Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra, từ năm 2005, Lê Công Định đã móc nối với Nguyễn Sỹ Bình (cầm đầu tổ chức phản động lưu vong "Đảng nhân dân hành động" tại Mỹ và "Đảng Dân chủ Việt Nam", bí danh "chị Hai") và là thành viên chủ chốt trong nhóm đối tượng chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Bình cầm đầu, nhằm mục tiêu lật đổ chế độ tại Việt Nam thông qua việc thành lập các tổ chức chính trị đối lập như "Đảng Lao động" và "Đảng Xã hội" để tập hợp lực lượng, gây rối loạn lớn ở trong nước.
Lê Công Định có bí danh là "chị Tư", được bọn phản động lưu vong phân công phụ trách "cải cách hành chính"; liên hệ với tổ chức khủng bố "Việt Tân" và nhóm hành động, được gọi là "Nhóm nghiên cứu Chấn" do Trần Huỳnh Duy Thức (bí danh "chị Ba") trực tiếp chỉ đạo tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2005 đến nay, Lê Công Định có vai trò tham mưu đường hướng hoạt động cho số đối tượng chống đối ở trong nước như Nguyễn Văn Đài ở Hà Nội, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Tiến Trung ở TP Hồ Chí Minh, cùng một số tổ chức phản động lưu vong khác ở Mỹ và châu Âu.
Lê Công Định đã nhiều lần ra nước ngoài gặp gỡ Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, đề ra kế hoạch nhằm thúc đẩy Việt Nam xảy ra "biến động chính trị", tiến tới lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam vào năm 2010. Định đã trực tiếp tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm có nhan đề "Con đường Việt Nam" và soạn thảo cái gọi là "Tân Hiến pháp" cho Việt Nam.
Định quan hệ mật thiết với nhiều đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong; được các thế lực thù địch và những đối tượng này "chấm" đưa ra nước ngoài tham gia khóa huấn luyện "đấu tranh bất bạo động" để làm nòng cốt cho các đối tượng lợi dụng tự do, dân chủ trong nước điên cuồng chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Bản thân Lê Công Định đã viết nhiều tài liệu tán phát trên mạng và một số hãng tin quốc tế xuyên tạc đường lối, chính sách; bôi lem lãnh đạo hòng gây dư luận hoang mang, ngờ vực. Định đã triệt để lợi dụng những vấn đề chủ quyền lãnh thổ, khai thác tài nguyên, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... để gây nghi ngờ, kích động, chia rẽ giữa nhân dân với chính quyền. Hành vi của Định và đồng bọn là hết sức nguy hiểm cho xã hội, mưu đồ của họ nhằm tập hợp lực lượng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, mưu đồ và thủ đoạn của Lê Công Định và đồng bọn đã bị cơ quan An ninh và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Với những tội danh nêu trên, cùng lời ăn năn, hối cải: “Tôi hiểu ý định của tổ chức Việt Tân là muốn những người tham gia lớp này có thể tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động như vậy ở Việt Nam trong tương lai. Tôi thấy những việc làm nêu trên của tôi có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam và hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 88 Bộ luật Hình sự, như tôi bị khởi tố. Tôi rất hối hận về sai lầm của mình mà vì đó mà tôi đã bị bắt tạm giam như ngày hôm nay. Do vậy, tôi đã hợp tác khai báo đầy đủ về việc làm của mình cho cơ quan điều tra và mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng theo quy định của pháp luật.”
(Luật sư Lê Công Định)
Luật sư Lê Công Định đã nhận được sự khoan hồng của Pháp luật và bị tuyên phạt 5 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đến nay, theo nhiều phương tiện thông tin đại chúng, ông Lê Công Định - người phải chịu hình phạt tù với mức án 5 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, đã được ra tù sáng thứ tư, 6-2-2013, trước thời hạn hơn 1 năm, và hiện còn phải chịu 3 năm quản chế tại địa phương.
Sự kiện này đã được một số trang mạng đưa tin nhằm xuyên tạc bản chất chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Theo họ, việc ông Lê Công Định được trả tự do sớm là “Sự trở về mang hy vọng”. Đó là “tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài, cũng như của những thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu và chính ngay trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, hàm ý theo con đường dân chủ! Có người còn suy luận rằng: "Việc trả tự do cho hai ông Lê Công Định và Nguyễn Quốc Quân khiến người ta nghĩ rằng, Việt Nam đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ".
