TQ dạy cho học sinh Trường Sa Hoàng Sa là của...họ

Trả lời phỏng vấn Infonet tại Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông vừa được tổ chức ở Đà Nẵng, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định từ lâu Trung Quốc đã dạy cho học sinh của họ rằng Hoàng Sa, Trường Sa và gần như toàn bộ biển Đông là thuộc chủ quyền của họ!
---> Trung Quốc xây sân bay đòi "nuốt gọn" Trường Sa?

Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet - Ảnh: HC

Tại hội thảo vừa qua (được Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày 18 - 19/8), nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc phỏng vấn riêng về vấn đề dạy - học về chủ quyền biển đảo, lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa trong trường phổ thông hiện nay. Infonet xin giới thiệu đến bạn đọc các ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc để tạm khép lại loạt bài này:

Hiện có nhiều ý kiến bức xúc cho rằng việc dạy - học trong trường phổ thông về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa còn quá mờ nhạt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước đây chúng ta chưa làm là chúng ta sai lầm. Tôi phải nói rõ là Trung Quốc có ý thức này từ lâu rồi, không chỉ với biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa mà trên đất liền cũng vậy thôi. Khi đến các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc, tôi thấy ở bên kia biên giới người ta đưa học sinh đến chỉ trỏ, nói về bên này. Tôi hỏi các chiến sĩ biên phòng thì được biết là họ vẫn đưa học sinh đến và luôn nói rằng vùng đất kia của họ chứ không phải của mình, mà Việt Nam lấn của họ. Tức là họ đưa vào trong não bộ của học sinh ngay từ lúc trẻ nhỏ cái ý thức, nhận thức như thế để chuẩn bị cho những ý đồ lâu dài.

Trong khi đó, chúng ta quá..., tôi không dùng chữ "ngây thơ" nhưng phải nói là chúng ta quá đơn giản, không thấy ý thức trách nhiệm trong việc đào tạo cho thế hệ trẻ ý thức về chủ quyền lãnh thổ dân tộc của mình. Không phải tự nhiên ông cha ta xưa kia luôn luôn coi Văn, Sử, Triết là 3 kiến thức cơ bản nhất để đào tạo con người. Giờ đây chúng ta có rất nhiều nhu cầu về kiến thức khác, đặc biệt là khoa học công nghệ. Nhưng chúng ta đừng quên rằng cái căn bản đối với mỗi một con người của mỗi một quốc gia chính là những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, nhân văn.
Vậy theo ông, việc dạy - học lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa ở trường phổ thông nên được tiến hành như thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi muốn đặt vấn đề rộng hơn, vì một trong những ý thức con người về đất nước của mình là lãnh thổ. Bên cạnh đó là bề dày lịch sử phát triển. Trong lãnh thổ có vấn đề biển đảo, đó là điều đương nhiên. Chúng ta đều biết, trong lịch sử thì lãnh thổ của Việt Nam bắt đầu từ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ và có một quá trình Nam tiến của dân tộc. Cần trang bị cho tất cả học sinh cũng như mọi công dân Việt Nam biết được quá trình hình thành lãnh thổ ấy và nó được hình thành trên một nền tảng của lịch sử, để xây dựng được một ý thức về cơ sở pháp lý của chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, trong đó có biển đảo.

Vì thế tôi nghĩ rằng trong chương trình giảng dạy kể từ phổ thông, theo lộ trình từ lớp thấp lên lớp cao, phải làm sao trang bị được cho học sinh, những công dân của tương lai, một nhận thức đầy đủ về dân tộc của mình, trong đó có lãnh thổ dân tộc, trong lãnh thổ dân tộc có biển đảo, và trong biển đảo có Hoàng Sa, Trường Sa.

Như thế, tuy vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đang là vấn đề nổi cộm hiện nay cần có sự quan tâm của mọi người nhưng chúng ta phải đặt trong tổng thể quá trình diễn tiến của lịch sử như thế thì sẽ rất biện chứng và mang lại niềm tin cho những người Việt Nam về chủ quyền lịch sử và cơ sở pháp lý của chủ quyền ấy.

