Thư ngỏ gửi PGS Tương Lai còn gọi là GS Tai Ương


Kính gửi ông Nguyễn Phước Tương, tức PGS Tương Lai (còn gọi là GS Tai Ương)!

Kính thưa ông Nguyễn Phước Tương,

Tôi có cái may mắn là không quen biết ông. Đúng hơn là không quen, nhưng biết đến ông qua internet, nơi tiếng tăm của ông nổi bềnh bồng như "làn mây trắng" đậu trên đỉnh đầu ông vậy. Biết đủ để nhớ rằng ông là một phó giáo sư về xã hội học chứ không phải là một giáo sư như ông tự xưng và mọi người quen gọi. Biết đủ để nhớ câu thơ nhái Kiều rất hay rằng: “Tương Lai vận với tai ương một vần”. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng dù tôi không biết địa chỉ của ông để gửi thư này nhưng với những danh xưng đầy đủ của ông như trên, nhiều khả năng thư này sẽ không bị đi lạc.


Thưa ông,
Tôi cũng xin trình bày với ông lý do tại sao thư này lại được gửi cho ông. Chuyện là mấy bữa nay, tôi đọc báo mạng, đọc blog, đọc Phây,... thấy rộ lên vụ việc anh cựu nhà báo trẻ nào đó được "nhân dân" tụng xưng là "anh hùng"vì "can đảm" phê phán TBT Nguyễn Phú Trọng theo "mệnh lệnh của đạo đức"hay cái gì đó tương tự. Tôi chỉ cười khì khì vì thấy chuyện nhạt như nước ốc của một chàng trai trẻ bỗng dưng thành "hót" hệt như một pha sô hàng của mấy em showbiz (thú thực tôi thích trò lố của mấy em này hơn vì còn có cái mà rửa mắt!). Nhưng có vẻ một trí thức háo danh như ông không thể bỏ qua sự việc nóng hổi, khiến tên tuổi một thằng nhóc con bay vèo vèo qua trước mắt ông như vậy được. Vì vậy ông đã có một thư ngỏ gửi cho TBT Nguyễn Phú Trọng về việc này. Tôi thì không có hứng thú với anh chàng cựu nhà báo kia lắm nhưng lại rất thích thú khi được nói về các vị trí thức hàng đầu như ông. Thú thực là "tôi chưa thấy một đêm nào dài thế" vì viết thư cho một vị trí thức bự như ông để tranh luận về những thứ nằm trong chuyên môn "xã hội học, văn hóa" của ông không phải là điều đơn giản với một kẻ thường dân "có tuổi mà không có tên" như tôi. Nhưng tôi vẫn phải viết ra. Vì "mệnh lệnh đạo đức của tôi". Vì tôi là một phần của "nhân dân", cái phạm trù cao quý và mênh mông mà ông và các đồng bọn (xin lỗi, tôi chưa nghĩ ra từ nào đúng hơn - khi nào nghĩ ra tôi sẽ sửa!) vẫn thường đem ra để làm bình phong, làm lá chắn, làm đủ thứ vì những mục đích riêng của mình.