Tại phiên tòa ngày 20-1-2010, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên phạt 5 bị cáo gồm: ông Trần Huỳnh Duy Thức (44 tuổi) mức án 16 năm tù, ông Nguyễn Tiến Trung (27 tuổi) nhận 7 năm, ông Lê Công Định (42 tuổi) và Lê Thăng Long (43 tuổi) cùng mức án 5 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, tòa cũng buộc các bị cáo phải chịu sự quản thúc tại địa phương từ 3 đến 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Tại phiên xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã tuyên: Sửa một phần bản án sơ thẩm - giảm 1 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Lê Thăng Long. Bác kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt theo án sơ thẩm đối với hai bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Tại phiên xét xử sơ thẩm (20-1-2010), bị cáo Lê Thăng Long đã khẩn thiết xin tòa cho hưởng khoan hồng để "hoàn thành chữ hiếu" (theo nguyên văn lời đề nghị của Lê Thăng Long). Với lời đề nghị mang đậm truyền thống dân tộc và vì đã nhận tội, Tòa đã giảm mức án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng. Ngày 4-6-2012, Lê Thăng Long đã được trả tự do trước thời hạn 6 tháng tuy vẫn đang chịu 3 năm quản chế.
Còn việc ông Lê Công Định được mãn hạn tù sớm cũng không phải là ngẫu nhiên.
Còn nhớ, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, trong lời nói sau cùng, Lê Công Định đã thừa nhận: “Luật pháp và hiến pháp Việt Nam quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Vì vậy, những lời kêu gọi đa nguyên, đa đảng mặc nhiên là muốn thay đổi thể chế chính trị Việt Nam. Những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng là đương nhiên vi phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam".
Lê công định và ngày trở về |
Từ góc nhìn pháp lý, bị cáo Lê Công Định đã thừa nhận những việc mình làm là vi phạm pháp luật, do xuất phát từ chủ quan, bị ảnh hưởng quan niệm về dân chủ, nhân quyền phương Tây và những tổ chức, cá nhân có hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam mà ông này tiếp xúc.
Hiện tại, còn hai bị cáo trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, bị tòa xét xử ngày 20-1-2010, đang chấp hành án tù. Đó là Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung, những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nói trên.
Như vậy việc ông Lê Thăng Long, ông Lê Công Định được mãn hạn tù sớm là bình thường, không có gì được gọi là “Sự trở về mang hy vọng”; “ là tín hiệu… cho thấy các tác động của cả từ bên trong lẫn bên ngoài” đối với Việt Nam; hoặc Việt Nam “đang mong muốn điều gì đó từ phía Mỹ”… như người ta suy diễn. Về bản chất, việc ông Lê Công Định được mãn tù sớm là do chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và do chính sự ăn năn hối cải của bản thân người phạm tội.
Năm 2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Số: 49-NQ/TW Hà Nội, ngày 2-6-2005). Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là:
“Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm…”.
Như Trung tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nói, hiện tại có hơn 100.000 phạm nhân đang phải cải tạo, giam giữ tại các trại giam, trại tạm giam trên cả nước. Trong dịp Quốc khánh (2-9-2012), đã có hơn 10.000 người được đặc xá, tha tù trước thời hạn, chiếm 10% tù nhân cả nước, trong đó có 1.300 phạm nhân nữ, 11 phạm nhân là người nước ngoài.
Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đang tích cực thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, liên quan đến nhiều hoạt động tư pháp, không loại trừ công tác cải tạo giam giữ. Tuy nhiên không nên nghĩ rằng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ bỏ con đường xây dựng xã hội XHCN, từ bỏ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách tư pháp do sức ép từ một quan hệ quốc tế nhất thời nào đó.
Những suy luận vô căn cứ, thiếu trách nhiệm chẳng những có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường xã hội, quan hệ quốc tế ổn định mà còn khuyến khích những hành vi xâm hại an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đồng thời còn dẫn người ta vào vòng lao lý.
0 nhận xét