Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Lãnh đạo Hưng yên phải nói rõ những vấn đề có sai phạm trong vụ cưỡng chế, cá nhân nào sai phạm phải xử lý nghiêm.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 2/5, ông Nguyễn Khắc Hào,phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đã có báo cáo về vụ cưỡng chế đất nông nghiệp ở Văn Giang. Trong báo cáo ông Hào khẳng định việc cưỡng chế đã thành công, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Vnexpress
Tuy nhiên, sau những phát ngôn chính thức của ông Hào với Thủ tướng, dư luận cho rằng báo cáo của ông Hào chưa hoàn toàn đúng sự thật khi đã có người dân và hai nhà báo bị lực lượng cưỡng chế gây thương tích.
Cụ thể, sau khi xảy ra vụ cưỡng chế Văn Giang (ngày 24/4), trên mạng internet xuất hiện clip hai người bị đánh trong vụ cưỡng chế. Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (42 tuổi), Trưởng phòng thời sự, chính trị, kinh tế (Trung tâm tin, VOV) và PV Hán Phi Long (33 tuổi) khẳng định, clip ghi lại cảnh hai người bị đánh trong vụ Văn Giang lan truyền trên mạng Internet phản ánh đúng những gì đã xảy, không có sự dàn dựng hay giả tạo nào.
Ngay sau đó vụ việc đã được lãnh đạo VOV phản ánh với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Hội đã gửi công văn yêu cầu huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên có báo cáo về sự việc.
Chiều 9/5, ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh cho rằng, chưa có bằng chứng hay nhân chứng gì có thể khẳng định hai nhà báo VOV chính là hai người bị đánh trong clip kia vì hình ảnh quay xa và mờ, không nhìn rõ mặt những người bị đánh.
Truy nhiên, ông Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Trung tâm tin (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) đã phản ứng gay gắt sau phát ngôn này. Ông cho rằng, đòi hỏi trên của tỉnh Hưng Yên là bất khả thi. “Hai nhà báo là nhân vật trong clip chứ đâu phải là tác giả quay clip mà có được clip gốc. Đòi hỏi họ phải tìm được nhân chứng trong điều kiện vừa bị đánh hội đồng tới tấp cũng là không thể”, ông Thu nói.
Chiều 10/5, tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo và Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cùng hai nhà báo bị hành hung trong vụ cưỡng chế tại Văn Giang hôm 24/4, ông Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên mong Ông Ngạn mong lãnh đạo VOV và hai nhà báo “thông cảm” vì sự phản hồi chậm trễ của Công an Hưng Yên, đồng thời khẳng định những hành động trong clip là sai phạm. Đồng thời, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cũng xác nhận, tại trụ sở Công an huyện Văn Giang hôm đó (24/4), ông có nhìn thấy nhà báo Hán Phi Long mặt mũi bị sưng tím. Ông Ngạn cam kết với lãnh đạo VOV “sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm trong thời gian sớm nhất”.
Ngày 11/5, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Giám Công an tỉnh Hưng Yên đã ký giấy mời của Công an tỉnh Hưng Yên gửi lãnh đạo Trung tâm Tin cùng với 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng phòng và nhà báo Hán Phi Long, phóng viên Phòng Phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế - Trung tâm Tin đến làm việc vào 9h ngày 16/5 tại trụ sở Công an tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, buổi làm việc này đã bị hoãn lại, không rõ lý do và thời gian tổ chức lại cuộc làm việc giữa các bên liên quan.
Sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế từ khoảng 7h đến hơn 11h dưới sự chỉ đạo của Bí thư và Chủ tịch tỉnh Hưng Yên.
Thông tin trên trang web của tỉnh mô tả, một ngày trước khi cưỡng chế, khoảng hơn 100 người dân dựng 2 lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng. Sáng ngày 24/4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7h sáng, còn khoảng 200 người dân dùng cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.
H.An
0 nhận xét