Thưa ông,
Tôi đã được đọc thư ngỏ của ông gửi TBT Nguyễn Phú Trọng trên mạng. Rất hay và rất cuốn hút! Lẽ thường thì tôi không nên chen vào việc của ông và ông Trọng nhưng vấn đề trong thư ngỏ của ông cũng là đề tài mà tôi quan tâm và có liên quan (vì là 1 phần của "nhân dân" - đối tượng được gọi tên trong thư) nên xin phép xía vào.
Nào, tôi bắt đầu xía vào nhé!
Chà... đọc thư ông mới biết ông đã từng có những mối quan hệ thật hoành tráng! Tôi rất lấy làm cảm phục và ghen tị với ông đó. Cả đời tôi chắc chẳng bao giờ được nhìn thấy một trong "tứ trụ" ở ngoài thật nói gì đến việc được làm việc, giao tiếp với các vị ấy. Số tôi đen lắm, đến mấy ngôi sao lờ mờ của làng giải trí thể thao nước nhà mà tôi còn chẳng gặp gỡ ai bao giờ huống hồ các vị lãnh đạo to đến vậy! Như ông nghị Hoàng Hữu Phước, cái ông đang bị báo chí lá cải nó uýnh hội đồng ấy, ở ngay TPHCM mà tôi cũng chưa được gặp bao giờ. Thôi chết! Xin lỗi ông! Lạc đề rồi!
Tôi xía lại nhé...
Chết thật! Tôi run bắn người khi đọc những dòng chữ này của ông: "Chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, của đời sống đất nước ta.".
Có lẽ nào lại thế? Phải chăng với những mối quan hệ thượng tầng của mình, ông đã biết được những thông tin mật nào mà có thể đưa đến kết luận như vậy? Phải chăng những giây phút yên bình mà tôi đang ngồi viết thư này cho ông sẽ chuẩn bị tan thành khói bụi vào ngày mai bởi tên lửa của Trung Quốc? Nếu ông biết được những thông tin nghiêm trọng đến vậy, mong ông rủ lòng lành mà cho tôi biết để còn sớm chuẩn bị cho cái thời khắc đen tối ấy nhé!
Đất nước mình 4000 năm lịch sử, trải qua cả ngàn năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc, bị tàn phá bởi hàng trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ mà mới đây thôi là 2 cuộc kháng chiến chống 2 ông kẹ đế quốc hàng đầu thế giới. Vậy mà bây giờ vận mệnh đất nước lại còn bấp bênh, chao đảo hơn bao giờ hết!!! Thật khủng khiếp phải không? Vậy thì tôi phải tranh thủ viết nhanh thư này cho ông rồi còn đi đào hầm trú ẩn mới được!
À, ông cũng đề cập đến "bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước". Ông có thể chỉ ra cái bàn tay đó nó thọc như nào không, cụ thể là những lĩnh vực nào, vị trí nào,.. Nếu thực như vậy là rất nghiêm trọng vì cái thằng to xác ấy lại dám dở trò "hai ngón" với chúng ta. Rất mong ông có thể vạch mặt chỉ tên cụ thể chỗ nó thọc vào để nhân dân cùng với Đảng và nhà nước chặt nó đi nhé. Hay ông có thể đệ đơn lên chính quyền để tố cáo hành vi "hai ngón" đó của chúng. Công dân gương mẫu phải thế chứ!

Nội dung thư của ông tập trung vào 2 vấn đề: "Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2". Do đó tôi cũng sẽ dò theo "bước chân" của ông để trao đổi với ông trong những vấn đề này.
Trước khi đi vào nội dung chính, tôi lại phải chia sẻ với ông rằng tôi đã rất bất ngờ khi được biết rằng lời phát biểu của ông Tổng bí thư lại "gây phẫn nộ trong công luận". Tôi không biết điều này, có lẽ là do thời gian vừa qua bị ảnh hưởng bởi những tiếng nổ tang thương ở nhà ông "Phương khói lửa" nên tôi không nghe rõ "sự phẫn nộ trong công luận" chăng? Vậy là tôi lật đật đi tìm hiểu "công luận". Đúng là có ầm ầm, ào ào thật, nhưng sao mà cái "công luận" này tôi thấy nó quá quen thuộc: mấy trang blog "trái lề", mấy cái loa rè của đám lưu vong nơi hải ngoại núp trong hố xí của RFA, BBC, VOA,.. những kẻ mà có vẻ như công việc hàng ngày là chỉ há miệng, dỏng tai, căng mắt xem có vị quan chức nhà nước nào "són" ra cái gì nhạy cảm một tí là nhao vào mà tranh nhau hít hửi, phán thánh, phán tướng như đám ông đồng bà cốt vậy. Không biết tụi nào ngu xuẩn mà đầu tư cho cái đám "công luận" này nhỉ? Ông quan hệ cao rộng có biết không vậy? Tôi là tôi thấy cái đám đó giống như dân móc bọc hạng bét ấy. Dân móc bọc bình thường thì họ biết tìm ra những cái gì có giá trị, còn tái sử dụng được để đem đi bán lấy tiền kiếm sống và góp phần làm trong sạch môi trường còn đằng này đám "công luận" kia lại chỉ biết bươi móc những thứ bỏ đi, thối nát và đập cho nát thêm, bới cho thối thêm, thậm chí "ị" thêm vào cho nó dậy mùi, rồi cùng nhau hỉ hả, lấy làm sung sướng lắm! Ngay như cái danh xưng "lề trái" (tôi cho rằng "trái lề" mới đúng) cũng cho thấy cái tư duy bã đậu rồi. Trong sáng tác văn học, nghệ thuật thì người ta cần nghĩ khác đi ngoài những lối mòn có sẵn để sáng tạo ra cái mới. Nhưng trong đời sống xã hội, có những lề lối, quy định được đại bộ phận xã hội chấp nhận thì họ lại thích làm ngược lại. Chẳng khác nào lộn ngược cái quần rồi đội lên đầu để tạo ra sự khác biệt vậy! Do đó tôi cũng cảm thán mà tặng họ mấy câu thơ, nhờ ông nếu có quen biết họ thì gửi giùm. Thơ rằng:
Như những kẻ biến thái
Núp vào toilet học đường
Nhả những mộng tưởng ái ân bệnh hoạn
lên tường
Nhà rận chủ "yêu quê hương"
Rúc đầu vào hố xí của chế độ
Tay bịt mũi, mồm đòi quyền tự do được thở
Kiến nghị
khiếu kiện
dân oan
thay cuộn giấy lau chùi..
Vê đúp Cờ (WC)
hai chữ nặng mùi
nhưng chứa đựng bao tâm tình nhà rận chủ
Bên kia đại dương, Hoa Thịnh Đốn không ngủ
Hố xí này quyết tử thủ đấu tranh...


