Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đe dọa giáng trả bằng vũ lực mọi hành động khiêu chiến tiếp theo của Syria, với mục đích giải thoát nhân dân Syria khỏi “một gã độc tài khát máu”.
Đe dọa giáng trả bằng vũ lực
Với lời lẽ quyết liệt, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông tuyên bố: "Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ người dân Syria bằng mọi phương tiện cần thiết, cho đến khi họ được giải thoát khỏi sự áp bức, thảm sát và gã độc tài khát máu cùng với phe cánh của hắn”.
Thủ tướng Erdogan kêu gọi lập đổ Tổng thống Assad. Ảnh REUTERS
Phát biểu trước nhóm nghị sĩ quốc hội của đảng cầm quyền AKP ở Ankara, Thủ tướng Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ không dung thứ hành động khiêu khích của Syria và sẽ giáng trả mọi hành động khiêu chiến tiếp theo của Syria bằng vũ lực.
Ông Erdogan gọi việc Syria bắn rơi chiếc máy bay phản lực F-4 Phantom ngày 22/6b là "có chủ ý" và là "hành động thù địch”. Mặc dù không muốn chiến tranh, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu khoanh tay đứng nhìn các vụ tấn công như vụ bắn hạ chiếc F-4 tuần trước.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Erdogan ngụ ý sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nữa cho phe đối lập Syria. Ông này nói chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã mất tất cả tính hợp pháp và bây giờ chỉ còn là một mối đe dọa không chỉ đối với nhân dân Syria, mà còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO lên án Syria
Theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngày 26/6 và lên án việc Syria bắn hạ bắn hạ chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ là "không thể chấp nhận được". Sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói: "Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động nói trên. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Assad coi thường các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, hòa bình và cuộc sống con người”.
Trả lời câu hỏi NATO sẽ làm gì nếu lại xảy ra một vụ việc tương tự, ông Rasmussen: "Tôi hy vọng vụ việc như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa”, nếu không NATO sẽ "thảo luận về những gì có thể được thực hiện”.
Trong cuộc nổi dậy kéo dài 16 tháng qua, theo Liên Hợp Quốc, có tới 10.000 dân thường bị chết. Trong khi đó, chính phủ Syria cũng nói rằng cuộc xung đột kéo dài này đã khiến cho 2.600 binh sĩ chính phủ bị thiệt mạng.
Bất chấp xung đột leo thang, cho đến nay NATO vẫn tỏ ra khá kiềm chế. So với Lybia, Syria có một quân đội mạnh hơn và một cuộc can thiệp của NATO có thể khiến cho “đám cháy Syria” lan ra toàn bộ khu vực vốn đã bất ổn này.
0 nhận xét