Biểu tình ở Việt Nam, liên quan đến các xung đột trên biển Đông diễn ra theo một kịch bản gần như không đổi kể từ 2007.
Bài viết của tác giả Simacai gửi REDS.VN.
Mô típ lặp lại và thông điệp ngầm
Bao giờ cũng vậy, các cuộc biểu tình đều bắt nguồn từ việc Trung Quốc có hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam (1). Sau đó, Nhà nước lên tiếng phản đối để thông báo cho toàn dân biết điều này. Trong dư luận hình thành làn sóng phẫn nộ với hành động hỗn xược của Trung Quốc, người dân có nhu cầu biểu thị tình cảm ái quốc và biểu tình là một lựa chọn. Hào hứng với cách thức này nhất là nhóm những người có tư tưởng chống đối nhà nước. Đây cũng là thường là nhóm tích cực kêu gọi tổ chức biểu tình (2). Tiếp đó, các cuộc biểu tình (thường có hơn một cuộc) diễn ra với sự tham gia của cả phái “chống nhà nước” – và những người – tạm gọi là phái “thân nhà nước” – ghét Trung Quốc, nhưng không chống chế độ.
Ảnh minh họa
Trong các cuộc biểu tình này, mọi người thường hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc mạnh mẽ như “Trung Quốc, hàng xóm to xác xấu bụng”, “Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường”, “Biển Đông của chúng ta không phải ao nhà của nó”… (Có những khẩu hiệu nặng nề hơn theo “style” của những năm 1980 không hợp lắm với tình hình biển đảo nên người viết không nêu ra ở đây). Tuy ít, nhưng các khẩu hiệu cũng được viết bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh và tiếng Trung) như “Say NO to U-line, Say YES to UNCLOS”, China, stop invading Vietnam, Paracel Islands & Spratly Islands belong to Vietnam… Các khẩu hiệu này, đôi khi, còn sai chính tả hay ngữ pháp. Ví dụ như nhà báo Xuân Bình từng diễn tả khẩu hiệu “Paracel Islands & Spratly Islands belong to Vietnam” rất đơn giản là “Hoang Sa, Truong Sa of Vietnam”.
Trong các cuộc biểu tình, những người thuộc phái “chống nhà nước” luôn chăm chăm lồng ghép các nội dung chống Nhà nước để đạt mục đích chính trị của họ. Ví dụ, năm 2007, sinh viên Kim Duy (người tự xưng là cháu ngoại ông Kim Ngọc, cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc) đã trưng bức tranh châm biếm cả Trung Quốc lẫn Nhà nước Việt Nam. Năm 2011, người ta trưng biểu ngữ “Vì đâu nên nỗi?”. Còn năm 2012 là biểu ngữ “Hãy ‘hành động’ xứng đáng với tiền thuế của dân”…
Điểm thú vị ở chỗ, các cuộc biểu tình luôn diễn ra vào chủ nhật, ngày mà mọi người được nghỉ – gồm cả lực lượng chức năng – bất chấp sự kiện khơi mào cho nó diễn ra từ đầu tuần, thậm chí tuần trước nữa. Ban đầu, các cuộc biểu tình này được tạo điều kiện và diễn ra êm thấm. Lực lượng chức năng không can thiệp, không để xảy ra va chạm. Thậm chí, ở Hà Nội, họ còn phân luồng giao thông để đoàn người biểu tình tuần hành qua các con phố, hoặc đi trên vỉa hè (năm ngoái) hoặc đi dưới lòng đường (năm nay). Đến gần trưa thì đoàn người biểu tình tự giải toán hoặc được thuyết phục giải tán.
Tuy nhiên, khi biểu tình tái diễn nhiều lần, nó không nhận được những ưu đãi như thế nữa. Các lực lượng chức năng thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ để giải tán từ rất sớm. Họ phân tách đoàn người biểu tình thành các nhóm nhỏ, thuyết phục và đôi khi cưỡng chế đối với những người muốn tiếp tục biểu tình (thường là người phái “chống nhà nước”).
