Kết quả hoạt động của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) một tháng sau khi chính thức sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) đã được cập nhật ở một số chỉ tiêu cơ bản.
Theo Quyết định số 1559/QĐ-NHNN ngày 7/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập Habubank vào SHB, thì 28/8/2012 là ngày quyết định có hiệu lực. Đây cũng là ngày những biển hiệu mang tên Habubank được gỡ hẳn trên toàn hệ thống, đánh dấu sự kết thúc của một thương hiệu từng có mặt 20 năm trên thị trường.
Bên cạnh việc xử lý các yêu cầu kỹ thuật về niêm yết và giao dịch cổ phiếu (do cả hai đã niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội), việc lắp ráp các bộ phận của hai "cơ thể" vào với nhau, kết quả hoạt động trong thời gian đầu đã diễn ra như thế nào?
Cuối tuần qua, SHB đã có bản báo cáo cập nhật về các chỉ tiêu chính sau một tháng sáp nhập (28/8 - 28/9/2012), với những kết quả đáng chú ý.
“Tại các chi nhánh Habubank cũ sau khi sáp nhập vào SHB các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, ổn định bởi quá trình sáp nhập đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước, thông tin về quá trình sáp nhập được công bố đầy đủ rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng”, SHB cho biết.
Sáp nhập Habubank vào SHB, các mốc chính:
- 8/3/2012: SHB và Habubank cùng ký “Biên bản ghi nhớ” Số 01/2012/SHB-HBB, thống nhất thực hiện phương thức sáp nhập.
- 28/4/2012: Habubank tổ chức đại hội đồng cổ đông thông qua giao dịch sáp nhập vào SHB.
- 5/5/2012: SHB tổ chức đại hội đồng cổ đông thông qua giao dịch sáp nhập Habubank.
- 15/6/2012: Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 3651/NHNN-TTGSNH, chính thức chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Habubank vào SHB.
- 18/7/2012: Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng số 27/GCN-UBCK cho SHB chào bán 405 triệu cổ phiếu, trong đó 303.750.000 cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu của các cổ đông của Habubank, 101,25 triệu cổ phiếu phân bổ cho các cổ đông hiện hữu của SHB.
- 7/8/2012: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 1559/QĐ-NHNN chấp thuận việc sáp nhập Habubank vào SHB.
- 9/8/2012: Họp báo công bố quyết định 1559/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Habubank vào SHB.
- 17/8/2012: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện hủy niêm yết cổ phần HBB của Habubank để thực hiện hoán đổi cổ phiếu.
- 28/8/2012: Quyết định 1559/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực; SHB thực hiện tiếp nhận toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ với khách hàng, cơ sở vật chất và nhân sự của Habubank. SHB hoàn tất việc phân phối 405 triệu cổ phiếu, niêm yết bổ sung toàn bộ cổ phiếu phát hành thêm và hoàn tất việc nhận sáp nhập Habubank.
Và sau một tháng kể từ thời điểm sáp nhập, đến 28/9/2012 SHB có tổng tài sản tăng 3,6%; tổng nguồn vốn huy động tăng 3,9%; dư nợ cho vay tăng 1,2% so với số liệu hợp nhất tại thời điểm sáp nhập.
Tính lũy kế từ thời điểm sáp nhập 28/8 - 28/9/2012, số lượng khách hàng cá nhân tại SHB tăng thêm là 9.611 khách hàng; số lượng khách hàng tổ chức tăng thêm là 182 khách hàng; số lượng tài khoản cá nhân tăng thêm là 115.592 tài khoản và tăng thêm 2.713 tài khoản của các tổ chức kinh tế.
Một chỉ tiêu quan trọng gắn với thương vụ này là nợ xấu của SHB sau khi sáp nhập sẽ được xử lý như thế nào và có cải thiện được từ nay đến cuối năm hay không?
Bước đầu SHB cho biết, công tác xử lý thu hồi nợ xấu từ thời điểm sáp nhập 28/8 - 28/9/2012 có tiến triển khá tốt; ngân hàng đã thu hồi được 448 tỷ đồng nợ xấu tại các đơn vị trước đây của Habubank. SHB cũng đặt mục tiêu đưa nợ xấu đến cuối năm 2012 của các đơn vị thuộc Habubank cũ xuống dưới 10%, nợ xấu của toàn hệ thống SHB xuống dưới 5%.
Trước đó, số liệu trong đề án cho thấy, ngân hàng sáp nhập tính tại thời điểm 1/3/2012 có tỷ lệ nợ quá hạn lên tới 21,32%, tỷ lệ nợ xấu lên tới 12,88%.
Ngoài các thông tin trên, sau một tháng nhận sáp nhập cũng là thời điểm kết thúc quý 3/2012, dự kiến SHB cũng sẽ công bố bản báo cáo tài chính định kỳ để có thông tin chi tiết hơn về tình hình hoạt động. - vneconomy
0 nhận xét