Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030.
Theo đó, trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ thì việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng.
Tỉ lệ nợ công năm nay dự kiến chiếm 58,4% GDP và sẽ tăng cho đến hết 2015.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, việc huy động vốn vay và trả nợ phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Trong Chiến lược này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, cơ cấu dư nợ nước ngoài của Chính phủ trong tổng số dư nợ của Chính phủ phải giảm xuống dưới 50%, đảm bảo duy trì cơ cấu dư nợ cho vay ODA tối thiểu đạt khoảng 60% so với tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ vào năm 2020. Đồng thời, gắn với việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 dự kiến sẽ không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Ở chiều ngược lại, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm được giao không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ của nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Điểm đáng chú ý trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài lần này là chỉ tiêu tỉ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm đảm bảo trên 200%.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 10 tỷ USD từ mức 9 tỷ USD hồi cuối 2011 - tương đương 10 tuần nhập khẩu. Trong khi đó, theo kế hoạch, dự kiến nợ công đến cuối năm 2011 khoảng 54,6% GDP, 2012 là 58,4% và đến 2015 là 60-65% GDP.
Cũng theo Chiến lược này, nợ công sẽ từng bước được giảm dần, đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP, trong đó nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Nhu cầu vốn thời gian tới là rất lớn. Riêng phần vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) cần đáp ứng bội chi dưới 4,5% GDP. Sang giai đoạn 2016 - 2020 tương đương khoảng 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP.
Giai đoạn 2011 đến 2015, vốn trái phiếu Chính phủ cần huy động tối đa là 225.000 tỷ đồng, bình quân cần 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn 2016 - 2020, phát hành tối đa 500.000 tỷ đồng trái phiếu trong đó dành khoảng 350.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển và phần còn lại để đảo nợ.
Phần vốn vay để bổ sung cho thực hiện đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong 10 năm 2011-2020 vào khoảng 550.000 tỷ đồng, bình quân sẽ cần tối đa 55.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bích Diệp
0 nhận xét