Xin lỗi ông, tôi lan man quá rồi. Chúng ta quay lại vấn đề chính nhé.

THỨ NHẤT, VỀ "PHÁT BIỂU TÙY TIỆN" CỦA TỔNG BÍ THƯ TẠI VĨNH PHÚC

Theo "gỡ băng" trong thư của ông thì ông Trọng đã phát biểu thế này:
"Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này.”
và từ đó ông cảm thấy "sửng sốt" vì ông Trọng lại "tùy tiện quy kết một cách hồ đồ", "lẫn lộn", "đánh tráo khái niệm" đối với "các luồng ý kiến" trên.

Trước hết, chúng ta phải thống nhất một điều rằng đây là trích đoạn của chương trình thời sự trên VTV về chuyến thăm và làm việc với tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Mặc dù chúng ta không được nghe toàn văn bài phát biểu của ông tổng bí thư nhưng rõ ràng đối tượng ông ấy hướng tới là các Đảng viên đang hiện diện trong căn phòng đó. Do đó "xem ai có tư tưởng..." là nói đến đội ngũ Đảng viên của tỉnh Vĩnh Phúc. Vấn đề cần xác định là: Đảng viên mà theo đuôi "các luồng ý kiến" ấy là "suy thoái" hay bản thân các tư tưởng ấy đã là "suy thoái". Tôi nghĩ rằng ông và đám đi "trái lề" kia đều cho rằng ý ông Trọng là vế thứ hai, mà cho dù không phải vậy thì các ông cũng cố mà đẩy nó nghiêng về vế đó. Vậy thì tôi cũng xin hầu chuyện ông theo cái giả thiết này.

