Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh nói với VnExpress: "Việc tạm giữ nhằm điều tra những kẻ đứng sau xúi giục người dân chống đối", ông cho biết thêm, đến sáng nay, những người này vẫn bị tạm giữ.
Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, khoảng 1.000 người được huy động trong cuộc cưỡng chế sáng 24/4 tại Văn Giang, trong đó có lực lượng công an nhiều đơn vị với mục tiêu "không để người dân kéo đến đông ở khu vực cưỡng chế". Ông này khẳng định vụ cưỡng chế đã diễn ra "tuyệt đối an toàn, không có người dân nào bị thương".
Mọi việc diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện Viện KSND, "không có quân đội tham gia, cũng không có nổ súng”, ông Chánh văn phòng khẳng định. Song, ông cũng nói thêm rằng, công an đã phải dùng "hai quả đạn khói" để "giải tán" những người tụ tập, cản đường không cho xe, máy vào công trường.
Sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Đây là phần diện tích nằm trong tổng số 72 ha sẽ giao đợt hai cho chủ đầu tư xây dựng khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang (Ecopark). Theo UBND tỉnh Hưng Yên, 90% số hộ dân nằm trong diện tích đất giao đợt hai cho chủ đầu tư Ecopark đã nhận tiền đền bù và bàn giao đất.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, trước khi xảy ra vụ cưỡng chế, mọi công tác tuyên truyền, giải thích, vận động cho tới các chế độ chính sách đền bù, hỗ trợ đối với các hộ dân "được thực hiện tốt". Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong là do "có một nhóm nhỏ chống đối".
Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi, giao đất để thực hiện. Dự án có quy mô xấp xỉ 500 ha thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên.
Ecopark là dự án khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 6 tỷ USD.
Nguyễn Hưng
0 nhận xét