Hôm nay (ngày 4/7) tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác 6 tháng của ngành Kế hoạch và Đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2012 – 2015.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trước những tác động của thế giới và trong nước thì những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2012 là thành tựu đáng ghi nhận.
Tỷ giá - điểm sáng của 6 tháng đầu năm
Một trong ba điểm sáng nổi lên đó là tỷ giá được giữ ổn định và dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, tính đến nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt chuẩn 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2008 nhiều ý kiến quan ngại về tình hình dự trữ ngoại hối giảm sút, đặc biệt trong bối cảnh có khả năng các nhà đầu tư gián tiếp sẽ rút 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối; song Việt Nam đã khẳng định dự trữ ngoại hối hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đó và dự trữ ngoại hối thời điểm đó đang là 23 tỷ USD.
Và đến cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tụt xuống còn 9 tỷ USD, nhưng đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm nay với mức tăng thêm là hơn 10 tỷ USD.
Kết quả này có được trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng khá với mức tăng 22%, trong khi nhập khẩu giảm, đồng thời tỷ giá được giữ ổn định.
GDP năm nay chỉ đạt khoảng 5,2 – 5,7%
Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận: “Năm nay sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5%, nhưng trong bối cảnh ưu tiên hàng đầu là ổn định vĩ mô thì Chính phủ chưa đề cập vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao hiện đã đạt được 14 chỉ tiêu, chỉ có 1 chỉ tiêu duy nhất là GDP chưa đạt (Quốc hội thông qua GDP năm 2012 là 6 – 6,5%) nhưng không đạt là có lý do.
Trong 6 tháng cuối năm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP của năm 2012 có thể đạt mức 5,2 – 5,7% và theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đây là mức tăng hợp lý.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng để đạt được mục tiêu này thì phải tháo gỡ các khó khăn hiện nay của sản xuất kinh doanh, trong đó trọng tâm hàng đầu là sản xuất nông nghiệp vì đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng nhưng người nông dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, trong khi đó ngân hàng lại thừa vốn.
“Hôm qua, tôi đã ngồi làm việc với Thống đốc NHNN và yêu cầu đơn vị này cần khẩn trương đưa ra 20 – 30 ngàn tỷ tái cấp vốn với lãi suất 0% cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước Hội nghị.
Một lo lắng cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ trước Hội nghị đó là thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay không đạt kế hoạch đề ra (42%). Nếu năm nay không đạt 20 ngàn tỷ thì không cân đối được thu chi. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm những khoản quy định phải thu, thủ đủ, thu đúng chứ không phải là tận thu. Nếu không thực hiện đúng kế hoạch thu ngân sách mọi kế hoạch kinh tế sẽ bị đảo lộn.
Năm 2013 GDP sẽ vẫn là 6 – 6,5%
Chính phủ cũng xác định năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Vì tính chất quan trọng này, năm 2013 sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5% để tạo đà cho những mức tăng cao hơn trong các năm 2014, 2015, từ đó đạt mục tiêu trung bình tăng trưởng 7% mỗi năm cho cả giai đoạn 2011-2015.
Năm 2013 Chính phủ cũng đặt mục tiêu lạm phát ở mức 5 - 6%, nhập siêu không quá 10%, ổn định tỷ giá theo thị trường.
Nếu năm 2013 lạm phát 5 – 6% thì lãi suất cho vay chỉ khoảng 10 -11% - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Năm 2013 đầu tư toàn xã hội không tăng nhiều khoảng 34% GDP, trong đó từ ngân sách (trái phiếu CP) khoảng 20% còn lại 80% phài tìm các nguồn khác nên cơ chế chính sách phải thông thoáng để thu hút các nguồn lực bên ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy ví dụ về việc giảm dần vốn ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xây dựng bản “Mọi năm đầu tư xây dựng cơ bản là 35%, năm nay là 19%, các năm sau là 17 – 18%...”
Khánh Linh
Theo TTVN
0 nhận xét