Trước hết, tôi cho rằng "tư tưởng chính trị" và "lối sống" phụ thuộc vào "đạo đức". Do đó tôi sẽ nói về đạo đức là chính. Vậy đạo đức là gì? Cái này thì ai cũng biết, nhất là những người có học hàm về xã hội học và văn hóa như ông, nhưng định nghĩa nó thì cũng không đơn giản lắm. Tôi cho rằng: Đạo đức là toàn bộ những quan niệm về thiện ác, lương tâm, danh dự, trách nhiệm, về lòng tự trọng, về công bằng hạnh phúc,.. là tổng hợp những qui tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ đó mà con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và với tiến bộ xã hội trong mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội
Tất nhiên với một đống những đòi hỏi ấy thì không phải ai cũng có thể vẹn toàn được. Có người tốt mặt này nhưng lại thiếu sót mặt kia. Do đó, tôi tạm chia đạo đức thành 3 loại, tùy theo quy mô của nó.
  • Đạo đức thường: là thứ đạo đức phổ biến, trong đó mọi người làm tròn trách nhiệm công dân, sống chan hòa với gia đình, bè bạn và những người chung quanh... Nói chung là trong quy mô những mối quan hệ cá nhân.
  • Đạo đức trung: quy mô rộng hơn chứ không gói gọn trong những mối quan hệ cá nhân thông thường. Ví dụ như những người tự nguyện làm các công tác xã hội, từ thiện,.. Bill Gates là một trong những đại diện ưu tú nhất của mức độ đạo đức này với quỹ từ thiện khổng lồ mang tên vợ chồng ông.
  • Đạo đức lớn: có quy mô lớn nhất, là thứ đạo đức dấn thân, cống hiến với ước nguyện đem lại lợi ích lớn nhất cho một cộng đồng rộng lớn, một dân tộc, một đất nước, một giai cấp,...
Như vậy, theo cách phân loại trên của riêng tôi thì lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam rõ ràng là loại "đạo đức lớn" rồi còn gì? Nếu ông không tin thì tôi xin phép đưa ra vài dẫn chứng dưới đây:
  • Đảng CSVN đã vượt qua mọi khó khăn, khủng bố, triệt hạ,.. của thực dân đế quốc để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Mỗi Đảng viên xưa cầm thẻ Đảng chẳng khác gì một giấy báo tử nhưng họ vẫn hăng say tự nguyên xông pha vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vậy đó có phải là "đại đạo đức" không?
  • Nhân dân Việt Nam vốn căm thù quân xâm lược thế nào thì chắc mọi người đều biết rõ. Nhưng dưới sự lãnh đạo và tuyên truyền của Đảng CSVN, mọi người đều gạt "thù nhà" sang một bên để cùng lo chung cái "nợ nước". Chính vì vậy, quân giặc bị bắt được vẫn được đối xử tử tế, thậm chí được tiêu chuẩn cao hơn mức sống của người dân nữa (không tin thì cứ hỏi ông nghị John McCain của Mỹ thì biết.). Nhân đạo với cả kẻ thù thì có phải là "Đại đạo đức" không? Một ví dụ liên quan đến việc này là cách đối xử của Đảng CSVN đối với các tôn thất phong kiến nhà Nguyễn (một đối tượng đấu tranh chính của Cách mạng): vua Bảo Đại được mời làm "Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam", thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp, Đại biểu Quốc Hội của chính phủ Cách mạng (không biết lúc Cách mạng thành công, ông ấy có rùng mình khi nghĩ đến số phận vua Luis XVI bên "chính quốc" không nhỉ?). Chính vì vậy, nhiều người con của dòng họ Tôn Thất cũng đã giác ngộ Cách mạng và lập nhiều công lao cho đất nước như Tôn Thất Tùng, Tôn Nữ Thị Ninh,... Hay như bản thân ông Nguyễn Phước Tương đây, theo thông tin mà tôi được biết thì cũng là thân nhân của nguyên Thượng thư bộ hình Tôn Thất Đàn, người đã có "thành tích" chỉ huy chiến dịch khủng bố trắng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và nổi tiếng với câu tuyên bố: “Hữu Nghệ - Tĩnh bất phú. Vô Nghệ - Tĩnh bất bần”. Nếu đúng thông tin đó là chính xác thì rõ ràng bản thân ông với những thành tích, mối quan hệ như ông kể trong thư gửi ông Trọng, cũng đã rất được nhà nước cách mạng ưu ái bất chấp "nợ máu" của người thân. Vậy mà xem những bài viết, tuyên bố, hành động của ông, tôi có cảm giác văng vẳng đâu đây câu nói của "người xưa" thay hình đổi dạng thành: "Hữu cộng sản bất phát, vô cộng sản bất tàn" vậy!
  • Mục đích của ĐCSVN là: "xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản". Mà mục tiêu của CNXH là sự công bằng trong phân phối tài sản xã hội, tiến tới xóa bỏ mâu thuẫn xã hội (do tranh giành quyền lợi). Cho dù đường đi tới thành công còn dài nhưng với mục tiêu và nỗ lực hướng tới mục tiêu như vậy có phải là "đại đạo đức" hay không?
Đó là đạo đức của chính nghĩa!
Nhân dân Việt Nam tập hợp lại dưới lá cờ của Đảng cũng chính vì cái đạo đức chính nghĩa ấy chứ không phải do lý luận chính trị cao siêu nào cả, vì nó phù hợp với đạo lý của dân tộc, thế thôi.
Vậy thì những ý kiến muốn thay đổi cái thể chế có lý tưởng "đại đạo đức" như vậy có phải là "suy thoái đạo đức" hay không?
Ví dụ như tôi thấy một gia đình kia nghèo khổ quá mà tôi cũng không dư dả gì nên chỉ có thể giúp họ lon gạo, tấm bánh qua ngày. Vậy có phải là đạo đức không? Nhưng con vợ tôi nó gạt đi, rằng: mặc xác người ta, thân mình còn lo chưa xong nữa là ... Vậy nó chống lại cái hành vi đạo đức của tôi thì có phải là "suy thoái đạo đức" không?
Nhìn rộng ra xã hội hiện nay, tình trạng suy thoái đạo đức diễn ra khắp nơi là do đâu? Đó là do người ta sống vì đồng tiền, vì hưởng lạc chứ không phải vì lý tưởng (đạo đức). Đây thực ra là một điều được dự báo từ trước khi nước ta mở cửa nhưng cũng không thể không nói đến trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân chuyên trách của Đảng đã buông lỏng việc xây dựng, củng cố tư tưởng, đạo đức trong nhân dân (tôi cũng có viết một bài về vấn đề này, nếu ông có hứng thú thì xin mời tham khảo tại: Góc nhìn Đảng từ dưới lên, từ ngoài vào). Thay vào đó, họ lại "theo đuôi quần chúng" để lao vào vòng xoáy của mãnh lực đồng tiền. Đó cũng là một trong những lý do ĐCSVN đã quyết liệt thực hiện nghị quyết trung ương 4 để cố gắng củng cố lại đội ngũ.