Giới trẻ Đà Nẵng tìm hiểu về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: HC

Ông vừa nói Hoàng Sa, Trường Sa đang là vấn đề nổi cộm. Nhưng hiện nay việc giáo dục cho học sinh phổ thông về vấn đề này lại còn khá mờ nhạt?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chính vì vậy mà tôi muốn sớm đưa vấn đề này vào sách giáo khoa (SGK), vì đây là kiến thức cơ bản, nhưng nằm trong tổng thể quá trình hình thành lãnh thổ dân tộc. Vì lãnh thổ dân tộc này, tôi nghĩ rằng có một thời kỳ chúng ta có phần mặc cảm, phải chăng là quá trình Nam tiến của dân tộc dẫn đến việc chúng ta mở những không gian mới trong lịch sử?

Chuyện đó là bình thường, mà thực ra nếu nghiên cứu kỹ lịch sử thì đó là một quá trình dân tộc chúng ta vươn về phương Nam, đồng thời cũng tiếp nhận những văn hoá bản địa ở đó và làm phong phú thêm cho cộng đồng văn hoá dân tộc Việt Nam. Anh phải lý giải được cái đó và trang bị kiến thức đó để học sinh vượt lên những nhận thức sai lầm về quá trình phát triển lãnh thổ dân tộc. Nói cách khác, chúng ta đương nhiên phải đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK nhưng phải nằm trong tổng thể quá trình hình thành lãnh thổ dân tộc, chứ không chỉ vì bây giờ nổi cộm mà mình mới đưa.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì phải đến năm 2015, khi biên soạn SGK mới thì mới đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào. Ông thấy thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ý kiến của tôi cũng giống ý kiến của GS-TS Nguyễn Thị Côi (ĐH Sư phạm Hà Nội), nghĩa là ta nên có ngay chứ việc gì mà phải chậm chạp, quan liêu đến như thế? Chúng ta chỉ cần xây dựng một kiến thức cơ bản trên cơ sở có đóng góp của các nhà sử học, đóng góp của bên cơ quan ngoại giao cho thích hợp. Từ đó xây dựng chương trình, đưa vào các tiết học và có thể bồi dưỡng thêm phương pháp theo hệ thống của ngành giáo dục.

Việc này cần làm càng sớm càng tốt và tôi cho là nên có nhiều phương tiện hỗ trợ, ví dụ như việc xây dựng sớm đưa lên mạng để cho học sinh, giáo viên tham khảo, phục vụ cho công tác dạy, học của ngành. Chả việc gì phải chậm trễ trong việc này cả, chả phải chờ đến năm 2015, chả phải chờ đến lúc sửa đổi SGK. Chương trình này hoàn toàn có thể đưa ngay vào đời sống, ngay trong năm học sắp tới.
Nếu chúng ta cứ tiếp tục chậm chạp trong vấn đề này thì điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Việc sớm đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường sẽ giúp học sinh của chúng ta có được một nhận thức đầy đủ, như thế thì hành vi của các cháu, ứng xử của các cháu sẽ đúng mức hơn, thích hợp hơn, phù hợp với quan điểm của Nhà nước ta. Chứ nếu chúng ta cứ để mù mờ như thế này thì các cháu sẽ mất phương hướng, hoặc lệch sang cực này hoặc cực kia. Trách nhiệm chính trong việc này là trách nhiệm của nhà nước!

Xin cám ơn ông!
//-----------------------------------------------//

Nên đưa kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK như thế nào?

Lịch sử chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn lợi và khẳng định chủ quyền của nhà Nguyễn từ thế kỷ XVII - XVIII... Nhận thức của HS về vấn đề này còn ít ỏi một phần là do chúng ta không trang bị đầy đủ.

Về việc đưa kiến thức liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào SGK nên biên soạn theo tiến trình: Lịch sử nhà Nguyễn từ thế kỷ XII - XVIII phải có những hoạt động khai thác, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; sự kiện dựng bia chủ quyền (1938 - 1956) thời Pháp, thời Mỹ; sự kiện tổ chức hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành các đơn vị hành chính trực thuộc các tỉnh, thành; hay sự kiện Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003...

Giáo dục về chủ quyền biển đảo đòi hỏi kiến thức tích hợp của địa lý tự nhiên, môi trường, lịch sử và giáo dục ý thức công dân. Đối với hoạt động ngoại khoá rất cần thiết huy động kiến thức này!

(TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Sở GD-ĐT Khánh Hoà)
HẢI CHÂU
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top