“Rồng” Thi Lang sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trên biển Đông?
Thời báo Tân Hoa xã Trung Quốc đã đăng tải một loạt bức ảnh mới nhất về chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Hành động “khoe” tàu chiến của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biển Đông leo thang vì một cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và Manila đã khiến cho nhiều người bày tỏ sự quan ngại.
Được biết, tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc vừa trở về cảng Đại Liên ngày 15/5/2012 sau một chuyến thử nghiệm trên biển kéo dài 9 ngày, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, con tàu này đã trải qua 6 lần thử nghiệm trên biển.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc dự kiến sẽ đưa tàu sân bay Thi Lang vào biên chế chính thức của Lực lượng Hải quân trong đầu tháng 8 tới và con tàu này sẽ trực chiến ở Biển Đông.
Đây là động thái có thể khuấy động khu vực Biển Đông vốn đầy sóng gió.
Trung Quốc quyết định điều động tầu sân bay trực chiến tại biển Đông
Tàu sân bay sẽ giúp cho Trung Quốc giải được bài toàn hóc búa là khoảng cách địa lý trong tranh chấp với Philippines. Có thể Thi Lang chưa hoàn thiện bằng tầu sân bay của Mỹ, nhưng ít nhất nó cũng trở thành một căn cứ không quân trên biển Đông.
Một khi Thi Lang đã “xuống biển” điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã nắm được lợi thế so sánh gần như tuyệt đối với Philippines.
Nhưng nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại cần tới “dao mổ trâu”. Câu trả lời rõ ràng là Trung Quốc đang muốn nhằm vào “kẻ” đang đứng sau chống lưng cho Manila.
Nếu xét về lý thuyết tầu ngầm tấn công hiện đang có mặt tại biển Đông của Mỹ chỉ có thể cầm chân chứ không thể “tiêu diệt” được Thi Lang cùng hạm đội tầu hộ tống của nó.
Trong hoàn cảnh này thì rõ ràng Bắc Kinh đang quyết đem toàn bộ “vốn liếng” ra đấu một ván bài quan trọng với Mỹ. Có lẽ bản thân Mỹ lúc này cũng khá bất ngờ trước lời tuyên bố này của Trung Quốc, bởi khả năng phòng thủ cũng như tấn công của Thi Lang vẫn là một bí mật…
Biểu tượng chiến thắng, hay chỉ là “rồng” giấy trong mắt Mỹ?
Với chiều dài 300m và nặng khoảng 60.000 tấn, tàu Thi Lang được xem là tàu chiến lớn nhất khu vực châu Á. Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Việc Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào biên chế trực chiến trên biển Đông đã khiến nhiều nước lo ngại.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, tàu Thi Lang của Trung Quốc là “tàu lớn” nhưng “cú đấm nhỏ”. Theo các nhà phân tích, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể làm thay đổi phần nào cán cân quyền lực trong khu vực nhưng không thể giúp Trung Quốc xác lập vị trí bá chủ ở biển Đông. Thậm chí, có người còn coi tàu sân bay Trung Quốc chỉ là thứ vũ khí mang tính biểu tượng.
Đại diện chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc chứ thực sự không có giá trị về khả năng chiến đấu.
Trung Quốc hy vọng tầu sân bay Thi Lang sẽ trở thành cứu cánh cho Hải quân nước này khi phải đối mặt với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ
Chuyên gia phân tích quân sự Paul Wright nhận định rằng chỉ một tàu sân bay không thể tạo ra ảnh hưởng lớn.
Ông Wright lập luận: “Nhiều nước khác như Thái Lan và Brazil cũng có một tàu sân bay nhưng hầu như không tạo được khác biệt gì”.
Trước thông tin Trung Quốc đưa tầu sân bay vào trực chiến, các chuyên gia quân sự của Indonesia, Singapore, Philippines đều cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự tại biển Đông nếu như Mỹ không bỏ rơi Asean.
Bản thân một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cũng nhận xét với tờ “Thời báo hoàn cầu” rằng: “Dù Trung Quốc có hoàn thiện chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine, công nghệ của nó vẫn lạc hậu so với các tàu của các nước khác như Mỹ về phương diện chức năng lẫn trang bị”.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là sự hiện diện của tầu ngầm tấn công Mỹ trên biển Đông, còn tầu sân bay đầu tiên của Trung Quốc lại đang được lệnh trực chiến, vậy liệu rằng một viễn cảnh nào sẽ xảy ra trên biển Đông nếu các quốc gia liên quan không chịu ngồi lại với nhau?
Thái Yên (Tổng hợp)
0 nhận xét