|
Tại khu vực dốc Bưởi, lao động nông thôn tập trung đông cũng chẳng kém khu vực chợ Quảng An. Họ đứng thành từng tốp từ 5 đến 10 người. “Đồ nghề” của họ gồm xà beng, cuốc, xẻng, búa và thúng. Anh Trần Văn Tân, quê ở xã Văn Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam) tâm sự với chúng tôi: “Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết và cấy lúa xong là chúng tôi lại rủ nhau lên Hà Nội làm thuê vì ở nhà cũng không có việc gì làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào. Toàn đàn ông với nhau nên ăn ở cũng dễ. Mỗi người mang khoảng 20kg gạo lên rồi thuê một phòng để ở và nấu ăn chung. Phòng trọ chủ yếu chỉ để buổi tối về ngủ nên chúng tôi cũng chỉ mua vài cái chiếu trải ra là xong. Trước Tết, các gia đình xây sửa lại nhà nhiều nên chúng tôi cũng khá bận việc. Họ cứ khoán công việc cho mình rồi thỏa thuận tiền công sau. Bình thường, một ngày công của chúng tôi được trả từ 200 đến 270 nghìn đồng/người, tùy vào khối lượng công việc. Thế nhưng, từ hôm ra Tết đến giờ công việc ít lắm, có khi chờ cả ngày mà không có người nào đến thuê”.
Đứng chờ cùng nhóm anh Tân một lúc khá lâu, chúng tôi thấy không có ai đến thuê lao động. Người lao động hết đứng lại ngồi, chờ đợi mòn mỏi. Chắc có lẽ cũng lường trước được cảnh “ế ẩm” đầu năm nên có người còn mang theo cả bộ tú-lơ-khơ để chơi cho đỡ buồn. Cả một góc đường, thỉnh thoảng lại xuất hiện tiếng chửi bậy của một ai đó bị thua bài. Anh Tân cho chúng tôi biết thêm: “Mấy hôm trước, có nhóm chơi bài ăn tiền rồi chửi nhau, đánh nhau ầm ĩ cả lên. Chuyện cũng chẳng có gì, chỉ vì một anh thua nhiều quá, anh kia trêu mấy câu rồi nổi khùng lên lao vào nhau quyết ăn thua. Chúng tôi phải can ngăn mãi họ mới chịu thôi".
Lao động nông thôn lên thành phố và các đô thị lớn làm việc do nhiều nguyên nhân và để lại không ít hệ lụy. Không ít trường hợp lên thành phố lao động rồi bị lây nhiễm bệnh hay sa ngã vào các tệ nạn xã hội... đẩy gia đình vào hoàn cảnh càng thêm khó khăn. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để dạy nghề phù hợp, thiết thực hơn đối với lao động nông thôn ở từng địa phương.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ NAM
0 nhận xét