Nợ công trung bình 762,2 USD/người
Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 13h (giờ Việt Nam) hôm nay (28/9), nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 68,119 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 762,2 USD; nợ công chiếm 49,9% GDP. Cùng thời điểm, nợ công toàn cầu đang ở mức trên 48.947 tỷ USD.
Thông số nợ công trên Global debt clock lúc 13h ngày 28/9/2012
Trước đó, số liệu mà Economist đưa ra, tổng mức nợ công của Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức nợ công trung bình của thế giới. Cụ thể, lúc 15h30 ngày 4/9, nợ công của Việt Nam vào khoảng 67,6 tỷ USD, tương đương 50% GDP, tăng 11,2% so với năm 2011. Mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam đang là 756,9 USD. Còn nợ công toàn cầu 48.771 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong còn cho biết, dịch vụ nợ công Việt Nam tăng. Tính đến 31/12/2012 nợ công sẽ là 58,4% GDP (trong khi cuối năm 2011 là 54,6% GDP). Và dự báo năm 2015 mức nợ sẽ lên tới 65% GDP, trong đó nợ nước ngoài và Chính phủ dưới 50%. Dịch vụ nợ nước ngoài năm 2011 là 12,5% và 2012 là 13,5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Quy mô nợ tăng nhanh
Ông Nguyễn Minh Phong nhận định, có 4 thách thức nợ công của Việt Nam.
Thách thức thứ nhất là quy mô nợ tăng nhanh vượt dự báo. Ông Phong dẫn ra rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%; nợ công là 57,3%. Trong kế hoạch trình Quốc hội, đến 31/12/2011, nợ công là 54,6%, đến 31/12/2012 là 58,4% GDP. Ngày 8/11/2011, Quốc hội đã thông qua nâng trần nợ công Việt Nam đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP và dư nợ quốc gia không quá 50% GDP.
Thách thức thứ hai, điều kiện nợ ngày càng ngặt nghèo hơn: trong tổng nợ công của Việt Nam, cuối năm 2009 vay ODA chiếm tỷ trọng 74,67%, vay ưu đãi chiếm 5,41%, vay thương mại 19,92%.... Sang năm 2010, vay nợ với lãi suất thấp 1-2,99%/năm chiếm khoảng 65,5% tổng dư nợ.
Đặc biệt, các khoản vay có lãi suất cao từ 6-10%/năm trong năm 2010 đã lên tới 1,89 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2009. Hiện các chủ nợ chính của Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Pháp, ADB, WB…
Hệ số an toàn nợ giảm
Thách thức thứ ba là dịch vụ nợ tăng nhanh, hệ số an toàn nợ giảm: dịch vụ nợ nước ngoài của Việt Nam trong năm 2010 là 1,67 tỷ USD, trong đó riêng tiền lãi và chi phí hơn 616 triệu USD, tăng gần 30% so với con số 1,29 tỷ USD của năm 2009.
Nợ nước ngoài của Việt Nam đang lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối (khoảng 14-15 tỷ USD). Năm 2011, dự kiến trả nợ 86.000 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng thu ngân sách nhà nước; năm 2012 sẽ phải trả 100.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng thu.
Trong khi đó, ông Phong cho biết, nợ công của Thái Lan chỉ có 44,1% GDP và dự trữ ngoại hối là 176 tỷ USD; Indonesia, Malaysia nợ công chỉ 26,9% GDP, Philippines 47,3%…
Ông Phong còn dẫn ra rằng, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, hiện nay tổng số dịch vụ nợ (trả nợ cả gốc và lãi) của Chính phủ chiếm khoảng 14-16% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức dịch vụ nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách.
Thách thức thứ tư là đầu tư công chưa hiệu quả là nguồn gốc lớn nhất làm tăng nợ công. Ông Phong lấy ví dụ, Việt Nam hiện có 194 khu công nghiệp, 1643 cụm công nghiệp, 15 dự án khu kinh tế ven biển, ước tính cần hơn 2000 tỷ USD (bằng toàn bộ đầu tư cả nước trong 50 năm nữa) để đầu tư.
Năm 2011, cả nước “lọt lưới” 333 dự án mới sai đối tượng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến hết tháng 8/2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76.000 tỷ đồng và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỷ đồng (thuộc nợ nhóm 5). Nợ xấu của một số ngân hàng cao hơn mức bình quân của toàn ngành là 3,21%/tổng dư nợ.
Xuân Thân/VOV online
0 nhận xét