Trong thư ông có dẫn cái định nghĩa về "Đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp rằng: "Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào". Về cái định nghĩa này, tôi thấy nó không có vấn đề gì cả nhưng khi ông vận dụng nó để nói rằng "đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lực khác, đều không tránh khỏi sự tha hóa" thì tôi lại thấy có vấn đề để nói.
Xét theo cái định nghĩa kia thì rõ ràng ĐCSVN đã "là một tập thể xã hội" (rất lớn là khác), đã được "sự ủng hộ của nhân dân" (hơn 80 năm nay - trường tồn hơn ĐCS Liên Xô, chính đảng vĩ đại nhất của thế kỷ 20), đã "trực tiếp thực thi quyền lực", đã "có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo"(chính thư ông cũng khẳng định ĐCSVN hoạt động theo nguyên tắc "lãnh đạo tập thể"). Vậy thì nó có liên quan gì đến việc Đảng được gọi là "Đảng ta"không nhỉ? Hay ý ông là còn có những "tập thể xã hội" khác cũng đang "tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực" nên không thể gọi là "Đảng ta" tức "Đảng của chúng ta" được?
Thật nực cười! Đương nhiên là trong một xã hội, một tập thể, một công ty, thậm chí một gia đình luôn luôn có những người muốn tìm kiếm quyền lực cho riêng mình. Nhưng chỉ những người được đa số thành viên khác trao quyền thì mới được công nhận (trừ phi ông tự thành lập một quốc gia riêng và lên làm quốc trưởng thì chẳng cần biết đến nguyện vọng của người khác). Vậy thì Đảng CSVN với vai trò là "đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc", đã được hầu hết nhân dân ủng hộ, cùng chiến đấu, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng có thể được gọi là "Đảng ta" hay không? Chỉ có những người nào không muốn đứng trong chữ "ta" (công nhân, nhân dân lao động, dân tộc) đó mới có cái suy nghĩ rằng gọi "Đảng ta"là một thứ "bái vật giáo" vì họ muốn có "đảng tôi", "đảng anh", "đảng chị", "đảng chúng nó",... Phải chăng là ông cho rằng mình thuộc tầng lớp quý tộc nên không muốn đứng chung với hàng ngũ của nhân dân lao động?

Một ví dụ nữa cho ông thấy rằng tại sao nói "đa nguyên đa đảng" là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức" nhé. Ông cũng biết rằng, một trong những "từ khóa nóng bỏng" (hot keyword) hiện nay đang được xã hội sử dụng là "lợi ích nhóm". Đảng đã xác định đây là vấn đề làm tổn hại đến chính trị, an ninh, kinh tế, ổn định xã hội của quốc gia và đang tìm cách xử lý chúng. Ấy vậy mà các ông lại đi cổ vũ cho việc "đa nguyên đa đảng", thứ sản phẩm phái sinh của "lợi ích nhóm". Nếu mà theo ý các ông thì sắp tới đây, lợi ích nhóm không những không giảm mà nó còn "bùng nổ", nấp sau lưng các đảng phái, tổ chức chính trị xôi thịt mới. Chẳng hạn như Đảng Phát xít mới (CN dân tộc cực đoan) của những người "biểu tình yêu nước chống Trung Quốc", Đảng của Hoa kiều, Đảng của người Thượng đòi ly khai cho nhà nước Đề Ga, Đảng của những ông chủ tài chính, Đảng của các ông chủ công nghiệp, Đảng của mafia, Đảng của các ông chủ ngành công nghiệp mại dâm, cờ bạc (nhiều khả năng Dương Trung Quốc sẽ được bầu làm Đảng  trưởng!), hay Đảng bảo hoàng của những "nhà quý tộc" như ông... Lúc đó người ta không cần quan tâm đến các "nhóm lợi ích" nữa vì đất nước đã bị "cổ phần hóa" mất rồi!

Còn nhiều điều cần phải nói về sự "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức" nữa xung quanh những "luồng ý kiến" mà ông đang thắc mắc với ông Trọng nhưng thư đã dài quá rồi mà tôi không có nhiều thời gian để viết vì còn phải tranh thủ xong sớm đặng đi đào hầm trú ẩn nữa. Thú thực với ông là tôi phải tranh thủ từng giây phút rảnh rang sau công việc (thành phần nhân dân lao động nên công việc cũng hơi nhiều), phải thức khuya, thậm chí phải "suy ngẫm" trong lúc đi ... toilet để mong chóng hoàn thành thư này cho ông đó. Thôi, tôi sang vấn đề còn lại nhé.

