tokyo kêu gọi Bắc Kinh không làm cho tình hình biển Đông trở nên bế tắc với lập trường của họ như hiện nay.


Tàu Ngư chính, Hải giám của Trung Quốc liên tục hoạt động trên biển Đông và biển Hoa Đông

Phản ứng của Trung Quốc trong vụ Scarborough có sắc thái tương tự như những gì đã xảy ra trong vụ tàu tuần tra cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn một tàu cá Trung Quốc vào khu vực đảo Senkaku vào mùa thu năm 2010.

Bắc Kinh đã gia tăng áp lực với Tokyo bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Hiện tại họ làm điều tương tự với Philippines bằng cách hạn chế nhập chuối, nông sản Philippines cũng như hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến nước này.


Nhật Bản coi vụ Scarborough như bài học cảnh tỉnh đối với đảo Senkaku trên biển Hoa Đông trước những âm mưu từ phía Trung Quốc

Bài học nhãn tiền đối với Nhật Bản


Như vậy có thể thấy rằng Nhật Bản sẽ không bỏ qua tranh chấp Philippines – Trung Quốc trên bãi Scarborough vì đây sẽ là bài học cho Tokyo đối với đảo Senkaku. Trung Quốc vẫn dùng tuồng cũ, đưa tàu Ngư chính ra vùng biển tranh chấp thực hiện cái gọi là “tuần tra, chấp pháp” thực tế nhằm xua đuổi, ngăn cản tàu thuyền các nước liên quan.

Người Nhật ý thức rất rõ, hòa bình và ổn định trên biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước có tranh chấp hay Đông Nam Á nói chung, nó còn là lợi ích quốc gia của Nhật Bản để đảm bảo rằng tuyến hàng hải huyết mạch qua biển Đông của họ vẫn an toàn.


Tàu Hải giám 75 Trung Quốc "trực ban" xua đuổi tàu cá Philippines (theo Inquire - PV)

Trong khi đó, Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động trên bãi Scarborough sau khi dành được quyền kiểm soát. Philippines nói rằng họ có đủ bằng chứng (ảnh, video) về gần 100 chiếc tàu Trung Quốc (76 tàu công vụ đa chức năng và 16 tàu cá) đang hoạt động trên bãi Scarborough.

Bắc Kinh ra sức phủ nhận thông tin này và khẳng định chỉ có 20 tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây, mặc dù chính Bắc Kinh vừa đưa ra cái lệnh quái gở - “cấm đánh bắt cá trên biển Đông” bao gồm khu vực trọng tâm xung quanh khu vực Scarborough?! Những “tàu công vụ đa chức năng” mà Philippines phát hiện được Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích là những chiếc “thuyền câu” loại nhỏ!?


Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi liên tục lên tiếng bác bỏ thông tin từ phía Philippines, khăng khăng khẳng định cái gọi là chủ quyền đối với bãi Scarborough

Mặc dù phản ứng từ phía ASEAN và các nước liên quan đối với sự kiện Scarborough khá mờ nhạt nhưng các nước lớn lại tham dự ngày càng nhiều hơn, không thể hiện bằng lời nói mà dùng hành động thực tế hỗ trợ Philippines để góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông. Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ đều đã và đang để lại dấu ấn tại vùng biển tiềm ẩn nhiều sóng gió này.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top