Siêu tên lửa Bulava có sức hủy diệt khủng khiếp trên thực tế đã được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Nga. Đây là thông tin vừa được Tư lệnh Hải quân – Phó Đô đốc Viktor Chirkov tiết lộ ngày 25/6.
“Tên lửa Bulava đã gia nhập vào biên chế của Lực lượng Hải quân. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn phải hoàn tất những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ”, ông Chirkov cho biết.
Theo ông Chirkov, Hải quân Nga sẽ đưa vào hoạt động tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei thuộc dự án 955 Yuri Dolgoruky trước ngày 29/7 tới và tàu ngầm thế hệ thứ tư dài 170m này có thể mang 16 tên lửa Bulava có tầm bắn 8.000km.
Tên lửa Bulava chính thức được biên chế vào kho vũ khí của Hải quân Nga (Ảnh: Ria)
Là tên lửa ba tầng sử dụng nhiên liệu rắn tân tiến nhất của Nga, Bulava có thể mang tới 10 đầu đạn siêu thanh riêng rẽ có điều khiển. Bulava là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Một tên lửa Bulava có sức công phá khủng khiếp gấp 100 lần vụ nổ phá hủy thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Quân đội Nga đã thử nghiệm tên lửa Bulava 18 lần trước khi quyết định đưa tên lửa này vào hoạt động. Nga muốn phát triển Bulava thành tên lửa chiến lược chính của Hải quân Nga và cũng là thứ vũ khí trụ cột trong kho hạt nhân của nước này. Dự án phát triển tên lửa Bulava (SS-NX-30) là một trong những dự án vũ khí đắt nhất của Nga và cũng là một trong những dự án vũ khí gây tranh cãi nhất của Nga.
Nhiều chuyên gia quân sự từng hoài nghi về dự án phát triển tên lửa Bulava sau những lần thử nghiệm ban đầu liên tiếp thất bại. Trong số gần 20 vụ thử tên lửa Bulava, có tới hơn một nửa vụ thất bại. Một số nhà phân tích tin rằng, con số vụ thử tên lửa Bulava thất bại trên thực tế còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên, rất may là những lần thử tên lửa Bulava liên tiếp gần đây đều thành công nên sự hoài nghi về khả năng “sống sót” của loại siêu tên lửa này đã phần nào được dập tắt.
Mặc dù vậy, việc đưa tên lửa Bulava vào biên chế của Lực lượng Hải quân không phải không có khó khăn. Sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc đưa tên lửa Bulava vào phục vụ trong biên chế quân đội hồi đầu năm ngay, đã có ý kiến phản đối.
Chuyên gia quân sự Viktor Baranets từng phát biểu trên tờ nhật báo Kommersant rằng, việc đưa tên lửa Bulava vào sử dụng trong thời điểm hiện tại là hành động “bất cẩn” và “nguy hiểm” bởi tên lửa này chưa được phát triển hoàn thiện. “Trong tình hình hiện nay, tên lửa Bulava có thể nguy hiểm cho Hải quân Nga hơn là cho hải quân của kẻ thù”, ông Baranets nhận định. Bất chấp hoài nghi trên, Nga vẫn quyết định đưa siêu tên lửa Bulava của mình vào “trực chiến”./.
PV/VOV online (tổng hợp)
0 nhận xét