Một người dân ở Cồn Dầu cho rằng diện tích đất đo đạc thu hồi, đền bù cho gia đình bà ít hơn so với thực tế - Ảnh: Hữu Khá
Cuộc đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung trong việc thu hồi đất khi một bộ phận người dân vẫn chưa đồng tình.
Dân muốn tái định cư tại chỗ!
"Quan điểm của lãnh đạo TP là khi thực hiện giải tỏa, cuộc sống người dân phải tốt hơn. Nếu có hộ nào vì giải tỏa mà nghèo khó, không lối thoát thì đến gặp trực tiếp bí thư Thành ủy, không gặp được ở cơ quan thì gặp ở nhà riêng sẽ được tiếp và giải quyết rốt ráo"
Ông NGUYỄN BÁ THANH (bí thư Thành ủy Đà Nẵng)
68 hộ dân có mặt tại cuộc đối thoại là những gia đình đã hai năm qua chưa chịu bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư và nhận tiền đền bù giải tỏa. Việc người dân không chịu bàn giao mặt bằng đã gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Người dân chưa nhận tiền đền bù vì họ cho rằng việc phân đất tái định cư chưa phù hợp và cũng có những trường hợp chủ hộ bỏ đi khỏi địa phương hoặc vướng mắc về thủ tục pháp lý đất đai.
Tại cuộc đối thoại, ông Thái Văn Liên - một người dân ở Cồn Dầu - cho biết việc áp giá đền bù đối với diện tích đất gia đình ông bị thu hồi là chưa thỏa đáng. Ngoài ra, ông Liên cho rằng nguyện vọng của ông và nhiều giáo dân muốn được TP bố trí đất tái định cư tại chỗ, gần khu vực nhà thờ để tiện sinh hoạt.
Tiếp lời ông Liên, nhiều hộ dân là giáo dân cũng có nguyện vọng muốn được tái định cư tại chỗ, gần nhà thờ. Ngoài ra, các hộ dân còn đưa ra nhiều kiến nghị về việc xin đổi diện tích đất vì sau khi bị Nhà nước thu hồi đất, gia đình họ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Ông Nguyễn Quang Sự nói gia đình ông 11 khẩu nhưng chỉ được bố trí một lô đất tái định cư ở đường 10,5m. Ông đã làm đơn xin thêm suất tái định cư nhưng không được giải quyết.
Sau khi nghe ý kiến của các hộ dân, ông Nguyễn Bá Thanh nói mọi vướng mắc của người dân, lãnh đạo TP sẽ ngồi lại để tháo gỡ và đi đến thống nhất một tiếng nói chung. “Việc thu hồi đất, giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân, TP đã tính toán và quy hoạch khu dân cư để bố trí cho các hộ sinh sống hợp lý. Chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Nhưng người dân phải hiểu rằng mọi thắc mắc, những điều mà người dân kiến nghị sẽ được giải quyết thỏa đáng chứ không thể thỏa mãn theo ý của người dân được. TP không quy hoạch khu tái định cư ở gần nhà thờ nên không thể bố trí đất tái định cư cho người dân tại chỗ được” - ông Thanh giải thích.
Theo ông Thanh, trường hợp người dân muốn mua lại đất với diện tích lớn làm biệt thự nhà vườn, ở gần nhà thờ, TP Đà Nẵng cam kết sẽ làm việc với nhà đầu tư đề nghị bán lại đất với giá ưu đãi, “mềm” hơn chút ít so với giá thị trường. Tại cuộc đối thoại, nhiều người dân nói gia đình họ đang rơi vào cảnh khó khăn, khi nhận được đất tái định cư đã không có tiền làm nhà...
Tổ chức đo đạc lại đất bị thu hồi
Nhiều hộ dân phản ảnh khi tiến hành thu hồi đất, TP đo đạc diện tích đất không đúng với thực tế đất của các hộ gia đình. Đa số trường hợp bị thu hồi diện tích đất đo đạc nhỏ hơn thực tế. Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo Ban giải tỏa đền bù số 2 cùng UBND Q.Cẩm Lệ đo đạc lại toàn bộ diện tích đất thực tế của người dân vì khi giải tỏa chỉ đền bù đất thực tế thu hồi chứ không căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Thanh, sau cuộc đối thoại này, TP sẽ mời Trung tâm đo đạc về đo lại diện tích đất của người dân cho chính xác để người dân không bị thiệt thòi. Trường hợp sau khi đo đạc lại, người dân vẫn không đồng ý thì TP sẽ giới thiệu các trung tâm đo đạc khác, người dân có thể mời họ về đo lại và phải chịu chi phí.
Ông Thanh cũng yêu cầu lãnh đạo UBND Q.Cẩm Lệ, Ban giải tỏa đền bù số 2 phải đến nhà của từng người dân ghi nhận thực trạng cụ thể, hoàn cảnh của từng gia đình để giải quyết thấu đáo. Khi các hộ gia đình nêu hoàn cảnh gia đình đông con nhưng chỉ được bố trí một lô đất tái định cư, ông Thanh lưu ý các ngành chức năng không được giải quyết cứng nhắc, rập khuôn, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống của người dân. Trường hợp các gia đình đông nhân khẩu, bức xúc về nhà ở dù diện tích thu hồi ít cũng phải xem xét lại để ít nhất mỗi cặp vợ chồng khi ra riêng có nơi ở ổn định.
“Tôi tin rằng việc làm của TP sẽ tốt hơn cho người dân, còn tốt như thế nào thì người dân hãy chờ sẽ biết. Bao năm nay, TP đã giải tỏa không biết bao nhiêu dự án, thu hồi đất của bao nhiêu ngàn hộ, người dân đều đồng tình hết. TP cũng không muốn xảy ra chuyện buồn như ở Cồn Dầu. Không ai muốn đem cảnh sát cơ động đội mũ sắt đến cưỡng chế người dân tay yếu chân mềm, chỉ muốn cuộc sống người dân tại quê hương mình tốt đẹp lên” - ông Thanh tâm sự.
Theo báo cáo của UBND quận Cẩm Lệ, từ đầu năm 2012 đến nay chỉ có thêm 24 hộ dân ở giáo xứ Cồn Dầu chịu bàn giao mặt bằng. Theo đó, về nhà đất, người dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng được 649 hồ sơ (559 nhà và 90 hồ sơ đất trống). Còn 266 hồ sơ chưa bàn giao, trong đó có 68 hộ dân chưa nhận tiền đền bù.
Nghe Audio:
HỮU KHÁ
0 nhận xét