THỨ HAI, "SỰ CÂM LẶNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG NGÀY 17 THÁNG 2"

Ông cho rằng: "“triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi : Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm?" (sic)

Tôi không rõ ông lấy ở đâu ra con số "triệu con mắt", "triệu ngón tay" ấy nhưng xem ra nó chẳng khác gì cái "công luận" mà tôi đã đề cập ở trên. Vấn đề ngày 17/2 này, chúng tôi đã đề cập đến nhiều trên Đôi Mắt (chỉ cần 2 mắt nhìn đủ rồi chứ không cần cả "triệu con mắt" như của ông đâu!), ông rảnh rỗi thì mời vào tham khảo. Về việc tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nói chung và anh hùng liệt sĩ trong chiến tranh biên giới chống bành trướng Trung Quốc nói riêng mà ông ca ngợi là "đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm.." tôi đã nói rất rõ trong bài ""Rận sĩ chấy thức" và trò mèo đầu năm rắn". Về ý nghĩa ngày 17/2 thì chúng tôi cũng đã đề cập trong bài "17/2 không phải là ngày kỷ niệm chiến thắng biên giới 1979". Ở đây tôi chỉ nói thêm rằng, nhân dân Việt Nam nói chung và Đảng - Nhà nước nói riêng chẳng khi nào quên sự hy sinh của các AHLS nhưng cũng chẳng cần phải thể hiện sự biết ơn của mình bằng cách ồn ào, lố bịch như cách mà các vị "rận sỹ chấy thức" đã làm. Đảng và nhân dân luôn nhớ chứ không phải "bỗng dưng muốn nhớ" như các vị "rận sỹ chấy thức".
Nhân tiện, tôi cũng xin phép hỏi ông là theo kiểu lý luận của ông thì ông và đồng bọn (xin lỗi, vẫn chưa tìm ra từ nào khác!) có "bỗng dưng nhớ" tới ngày 13/12, khi 10 sư đoàn quân Khơme đỏ đồng loạt tấn công xâm lược toàn biên giới phía Nam không hay cái danh xưng "Khơ-me" ấy không có "hấp dẫn" bằng hai từ "Trung Quốc" đối với các ông? Phải chăng chỉ vì sự "thiếu hấp dẫn" ấy mà hàng chục ngàn thương binh liệt sĩ trong cuộc chiến này đối với các ông là vô giá trị?

Nói về cái mà ông cho là sự "câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị", tôi cho rằng có vẻ như ông cố tình xuyên tạc mục đích cao đẹp của Đảng. Ông học rộng đọc nhiều (hiểu bao nhiêu thì tôi không rõ) nên chắc chắn biết chủ trương của Đảng và nhân dân ta là: làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với truyền thống, văn hóa, khát vọng hòa bình của con người Việt Nam. Vậy Trung Quốc (hay Campuchia) có phải là bạn không? Họ là láng giềng của ta, nên càng phải là bạn, càng thân càng tốt (các cụ xưa đã dạy rằng: bán bà con xa mua láng giềng gần.). Làm bạn để làm gì nếu không phải cho nhân dân ta sự thái bình để cùng tập trung vào phát triển đất nước, an hưởng hạnh phúc? Chủ trương ấy cũng chính là "đạo đức của chính nghĩa" phải không?
Vậy thì, nếu ông muốn làm bạn với ai đó mà suốt ngày ông hằm hè, đe dọa người ta rằng "hôm trước mày đánh tao nhé, nhớ đấy!" thì kết quả sẽ là thế nào? Những người với cái suy nghĩ kiểu đó thì có thể có bạn (đúng nghĩa) được hay không? Bởi vậy, tôi không dám thay đổi cái chữ "đồng bọn" ở trên thành "bè bạn" là có cái lý của nó.
Cái đạo lý đơn giản ấy thôi mà sao ông không hiểu nhỉ? Đến nỗi trong thư ông hùng hổ thế này:
"Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi? Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.".
bởi ông cho rằng: "Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược :” không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.".

