Luật Biển Việt Nam: Cái tát vào tham vọng bá quyền của Bắc Kinh


“Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam”.


Đó là nội dung được khẳng định ngay trong Điều 1 của dự thảo Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua sáng 21-6 với tỉ lệ 99,2%. Có thể nói, đây là dự luật nhận được sự đồng thuận đặc biệt cao của các vị đại biểu (ĐB) nhân dân.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Biển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho hay: “Qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định rõ về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại Điều 1 của dự thảo luật”.

Về đề nghị quy định đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và là lãnh thổ Việt Nam tại Điều 19, theo Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), khái niệm lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất liền các đảo, quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời. Điều này đã được tuyên bố trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Biên giới quốc gia. “Việc tiếp tục quy định “đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” trong luật này là nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó, không thể chia cắt của bộ phận lãnh thổ này, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của nước ta đối với các đảo, quần đảo” - ông Lý nhấn mạnh.

Không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng

Liên quan đến nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển cũng có khá nhiều ý kiến quan tâm góp ý. Cụ thể có ĐB đề nghị thay cụm từ “biện pháp hòa bình” bằng “đối thoại hòa bình”.

Về đề nghị này, ông Phan Trung Lý giải thích: “Biện pháp hòa bình đề cập trong các văn bản này bao gồm nhiều loại với các mức độ khác nhau từ thương lượng, đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án quốc tế cho đến việc sử dụng những tổ chức hoặc những định chế khu vực hoặc các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của các bên. Do đó, đối thoại hòa bình chỉ là một hình thức của đàm phán, thương lượng mà chưa bao quát hết các biện pháp hòa bình mà ta có thể áp dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về biển, đảo với quốc gia khác”.

Thấy trong dự thảo không đề cập đến quyền phòng vệ chính đáng của quốc gia, có ĐB đã lên tiếng đề nghị bổ sung quyền này trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến biển, đảo. Tuy nhiên theo ông Lý, việc ghi nhận nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển bằng biện pháp hòa bình hoàn toàn không loại trừ quyền phòng vệ chính đáng của nước ta.

“Khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển được thực hiện phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khoản 1 Điều 5 cũng quy định chính sách của ta trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết (bao gồm cả quyền tự vệ chính đáng) nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo. Các quy định này đã hàm ý Việt Nam có quyền sử dụng các biện pháp vũ lực, phòng vệ chính đáng khi cần thiết” - ông Lý nói.

Có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài

Theo Điều 41 của dự luật về quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển có quyền truy đuổi tàu thuyền nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nếu các tàu thuyền này đang ở trong nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam. Quyền truy đuổi được tiến hành sau khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát tín hiệu yêu cầu tàu thuyền vi phạm hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật dừng lại để tiến hành kiểm tra nhưng tàu thuyền đó không chấp hành.

Ngoài ra, quyền truy đuổi cũng được áp dụng đối với hành vi vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm trong phạm vi vành đai an toàn và trên các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Việc truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát Việt Nam chấm dứt khi tàu thuyền bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia khác.

Luật Biển Việt Nam bao gồm bảy chương, 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý  đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là  “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ  với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Thành lập thành phố Tam Sa - thực hiện mưu đồ khống chế Biển Đông
Trung Quốc có hành động bành trướng mới khống chế Biển Đông, vi phạm chủ quyền  Việt Nam.

Tân Hoa Xã ngày 21/6 dẫn lời người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết Quốc vụ Viện nước này vừa phê chuẩn kế hoạch hủy bỏ Văn phòng Tây Sa-Trung Sa-Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa (đơn vị hành chính trên cấp huyện, dưới cấp tỉnh).

Theo giới thiệu, thành phố Tam Sa kể trên sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trung Sa và Quần đảo Trường Sa với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc Quần đảo Hoàng Sa.


Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá bị biến thành trung tâm hành chính của thành phố cấp địa khu Tam Sa, phục vụ mưu đồ bành trướng và hợp thức hóa chủ trương lấn chiếm Biển Đông của Bắc Kinh

Theo người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc việc thành lập thành phố Tam Sa lần này chính là sự điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý hành chính của Trung Quốc đối với các quần đảo nêu trên và các vùng biển phụ cận.

Theo người phát ngôn báo chí Bộ Dân chính Trung Quốc, thành phố Tam Sa được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc tăng cường quản lý hành chính, khai thác, xây dựng và bảo vệ môi trường đối với các quần đảo Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa cùng các vùng biển phụ cận.

Hành động này nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ tại Biển Đông để kiểm soát Biển Đông. Đây là một bước nhằm hợp thức hóa sự việc khống chế Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyệt đối không thể chấp nhận được./.

 Theo PHÁP LUẬT TPHCM / BỘ NGOẠI GIAO / TỔ QUỐC
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top