Vùng 1 Hải Quân sẳn sàng chiến đấu

Với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo trong phạm vi được phân công, Vùng 1 Hải quân luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.

Huấn luyện pháo thủ ở Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân. (nguồn: qdnd.vn)

Vùng 1 Hải quân, đứng chân và làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), chiến đấu và công tác trên vùng biển, đảo chiến lược trọng yếu của đất nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Vùng đã có nhiều chủ trương, biện pháp tạo chuyển biến toàn diện trên các mặt công tác; trong đó, công tác huấn luyện, SSCĐ được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, đã tập trung đổi mới mọi mặt công tác huấn luyện từ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm cơ sở vật chất đến nội dung, chương trình, phương pháp và tổ chức huấn luyện. Công tác huấn luyện quân sự được đổi mới theo hướng sát với đặc điểm, nhiệm vụ của mỗi đơn vị và từng loại đối tượng. Trong quá trình thực hiện, Vùng chỉ đạo bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng đồng bộ và chuyên sâu, bảo đảm huấn luyện toàn diện, đồng bộ giữa chỉ huy với cơ quan và đơn vị, giữa tàu với bờ và các trạm ra-đa; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, duy trì nghiêm các quy định, chế độ SSCĐ. Đặc biệt, Vùng coi trọng việc đổi mới công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, gắn giáo dục chính trị với huấn luyện quân sự bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, phù hợp với hoạt động đặc thù của Bộ đội Hải quân; nhờ đó, đạt hiệu quả thiết thực. Liên tục trong nhiều năm gần đây, Vùng đều hoàn thành tốt nội dung, chương trình huấn luyện; trình độ tham mưu - tác chiến của đội ngũ cán bộ các cấp, chất lượng tổng hợp, khả năng cơ động của các đơn vị được nâng cao; hệ thống kế hoạch huấn luyện và phương án tác chiến thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, phê duyệt theo phân cấp và tổ chức luyện tập nghiêm túc, chặt chẽ. Riêng Lữ đoàn 170 và Trung đoàn 952 của Vùng, 5 năm liền (2006 - 2010) được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay và thời gian tới, tình hình Biển Đông cơ bản là ổn định; song, bên cạnh đó cũng có những diễn biến phức tạp mới. Đặc biệt, tình trạng xâm phạm chủ quyền, thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật của lực lượng tàu, thuyền nước ngoài có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường; tình hình buôn lậu, tội phạm trên biển vẫn thường xuyên xảy ra với nhiều vụ, việc nghiêm trọng… Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân nói chung, của Vùng nói riêng có sự phát triển; yêu cầu đặt ra đối với Vùng ngày càng cao. Vì vậy, cùng với việc xây dựng đơn vị vững mạnh theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Vùng cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ bảo đảm đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo được giao; trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản sau.

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và người chỉ huy các cấp đối với công tác huấn luyện. Là đơn vị thuộc Quân chủng kỹ thuật chiến đấu, gồm nhiều lực lượng, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt nên công tác huấn luyện của Vùng rất phức tạp, gồm nhiều nội dung với trình độ kỹ, chiến thuật và tính đồng bộ cao. Trong khi đó, phạm vi mà Vùng đảm nhiệm quản lý lại rộng, vị trí đóng quân của các đơn vị thuộc quyền phân tán, xa sự lãnh đạo, chỉ huy. Vì vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chỉ huy các cấp, nhất là cấp cơ sở đối với công tác huấn luyện là vấn đề rất quan trọng. Để thực hiện tốt điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Vùng chỉ đạo các đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, của Quân chủng đã được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng lần thứ XI; trên cơ sở đó, nắm vững nhiệm vụ được giao để xác định phương hướng, mục tiêu, yêu cầu huấn luyện cho phù hợp. Hằng năm, căn cứ vào chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân chủng, các cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện; trong đó, xác định rõ các chủ trương, biện pháp lãnh đạo chủ yếu, các nội dung tập trung đột phá và những khâu yếu, mặt yếu cần khắc phục. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện sát với nhiệm vụ, phương án, chiến trường, đối tượng tác chiến và tổ chức biên chế của từng đơn vị, bảo đảm tính khả thi cao. Bên cạnh đó, thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với kiện toàn cơ quan quân huấn các cấp, bảo đảm đủ biên chế, có năng lực tổ chức thực hành huấn luyện; tham mưu, đề xuất những biện pháp thiết thực, nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị. Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về công tác huấn luyện, coi huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm của đơn vị, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, do người chỉ huy trực tiếp điều hành, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả huấn luyện trước cấp ủy cấp mình và người chỉ huy cấp trên. Từ đó, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm, trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện cả ở cơ quan và đơn vị, cả ở đơn vị chiến đấu và các bộ phận phục vụ, bảo đảm.