Xem ra ông càng "bốc" lên thì lý lẽ của ông nó càng "củ chuối", cứ như thể bao nhiêu nơ-ron nó bốc hơi theo sự hưng phấn của ông vậy!
Tôi không phủ nhận một bộ phận trong chính giới Trung Quốc là đám hiếu chiến, dân tộc chủ nghĩa, là diều hâu. Tình trạng này có ở mọi quốc gia và phát tiết tùy theo "tầm" của quốc gia ấy và tỷ trọng nắm quyền giữa các "luồng tư tưởng" trong chính phủ: Mỹ thì khỏi bàn nhé, Nhật có ông Abe Shinzo cũng chống Trung Quốc mạnh mẽ, Hàn Quốc cũng thế, Isarel, Ả rập, Venezuela, ... mà ngay cả Việt Nam cũng vậy tuy "nhạt nhòa" vì chính sách chung của Đảng.

Rồi ông lấy ví dụ về một thằng ngu (thực sự là rất ngu!) trong số 1,34 tỷ người Trung Quốc để nói về sự "dung dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan" ở Trung Quốc. Thật đúng là chỉ nhìn thấy được cây kim trong mắt người mà không thấy được cây đà trong mắt mình!
Nói về "chủ nghĩa dân tộc cực đoan" thì tôi hỏi ông:
- Đã có cuộc biểu tình chống Việt Nam nào ở Trung Quốc chưa hay chỉ có những cuộc "đi dạo giương biểu ngữ chống Tàu" ở bờ Hồ, nhà thờ Đức Bà, nhà hát thành phố,... ?
- Trước khi cái thằng ngu kia nó làm cái bảng hiệu đần độn ấy, biết bao nhiêu"nhân sĩ trí thức đầu đàn" của Việt Nam kích động biểu tình, tuyên bố "căm thù", "đòi đánh", đòi "chung tay xé Trung Quốc ra thành nhiều quốc gia độc lập",...?
Vậy thì đâu là chủ nghĩa dân tộc cực đoan?
Phải chăng kích động nhân dân chống lại 20% nhân loại là yêu nước?
Rõ ràng là các ông đã đi ngược lại với Hiến pháp, với chính sách của Đảng và nhà nước, với nguyện vọng của nhân dân tiến bộ.
Đó là những ý tưởng chỉ có ở đám trẻ trâu thiếu suy nghĩ, những người có vấn đề về nhận thức hay những kẻ bị khuyết tật về tâm hồn (kích động chiến tranh, muốn bất ổn xã hội,.. vì những mục đích cá nhân). Tôi thấy ông lớn tuổi như vậy nên chắc chắn không thể là trẻ trâu, học hành chữ nghĩa đầy mình nên chắc chắn nhận thức rất tốt. Nếu ông thực sự muốn "chiến" đến vậy sao ông không động viên con cháu mình xung phong ra Trường Sa để canh giữ biển trời cho Tổ quốc thay vì tản bộ lòng vòng Nhà thờ Đức Bà - Nhà Hát thành phố - Tượng Trần Hưng Đạo nhỉ (tranh thủ vừa tập thể dục vừa được "lên báo" chăng?)? Tôi cũng tự hỏi, với tấm lòng yêu nước lớn lao như vậy, ông đã ở đâu khi những anh hùng liệt sĩ mà ông đang "tưởng nhớ" đây ngã xuống vì bom đạn của Mỹ, của Khơ-me đỏ, của tập đoàn phản động Trung Quốc? Rất mong được ông chia sẻ vấn đề này!
Ngoài ra, ngay cả việc tụ tập lại cho giống biểu tình, các ông làm cũng chẳng vào đâu cả. Hãy cứ nhìn số người theo chân các ông mỗi buổi cuối tuần là biết, có phải ngày càng lèo tèo không? Nó không những chẳng chứng minh được gì với Trung Quốc về "tinh thần Việt Nam" mà thậm chí còn làm xấu mặt quốc gia, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của nhân dân, du khách nước ngoài... Vì sao ư? Vì nhân dân người ta không cần ồn ào như các ông, không cần phải"yêu nước bằng mồm" như các ông. Khi cần thiết, theo lời kêu gọi của Đảng và nhà nước, họ sẽ nhất tề đứng lên, tập hợp dưới lá cờ chung của dân tộc để thể hiện ý chí, quyết tâm của dân tộc mình với cả thế giới. Đó mới là sức mạnh thực sự, dù tên gọi sự kiện có khác đi: mít tinh hay diễu hành. Xem ra ông nên cùng với nhóm biểu tình của ông thành lập một đội dưỡng sinh nhảy điệu "U-NO style" may ra sẽ nổi tiếng hơn! Lúc đó thì đừng quên ơn tư vấn của tôi nhé!
Tôi thấy ông cũng rất tâm lý khi trích dẫn lời Các Mác trong thư gửi TBT: “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”.
Tôi không biết toàn văn câu nói của ông Mác thế nào nhưng dù không phải là "trí thức" như ông, tôi cũng có thắc mắc nho nhỏ là: giả sử đóng khung câu phát biểu đó, độc lập với tất cả những vấn đề khác thì xin hỏi ông việc "không lùi bước trước kết luận của chính mình" cho dù kết luận đó đã được chứng minh là SAI LẦM thì đúng hay sai? Nếu biết sai mà vẫn "không lùi bước", phải chăng người ta gọi đó là sự "cố chấp", hay dân dã thì gọi là "ngu mà lì"!?