Một số ý kiến cho rằng, qua hành động của lực lượng chức năng có thể đoán được thái độ của Nhà nước với hoạt động biểu tình. Khi có sự ủng hộ ngầm, các lực lượng chức năng đảm bảo cho biểu tình được diễn ra suôn sẻ. Khi không “bật đèn xanh”, biểu tình nếu được khơi lên thì cũng diễn ra rất ngắn ngủi. Năm 2011, lần đầu tiên Thông tấn xã Việt Nam phá tan sự im lặng vốn có của truyền thông Nhà nước với các cuộc biểu tình bằng cách gọi đây là hoạt động tự phát, “tụ tập để thể hiện lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”. Dù không công nhận, hoặc chỉ công nhận ở mức thấp như trên, nhưng với nhiều người, rõ ràng Nhà nước đã có động thái ủng hộ biểu tình bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Với thông điệp được cho là kín đáo này, phái “thân nhà nước” khá nhạy cảm. Khi nhận biết, họ tự nguyện giải tán hoặc không tham gia ngay từ đầu. Còn những người thuộc phái “chống nhà nước” luôn tìm cách kéo dài các cuộc biểu tình và cách chống lại sự điều hành trật tự trị an. Đôi lúc sự lì lợm này đã gây ra các vụ đụng độ. Năm 2011, một người biểu tình tên Đức, sống ở khu ĐH Bách Khoa, Hà Nội bị một người khác – mặc thường phục – đạp vào mặt. Những sự vụ như vậy, dù chẳng ăn nhằm gì với hoạt động trấn áp biểu tình ở nước ngoài, được phái “chống nhà nước” và các đài báo phương Tây hướng địa phương ưu tiên thổi phồng, cốt đào sâu ngăn cách giữa người biểu tình với lực lượng chức năng và làm xấu hình ảnh Nhà nước.
Trong các mô tả của phái này, lực lượng chức năng là “những kẻ bán nước”, còn những người bị khống chế và cách ly khỏi hoạt động biểu tình như yếu tố bất ổn tiềm tàng thường được tôn vinh như những anh hùng. Năm 2007, một em học sinh tên Huyền Hương bị tạm giữ (không quá nửa ngày) được báo đài Hải ngoại vinh danh là “xứng danh con cháu Bà Trưng – Bà Triệu”. Còn trong năm 2011, một người phụ nữ nên tên Minh Hằng được phái “chống nhà nước” bầu chọn là “nhân vật của năm”. Người này từng hùng hồn tuyên bố yêu nước bằng cả “máu trên và máu dưới”. Trên hai vai bà ta còn săm chữ “nợ nước” – “thù nhà” (sau người ta mới hiểu ý nghĩa cao siêu của mấy chữ đó là “cục nợ của đất nước” và “kẻ thù của gia đình”).
Tóm lại: Đầu tiên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Nhà nước lên tiếng phản đối, phái “chống nhà nước” nhân dịp kích động biểu tình. Biểu tình nổ ra với sự tham gia của “chống nhà nước” lẫn “thân nhà nước”. Trong khi “thân nhà nước” biểu tình trong khuôn khổ thì phái “chống nhà nước” luôn tìm vượt quá, gây rối và chống lại người thi hành công vụ. Các năm 2007, 2011, 2012 đều diễn ra như vậy.
Ảnh minh họa
Con dao hai lưỡi
Những sự kiện hiếm hoi như vậy trong đời sống chính trị – xã hội Việt Nam sẽ luôn được truyền thông quốc tế săn đón. Trong khi các xuất bản phẩm hướng địa phương (BBC, RFA, RFI tiếng Việt…) tìm cách khoét sâu quan hệ Nhà nước – người biểu tình thì các xuất bản phẩm quốc tế (tiếng Anh) thường tập trung vào những mâu thuẫn giữa Việt Nam – Trung Quốc và đặt nó trong bối cảnh địa chính trị khu vực. Trong đó, Trung Quốc được mô tả như kẻ bắt nạt to xác. Bị phản đối, vì những hành vi sai trái, dù ở đâu, cũng là mất thể diện, đây là điều tối kỵ với một quốc gia đang tô vẽ cho mình sự “trỗi dậy hòa bình” như Trung Quốc.
Bên cạnh nỗ lực đa quốc tế hóa đề biển Đông, hiện đại hóa quân đội để tạo thế răn đe (thậm chí, bí mật thực thi các biện pháp vũ lực bảo vệ chủ quyền), đầu tư nhiều tiền của cho các đảo tiền tiêu ở Trường Sa, việc thả cho cuộc biểu tình đầu tiên nhưng lại thu hẹp dần các cuộc biểu tình tiếp theo, Nhà nước Việt Nam vừa xả bớt sự giận dữ của dư luận trong nước đối với các hành vi gây hấn của Trung Quốc, vừa làm bẽ mặt Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế nhưng lại không cho nước này cái cớ leo thang.
Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình là hàn thử biểu thăm dò thái độ của người dân, nhất là tầng lớp thanh niên, tới các vấn đề quốc gia đại sự cũng như sự tin tưởng đối với chế độ và cả mẫn cảm công dân của họ. Thông qua các cuộc biểu tình, tinh thần ái quốc và lòng tự hào dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ, giống những gì mà BBC mô tả về cuộc biểu tình năm 2007 – người viết không nhớ chính xác nhưng đại ý là – “lần đầu tiên, tình cảm ái quốc của thanh niên xứ này vốn chỉ thể hiện qua các giải bóng đá có đội tuyển quốc gia tham dự, nay đã chuyển sang vấn đề trọng yếu của an ninh quốc gia”.
