Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Nhiều blog lợi dụng dân chủ

Đối thoại trực tuyến với nhân dân chiều 12/6, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận định: Có nhiều blog lợi dụng sự dân chủ, lợi dụng thuận lợi trong tác nghiệp trên mạng, lợi dụng việc chúng ta chưa có điều kiện chế tài quản lý các blog, dẫn tới có những hành vi vi phạm đạo đức...


Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Không có báo lá cải

Trước băn khoăn của độc giả Thái Thị Ngọc Lan (Ninh Bình) về "hiện tượng một số tờ báo tranh luận chỉ trích nhau là lá cải, làm hao mòn niềm tin của người đọc", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân.

"Chúng ta không có báo lá cải", ông Son nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến cho rằng báo phải “lá cải” một chút để tăng doanh thu, Bộ trưởng Son cho rằng "đó là vi phạm đạo đức người làm báo, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi chữ tín lâu dài". Những hiện tượng như giật tít câu khách, đưa tin không đúng sự thật... cần phải được kiên quyết chấm dứt trong thời gian tới.

"Trong điều kiện khó khăn chung, nhiều cơ quan báo chí cũng có khó khăn. Nhưng các nhà báo, các cơ quan báo chí vẫn giữ vững và phát huy vai trò, tác dụng của mình, không có cạnh tranh", ông Son nói. "Dĩ nhiên, có nơi có lúc chúng ta vẫn phải đấu tranh trong nội bộ để nền báo chí lành mạnh hơn, hiệu quả hơn".

Độc giả Trần Viết Lân (Hải Phòng) thì lo ngại về một số vụ việc tiêu cực, phóng viên viết bài sai lệch sự thật nhằm mục đích không trong sáng, thậm chí vi phạm pháp luật và đã bị xử lý, trong khi "báo chí và phóng viên đáng nhẽ phải là những tấm gương tốt đối với xã hội".

"Việc sai phạm trên là sự thật và thời gian vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng như Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh, thành cũng đã quyết liệt xử lý, tuy nhiên vẫn còn có những hạt sạn trong hoạt động tác nghiệp báo chí", ông Son nói.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ ra hiện cả nước có 17.000 nhà báo được cấp thẻ, là những nhà báo được đào tạo về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, cập nhật được hoạt động tác nghiệp báo chí hiện đại ngày nay.

"Nhưng cũng có một số ít nhà báo có hành vi tiêu cực và đã bị xử lý nghiêm minh. Cụ thể, trong năm 2008, chúng ta đã thu thẻ 15 nhà báo, trong đó có tổng biên tập, phó tổng biên tập. Năm 2010 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo…", Bộ trưởng cho biết.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Chưa chủ trương lập tập đoàn báo chí

Trước của hỏi của độc giả Ngọc Hà (Hải Phòng) về việc liệu Bộ Thông tin - Truyền thông có ý định tư nhân hóa báo chí hoặc cho thành lập Tập đoàn báo chí không, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định luật Báo chí ghi rõ, báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân.

"Như vậy, đến giờ phút này, không có báo tư nhân trong xã hội ta", Bộ trưởng Son nói.

"Còn tập đoàn báo chí là mô hình đã xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Hiện, tại Việt Nam, một số cơ  quan báo chí đang có tới 2, 3, 4 loại hình báo chí, nhưng chúng ta chưa có tập đoàn báo chí. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng xin khẳng định chúng tôi chưa có ý định hoặc đề xuất, chủ trương hình thành tập đoàn báo chí", ông Son nói

Độc giả Hải Hường (Gia Lai) lại băn khoăn trước tình trạng một số blog, trang mạng cá nhân thường xuyên đăng viết bài nói ngược lại chủ trương đường lối, bài xích cá nhân, đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng blog có cả mặt tốt và mặt chưa tốt. "Các blog, trang thông tin điện tử là những công cụ hữu hiệu để tương tác giữa độc giả với nhau, người dân với người dân, người dân với các tổ chức chính quyền các cấp, các địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển bùng nổ thông tin, để chúng ta có thể tìm hiểu, hiểu biết xã hội quốc tế, trong ngoài nước, có cơ hội để nắm nhiều thông tin hơn, giao dịch với nhiều đối tượng khác trong xã hội, nâng cao học tập hiểu biết… Đấy là mặt đúng, tốt của nó", ông Son nói.

"Nhưng ngược lại, trong sự phát triển này, có nhiều blog lợi dụng sự dân chủ đó, lợi dụng thuận lợi trong tác nghiệp trên mạng, lợi dụng việc chúng ta chưa có điều kiện chế tài quản lý các blog, dẫn tới có những hành vi vi phạm đạo đức của công dân, ảnh hưởng tới quyền tự do chân chính của người khác", Bộ trưởng Son nhận định.

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, đây là hành vi không chỉ luật Báo chí mà phải cả các luật khác có chế tài xử lý. "Về phía cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi hiện đã và đang đang soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định 97 về quản lý hoạt động trên Internet, trong đó có quản lý Internet, game online và blog", ông Son nói. "Trong quá trình xây dựng chắc chắn sẽ xin ý kiến độc giả".

Chung Hoàng
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top