Hay như câu dưới đây của Hégel mà ông dẫn ra để nói về sự phát triển: “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”. Tôi thấy câu này cũng rất hay, đúng đắn nhưng cái khập khiễng ở đây là khi ông gắn nó vào những ý tưởng của mình. Như tôi đã chứng minh ở trên, lý tưởng của Đảng CSVN là một tư tưởng tiến bộ về xây dựng xã hội, là đạo đức của chính nghĩa (cho dù kết quả thực tế chưa được như mong muốn của nhiều người và chặng đường phát triển còn dài phía trước), là sự lựa chọn phù hợp với văn hóa, truyền thống, khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Nền tảng lý luận chính trị của nó là CN Mác, điều mà dù bị bộ máy tuyên truyền của các nước tư bản đã ra sức đè bẹp và chôn vùi cả trăm năm nay vẫn có sức sống mãnh liệt, ngay cả trong lòng các nước tư bản, thậm chí tác phẩm chính trong lý luận Mác, cuốn Tư bản, đã trở thành "best seller" mỗi khi "mùa khủng hoảng" về. Trong khi đó, những "ý tưởng" của ông về "đa nguyên đa đảng", "chủ nghĩa dân tộc cực đoan",.. hoàn toàn chẳng có gì là "bước tiến" cả nếu không muốn nói nó là thứ lạc hậu hơn nhiều so với vị thế hiện nay của Việt Nam. Ngó lại về lịch sử một chút thì khi Pháp quay lại xâm lược Việt Nam năm 1946, Việt Nam cũng là "đa nguyên đa đảng" đấy thôi. Vậy mà khi có khó khăn, cái đám đảng xôi thịt phần lặn mất tăm, phần lại ... theo giặc!

Thưa ông Nguyễn Phước Tương,
Hẳn ông cũng đã từng đọc Tây Du Ký (hy vọng sự kỳ thị Trung Quốc không làm ông giận lây sang tác phẩm lẫy lừng này)? Nếu đọc rồi, ông sẽ thấy rằng sau khi trải qua 80 kiếp nạn, thầy trò Đường Tăng đến được Tây Thiên để thỉnh kinh. Nhưng ở đất Phật, họ vẫn phải chạm trán với ... cửa quyền, tham ô, nhũng nhiễu của các "quan nhà Phật" là Anan, Ca Diếp. Điều đó để nói rằng, không có gì nhất là trong một xã hội con người là hoàn hảo cả. Tệ nạn có khắp mọi nơi, miễn là chỗ đó có người ở. Quan trọng là chúng ta phải từng bước đấu tranh, cải thiện cho chế độ, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, để tỷ lệ người tốt ngày càng nhiều hơn,.. Ngay cả đối với cá nhân con người cũng vậy, ai có thiện tâm thì sẽ tự cải tạo bản thân mình, trau dồi đạo đức, lành mạnh hóa lối sống,.. Đó cũng là một quá trình nhận thức chứ không thể nào tự dưng mà thành "chính quả" được.

Chúc ông sức khỏe và sáng mắt, sáng LÒNG!
Nguyễn Thanh Tùng (blog Đôi Mắt)
Ngày 05/03/2013

Tái bút: Viết xong lá thư dài này cho ông mất đến mấy ngày, may mà thời gian đó đất nước vẫn vững vàng chứ không thấy "bấp bênh, chao đảo" gì ghê gớm như điều ông cảnh báo. Đang tính giục vợ con lấy cuốc thuổng để đào hầm trú ẩm thì chợt nhớ ra là những lời ông nói chưa hẳn đã là sự thực (như tôi đã trình bày trong thư) nên lại thôi. Tôi tự hỏi không biết những phát ngôn kiểu đó của ông có thể được coi là "tung tin đồn thất thiệt" hay không nhỉ? Ví như tôi hay ai đó đọc thư ông gửi TBT mà tin rằng "chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay", rồi đi kêu gọi bạn bè, bà con, họ hàng đào hầm trú ẩn, mua lương thực dự trữ,.. thì chắc Xã hội sẽ "nhộn nhịp" lắm nhỉ? Chắc hẳn người vui nhất là ông chăng?
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top