Trên mạng còn có những tranh cãi bất tận về việc “nên hay không nên tham gia biểu tình”. Trong số những người trả lời không, ngoài người bàng quan, số còn lại đặt trọn niềm tin chính trị của họ vào sự chỉ đạo (ra mặt) của Nhà nước. Những người trả lời có, ngoài phái “chống nhà nước”, là những người muốn giải tỏa tâm lý chống Trung Quốc, biểu lộ tinh thần yêu nước của họ một cách công khai. Bên cạnh đó, cũng có người băn khoăn giữa hai dòng nước vì đi biểu tình ở Việt Nam vẫn là điều nhạy cảm (bởi chưa có văn bản luật tạo hành lang pháp lý thực hiện hoạt động này). Thêm vào đó, nỗi sợ “bị lợi dụng” như con ngáo ộp ám ảnh nhiều người. Dù vậy, những người tham gia biểu tình từng thể hiện “sức đề kháng khá cao” với các âm mưu lợi dụng. Năm 2007, trong cuộc biểu tình thứ hai (16/12), các thành viên diễn đàn Tathy đã đá đít, tống cổ (theo nghĩa đen của những từ này) Phạm Hồng Sơn, một nhân vật bất đồng chính kiến khỏi đoàn biểu tình. Họ biết, sự xuất hiện của Sơn không đảm bảo an toàn cho cuộc tuần hành của những người yêu nước chân chính. Tuy nhiên, “sức đề kháng” là một đại lượng biến thiên. Trong cuộc biểu tình 1/7/2012, sự thiếu vắng các thành viên phái “thân nhà nước” là dịp để phái “chống nhà nước” lấn lướt và trương các khẩu hiệu có ý chỉ trích Nhà nước. (Trong lần biểu tình này, các biểu ngữ chống Trung Quốc tuy nhiều, nhưng lại hết sức khiêm tốn về hình thức).
Từ những ghi nhận trên đây, có thể đưa ra một số nhận định, biểu tình ở Việt Nam liên quan đến xung đột trên biển Đông là chuỗi những “kích thích – đáp ứng” đi từ đối ngoại tới đối nội. Nhà nước, vì muốn kiềm chế sự hung hăng Trung Quốc nên đã để vài cuộc biểu tình diễn ra (thường chỉ là cuộc biểu tình đầu tiên). Phái “chống nhà nước” thường nhân cơ hội này để lồng ghép các nội dung chỉ trích Nhà nước và nỗ lực kích động tăng số lần biểu tình, gây rối, phá hoại trật tự trị an, tiến tới bạo loạn lật đổ. Một phần, do thái độ cực kỳ năng nổ của phái “chống nhà nước” đối với biểu tình, một bộ phận dân chúng mạnh dạn hơn thể hiện nhu cầu bày tỏ quan điểm chống Trung Quốc. Khi tham gia các hoạt động này, họ có thể tỉnh táo và làm chủ tình hình như những gì diễn ra hồi năm 2007 nhưng nếu không đủ lượng để biến đổi thành chất, họ dễ bị bất lực và chìm nghỉm trong chuẩn bị, tính toán và lấn lướt như những gì diễn ra ngày 1/7 vừa rồi.
Tựu chung lại, biểu tình là công cụ điều tiết của Nhà nước để đối phó với Trung Quốc nhưng lại là một con dao dễ làm đứt tay người sử dụng. Nếu như những lần trước, bài “thả cho biểu tình lần đầu, ngăn các cuộc biểu tình lần sau” phát huy hiệu quả công kích Trung Quốc, thì đến nay, nó cần thêm chất xúc tác để bảo đảm biểu tình diễn ra mà Nhà nước không chịu cảnh gậy ông đập lưng ông.
SIMACAI
____________________________________________
Ghi chú:
(1) Năm 2007, cuộc biểu tình ngày 9/12 và 16/12 bắt nguồn từ việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là đơn vị hành chính Tam Sa.
Năm 2011, các cuộc biểu tình (hơn 10 cuộc, bắt đầu từ ngày 5/6) bắt nguồn từ việc Trung Quốc cho tàu phá hoại hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Năm 2012, cuộc biểu tình ngày 1/7 diễn ra sau khi Trung Quốc tuyên bố nâng cấp cái gọi là đơn vị hành chính Tam Sa lên cấp thành phố. Đồng thời, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tiến hành mời thầu trái phép 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế gọi đây là âm mưu biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm hiện thực hóa đường 9 đoạn “liếm trọn” biển Đông (U-line hay còn gọi là “đường lưỡi bò”)..
(2) Đôi khi, để kiếm cái cớ biểu tình, nhóm này còn núp bóng các phát ngôn của quan chức Nhà nước. Năm 2011, phái này lấy việc ủng hộ Thủ tướng Việt Nam đề xuất xây dựng Luật Biểu tình để có cớ xuống đường gây rối. Năm 2012, phái này kêu gọi biểu tình để “ủng hộ Luật Biển Việt Nam vừa được thông qua”.
Theo Reds.vn
0 nhận xét