Phía sau vẻ xanh tươi của khu rừng phòng hộ Tam Giang 1 rộng hàng trăm hecta là những thân cây hàng chục năm tuổi bị triệt hạ trơ gốc. Rừng già đã bị “xẻ thịt” trong thời gian dài, nham nhở vết cưa, chặt.
|
“Đánh tỉa” rừng già
Được một người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi đi sâu vào trong khu rừng phòng hộ Tam Giang 1. Cách vị trí đặt tấm biển “Rừng phòng hộ rất xung yếu; nghiêm cấm chặt phá cây rừng, cư trú trái phép, đào bới đất rừng” chỉ khoảng 200 m, hàng loạt cây đước, dà, quắn… vài chục năm tuổi bị lâm tặc đốn trơ gốc.
“Để khó bị phát hiện, cánh lâm tặc “tỉa” mỗi nơi một ít chứ không triệt hạ đồng loạt. Thoạt nhìn có vẻ không nghiêm trọng nhưng nếu có điều kiện nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy rừng ở đây bị phá loang lổ thế nào” - người dẫn đường cho hay.
Theo người dân địa phương, do được bảo kê nên lâm tặc ở đây hoạt động rầm rộ như chốn không người. Sáng sớm, từng nhóm vào rừng đốn cây, đến chiều nước lên thì chất xuống xuồng chở ra ngoài. Những chiếc xuồng đầy ắp cây rừng như thế cứ vô tư xuôi dòng ngang qua trụ sở Ban Quản lý (BQL) Tiểu khu 134.
Trong vai người đi tìm mua cây rừng nhiều năm tuổi về cất nhà, chúng tôi tìm đến gia đình lâm tặc N.V.T (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn). Ông T. huênh hoang: “Mấy em cần mua cây già, tốt thì chỉ chỗ anh mới có thôi. Chuyện vận chuyển thì khỏi phải lo. Ở đâu, anh nói đò chở lên cho?”. Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại việc chở cây dễ bị lực lượng chức năng phát hiện, ông T. cam đoan: “Giờ khỏe lắm, cây cối đi tự do. Tụi chạy đò mua trạm hết rồi”.
Trước lời cam đoan chắc nịch của ông T., chúng tôi vẫn thắc mắc: “Rừng phòng hộ canh giữ nghiêm ngặt như vậy làm sao anh vào đốn cây cho chúng tôi được?”. “Được hết, cây nào “xí” là tôi “bụp”. Tôi đốn cây từ 30 năm tuổi trở lên, cây non lấy làm chi! Rừng này, cây nào thích là tôi cứ đốn…” - ông T. quả quyết. Vợ ông T. cũng chen vào phụ họa: “Cho dù em có thân với anh Năm (ông Huỳnh Đắc Nhẫn, nguyên trưởng BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 - PV) cỡ nào thì khi xin cái gì cũng phải qua chồng chị hết”.
Cần là điện thoại…
Nhìn quanh nhà, ông T. tự hào khoe rằng từ cây, ván… tất tần tật đều lấy từ rừng Tam Giang 1, do BQL rừng cho. Chỉ bộ ván lót sàn khá to, ông T. cho biết: “Cây này ít nhất 40-50 năm tuổi. Không chỉ thế đâu, anh Năm còn cho tôi nguyên bộ cột lớn bằng cây dà. Vừa rồi, tôi định cất nhà nhưng thấy tiếc quá nên để lại”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc gia đình ông T. được sự bảo kê của BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 để đốn phá cây rừng đã không còn lạ lẫm gì với người dân địa phương. Ông Hai A., người thường xuyên chứng kiến cảnh xuồng ghe nườm nượp chở cây ra vào rừng, bức xúc: “Thường thì T. vào rừng buổi sáng để đốn cây, chiều mới chở ra. Nếu T. đốn 2 xuồng cây thì phải chia cho ông Nhẫn 1 xuồng. Việc này đã diễn ra hơn 2 năm nay rồi”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hai Q. ở Tiểu khu Gạch Dà (BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1). Ông Hai Q. cũng thừa nhận: “Mấy tháng trước, tôi có giúp ông Nhẫn đốn 2 bộ cột nhà bằng cây dà khoảng trên 30 năm tuổi. Khi đốn xong, ông Nhẫn bảo đào hố ngâm cho ông ấy. Mấy lần trước cũng vậy, hễ cần là ông Nhẫn điện thoại, tôi lại đi đốn cây về ngâm…”. Nói xong, ông Hai Q. dẫn chúng tôi ra xem tận mắt 2 bộ cột nhà của ông Nhẫn gửi.
Nghỉ hưu trước khi kỷ luật
Qua tố giác của người dân về việc BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đã tiến hành kiểm tra. Bước đầu, chi cục phát hiện tại Tiểu khu 137 (Rạch Dà) có gần 100 cây dà bị triệt hạ. Tuy nhiên, đây được cho là “quà” của tập thể BQL rừng phòng hộ Tam Giang 1 tặng trưởng ban Huỳnh Đắc Nhẫn khi ông ta về hưu. Toàn bộ số gỗ này gửi ông Hai Q. giữ hộ.
Với những sai phạm trên, ngày 26-2, Hội đồng Kỷ luật Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã đề nghị hình thức khiển trách đối với ông Nhẫn. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày bị đề nghị kỷ luật, ông Nhẫn nhận được quyết định về hưu, để lại hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan trong thời gian quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1.
Bài và ảnh: DUY NHÂN
0 nhận xét