Hai là, chú trọng huấn luyện cơ bản, đồng bộ, vững chắc cho chỉ huy, cơ quan và phân đội; trong đó, lấy huấn luyện cán bộ là khâu then chốt. Xuất phát từ đặc điểm hoạt động, tác chiến của Bộ đội Hải quân và kịp thời nắm bắt những phát triển mới của tình hình biển, đảo, Vùng đẩy mạnh thực hiện huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; lấy việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Vùng chính quy, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện. Trước mắt, Vùng tập trung đột phá vào huấn luyện cơ bản và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) cho các lực lượng theo hướng sát nhiệm vụ, phương án, đối tượng tác chiến, địa bàn hoạt động, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị hiện có và hướng phát triển trong những năm tới. Trong đó, chú trọng huấn luyện cơ bản cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp tàu, đại đội, hải đội, tiểu đoàn và tương đương về chiến thuật, kỹ thuật, trình độ tham mưu - tác chiến và trình độ huấn luyện, bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 90% khá và giỏi. Riêng đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy (cả ở cơ quan và đơn vị), phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng, nguyên tắc chiến dịch, chiến thuật, nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng tác chiến trong điều kiện mới. Đối với đơn vị, chú trọng huấn luyện thành thạo chiến thuật từ cấp trung đội đến cấp tiểu đoàn, bảo đảm vừa giỏi tác chiến độc lập, vừa thành thạo tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành; tăng cường huấn luyện thực hành, dã ngoại, nâng cao khả năng cơ động và tác chiến độc lập, dài ngày trên biển, đảo trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Bên cạnh đó, tập trung huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo VK,TBKT trong biên chế, bảo đảm đồng bộ, vững chắc ở từng vị trí đến khẩu đội và toàn tàu, từ đơn tàu đến biên đội và nhóm tàu; đồng thời, chủ động tiếp cận, nghiên cứu VK,TBKT mới, hiện đại của nước ngoài để sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ và đưa vào sử dụng kịp thời, hiệu quả khi được trang bị.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình biển, đảo, việc  huấn luyện phải gắn với nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Vì vậy, Vùng chỉ đạo các đơn vị, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ BM, CV kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với luyện tập, diễn tập theo phương án tác chiến, nhất là diễn tập đối kháng; tổ chức tuần tra, tuần tiễu, trinh sát, cứu hộ, cứu nạn nhằm nâng cao khả năng quản lý các hoạt động và chủ động xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trên biển, đảo. Vùng phấn đấu hằng năm có 70% đơn vị cấp hải đội, tiểu đoàn và tương đương tổ chức diễn tập vòng tổng hợp; 50% đơn vị huấn luyện đối kháng; riêng Lữ đoàn 170 và Trung đoàn 952 đạt Đơn vị huấn luyện giỏi toàn quân.

Ba là, chú trọng công tác bảo đảm cơ sở vật chất, VK,TBKT phục vụ yêu cầu huấn luyện. Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Vùng thường xuyên phải vận hành, sử dụng các loại phương tiện tàu, thuyền và VK,TBKT hiện đại, hoạt động liên tục, dài ngày trong điều kiện môi trường biển, đảo khắc nghiệt, nên cùng với xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao, Vùng luôn chăm lo bảo đảm tốt cơ sở vật chất, VK,TBKT, coi đó là vấn đề quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng huấn luyện của các đơn vị. Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm cơ sở vật chất cho huấn luyện của Vùng, nhất là các hạm tàu, bến cảng,… rất tốn kém, phụ thuộc rất lớn vào tiềm năng kinh tế của đất nước. Vì vậy, trong khả năng cho phép, bên cạnh việc được trang bị mới một số VK,TBKT hiện đại, Vùng tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và VK,TBKT hiện có; từng bước cải tiến, đổi mới một số loại theo hướng tương đối hiện đại và hiện đại, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ trong điều kiện mới. Để thực hiện tốt nội dung này, Vùng chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp kỹ thuật; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, tăng hạn sử dụng các loại VK,TBKT theo đúng quy trình, quy định. Thường xuyên bảo đảm tốt VK,TBKT, tàu, xe cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; đẩy mạnh xây dựng chính quy ngành Kỹ thuật và làm chủ VK,TBKT; thực hiện tốt chỉ tiêu: tàu xuất phát nhanh, bí mật, an toàn. Bên cạnh đó, Vùng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu về kỹ thuật quân sự, công nghệ hiện đại để sản xuất, mua sắm các mô hình học cụ và các trang, thiết bị mô phỏng, các phòng học chuyên dùng phù hợp, phục vụ tốt yêu cầu công tác huấn luyện. Đồng thời, tập trung công sức, trí tuệ và kinh phí để hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện bộ đội tại đơn vị.

Công tác huấn luyện của Bộ đội Hải quân nói chung, của Vùng 1 nói riêng chủ yếu diễn ra ở môi trường biển, với không gian rộng và rất phức tạp, đòi hỏi phải có những thao trường, bãi tập đủ lớn. Vì vậy, cùng với hệ thống phòng học chuyên dùng và các thiết bị mô phỏng, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng một số thao trường bắn trên bờ, trên biển; thiết bị bể bơi ứng dụng;…, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của Bộ đội Hải quân nói chung, của Vùng 1 nói riêng, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Chuẩn Đô đốc PHẠM VĂN ĐIỂN

Tư lệnh Vùng
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top