Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
“Chủ tịch nước có quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ”... Là một trong những điểm nổi bật được nêu trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội sáng 29-10.
Mặc dù chưa nhìn thấy toàn văn bản Hiến pháp sửa đổi, nhưng theo những gì báo chí mấy ngày qua đã và đang đưa tin, thì điểm đáng chú ý khiến tôi đặc biệt quan tâm là việc sửa đổi Hiến pháp được tiến hành ngay sau 2 tuần diễn ra Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, điều này dường như mang một ý nghĩa rất mới.
Điều này sẽ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc và đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có đang theo mô hình của một số nước khác với việc trao quyền cho Chủ tịch nước rất lớn?
Một điểm khác đáng lưu ý trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đó là việc “Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ những vấn đề liên quan tới Chủ tịch nước”. Thực tế, những quy định trên không có gì mang tính đột biến so với chế độ hiện hành mà chỉ góp phần nói rõ, cụ thể hơn thôi. Vì xét về nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng do Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu. Như vậy vị trí của Chủ tịch nước rõ ràng cao hơn rồi. Lẽ ra Chủ tịch nước có quyền đề nghị chọn thì đương nhiên có quyền đề nghị bãi miễn.
Theo như những gì mà báo chí đang đưa tin tôi thấy rằng bản Hiến pháp sửa đổi đang tăng quyền cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhưng thực tế, không chỉ riêng Chủ tịch nước, mà từng nhánh quyền lực cũng được thể hiện rõ nét hơn. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, không phải như trước đây thụ động chờ Quốc hội nữa mà chủ động đề xuất chính sách, như vậy là mạnh hơn.
Chủ tịch nước cũng mạnh hơn. Tất cả đều mạnh hơn tự khắc sẽ thành sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính trị. Chứ không phải ông này mạnh lên có nghĩa là bớt đi quyền lực của ông kia. Tất cả đều mạnh qua từng quy định cụ thể. Như người ta nói “Chỉ có phân công một cách rõ ràng, rạch ròi chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, từng người thì mới làm tốt việc giám sát lẫn nhau”.
Bạn đọc Phú Vinh
0 nhận xét