Giàn công nghệ trung tâm Hải Thạch của PVN được hạ thủy sáng 27-6 tại TP Vũng Tàu -Ảnh: Đông Hà
- Sau khi Trung Quốc chào thầu các lô trong thềm lục địa Việt Nam, PVN có thư gửi Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), đến nay đã có phản hồi gì chưa? Bước tiếp theo của PVN là gì?
- Ngay sau khi Trung Quốc mời thầu, PVN đã có thư cho CNOOC và gửi thư cho tất cả nhà thầu đang hoạt động dầu khí tại Việt Nam. PVN khẳng định các lô mời thầu không có giá trị vì nằm trên thềm lục địa Việt Nam, thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, đã được khẳng định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Phía Trung Quốc chưa có hành động gì khác ngoài việc chào thầu. Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Các lô dầu khí hợp tác với Ấn Độ, Mỹ, Nga vẫn triển khai bình thường.
- Chín lô dầu khí mà Trung Quốc chào thầu, PVN có tiến hành các hoạt động thăm dò không? PVN có phối hợp với cơ quan nào để đảm bảo sẽ hoạt động bình thường?
- Chúng tôi đã ký hợp đồng với ba công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu khí ở Mỹ, Nga và Ấn Độ. Tôi khẳng định trước kế hoạch năm 2012 này làm gì với chín lô dầu khí ấy thì giờ vẫn thực hiện như vậy. Chúng tôi đã làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng hiểu rất đúng và ủng hộ chúng ta bởi các lô dầu khí đó thuộc quyền chủ quyền và trong thềm lục địa của Việt Nam theo đúng công ước quốc tế. Họ đang làm việc bình thường. Tuy nhiên, PVN luôn chuẩn bị tất cả phương án để đảm bảo sản xuất và chúng tôi cũng có phương án phối hợp với các cơ quan chức năng.
- Theo quy định, PVN phải trình đề án tái cơ cấu. Hướng tái cơ cấu của PVN sẽ thế nào?
- Chúng tôi đã hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2012-2015 trình Thủ tướng Chính phủ ngày 28-3-2012 theo đúng tiến độ. Hướng là PVN sẽ chỉ tập trung năm lĩnh vực kinh doanh chính: thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí kỹ thuật cao. Tất cả những lĩnh vực khác sẽ thoái vốn từ nay đến năm 2015. Đề án PVN đưa ra, cơ bản các bộ, ngành đều đồng tình. Chỉ còn vài điểm nhỏ, dự kiến PVN sẽ tiếp thu và đến nửa đầu tháng 7 sẽ chính thức trình để phê duyệt.
- PVN là tập đoàn dẫn đầu trong đầu tư ngoài ngành với ít nhất hơn 5.000 tỉ đồng vào tài chính, bảo hiểm? Sau khi tái cơ cấu, PVN sẽ bớt đi bao nhiêu công ty con, bao nhiêu công ty cháu?
- Có những lĩnh vực mà nói PVN đầu tư ngoài ngành thì tôi cũng băn khoăn, như đầu tư ở Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI), Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVFC). Như PVFC có nhiệm vụ thu hút vốn cho PVN, rất cần thiết, nó cũng không sinh ra từ những năm 2006-2007 theo phong trào mà có trước đó. Vì thế chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho phép PVN không thoái vốn hoàn toàn, vẫn giữ lại 20%.
Sau khi tái cấu trúc, PVN sẽ còn 14 tổng công ty con. Còn các công ty cháu, PVN sẽ yêu cầu công ty con rà soát, theo hướng chỉ tập trung năm lĩnh vực kinh doanh chính.
- Đã có báo cáo của ban xây dựng thuộc PVN khẳng định Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) chủ yếu làm trung gian, đang mất cân đối tài chính, sử dụng vốn sai mục đích? PVN sẽ xử lý thế nào?
- Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhiều công ty xây dựng lâm vào khó khăn. PVC là công ty xây dựng nên đúng là có khó khăn. Nhưng tôi chưa nghe công ty này lâm vào mất cân đối tài chính. Nói mất cân đối tài chính chỉ là thông tin, còn có các đơn vị kiểm toán, cơ quan khác kiểm tra xác minh. Nhưng đúng là sáu tháng đầu năm PVC có lỗ, doanh thu không hoàn thành.
CẦM VĂN KÌNH
Theo bienphong.com.vn
0 nhận xét