Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương đạo đức sáng ngời

Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trên bình diện tư tưởng, trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng, mà còn thể hiện bởi chính tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói với làm, giữa lý luận với thực tiễn, suy nghĩ với hành động, việc công với đời tư, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức đời thường. Vì thế, Người đã trở thành biểu tượng, là tấm gương sáng ngời về đạo đức, không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nói đến đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là nói đến tấm gương trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và toàn nhân loại; ý chí và nghị lực tinh thần to lớn vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục tiêu cách mạng. Ngay từ thuở thiếu thời, Người đã chọn cho mình con đường suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trên con đường cách mạng, Người đã chấp nhận mọi sự hy sinh, không quản gian nguy, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, sáng suốt vạch ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng và phát triển dân tộc Việt Nam.

Người đã cùng với Đảng ta đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và sau đó, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ đi lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” và coi đó là lý tưởng, lẽ sống, là học thuyết chính trị - đạo đức của mình, của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Người dấn thân vào thực tiễn đấu tranh cách mạng để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và toàn thể nhân loại. Hoài bão, ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là làm sao cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành tiến bộ, được chăm sóc sức khoẻ, được tự do đi lại, được hưởng quyền dân chủ, có đời sống ấm no hạnh phúc.

Chính ham muốn mãnh liệt ấy đã tạo cho Người một ý chí, nghị lực phi thường “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” và cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn chỉ có một điều luyến tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Trung với nước, hiếu với dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là tinh thần nhẫn nại, kiên trì, thắng không kiêu, khó khăn không nản, chẳng quản gian nguy vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Khi lâm vào tình cảnh bị hiểu lầm, nghi kỵ “như sống ở bên lề, bên ngoài Đảng”, Người vẫn kiên trì giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, luôn tự khuyên mình: muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao.

Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Trong toàn bộ hoạt động của mình, ở bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng thương yêu, quý trọng, tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Người khẳng định rằng: “Nước ta là nước dân chủ”, vì vậy: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoá thân vào nhân dân, nên thấu hiểu cuộc sống, tâm nguyện của nhân dân và suốt đời phấn đấu, hy sinh vì tự do, ấm no, hạnh phúc của dân. Chính vì thế, mọi việc làm, chủ trương, chính sách mà Người đề ra, cũng như chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai thực hiện, đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân, luôn luôn dựa vào tài trí, sức mạnh của dân. Từ nhận thức sâu sắc rằng, nếu nước nhà được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì, nên Người luôn chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với dân, phấn đấu chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Người luôn dạy đội ngũ cán bộ phải là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân; luôn gần dân, hiểu tâm lý, yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của dân, không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền, cậy thế, đè đầu, cưỡi cổ dân.

Mặc dù ở cương vị rất cao, uy tín và sức hấp dẫn rất lớn, được toàn dân suy tôn là “Cha già dân tộc”, nhưng chưa khi nào Người tự cho mình đứng cao hơn nhân dân, mà luôn đồng cam, cộng khổ với nhân dân. Người cho rằng, Chủ tịch nước là công việc của “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trận”. Bởi vậy, mặc dù bận trăm công, ngàn việc, nhưng mỗi khi nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, Người đều tự tay viết thư trả lời, cám ơn một cách thân tình, chu đáo. Việc làm đó là tấm gương ứng xử văn hoá, là bài học về sự khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân để các thế hệ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp học tập và noi theo. Cả cuộc đời Người đã nêu tấm gương thật độc đáo về đạo đức làm người, đạo đức cách mạng.

Đạo đức Hồ Chí Minh còn thể hiện sâu sắc ở tình thương bao la của Người với đồng loại. Tình cảm đó Người dành cho tất cả mọi người, không quên, không bỏ sót một ai. Người luôn hiểu rõ nỗi khổ của mỗi người, mỗi nhà và của toàn dân tộc. Người cảm nhận sâu sắc: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”2. Tình yêu thương bao la đó được mở rộng đối với nhân dân lao động toàn thế giới. Với những người lầm lạc và cả những người chống đối hay kẻ thù, Người vẫn luôn thể hiện lòng khoan dung, độ lượng. Trong Di chúc, Người căn dặn khi thực hiện công tác hàn gắn vết thương sau chiến tranh: “đầu tiên là công việc đối với con người”. Trước hết là đối với cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong; cha, mẹ, vợ, con thương binh, liệt sĩ, với phụ nữ, nông dân...; cuối cùng là những nạn nhân của chế độ cũ. Điều này minh chứng cho tấm lòng yêu thương đối với tất cả mọi người ở Hồ Chí Minh. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người để mỗi chúng ta học tập và noi theo.

Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét nhất là đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Trong cuộc sống hằng ngày, Người luôn coi khinh mọi sự xa hoa, không ưa chuộng nghi thức trang trọng. Người dặn dò chúng ta, khi Người qua đời, chớ nên điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân. Ở Người luôn toát lên một cốt cách giản dị, cao thượng, vĩ đại và sự khiêm tốn phi thường; không sùng bái cá nhân, mà luôn luôn nêu cao sự nghiệp anh hùng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người cho rằng: quần chúng mới là người làm nên lịch sử và lịch sử là lịch sử của chính họ chứ không phải của một cá nhân anh hùng nào.

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng ta luôn xứng đáng là một đảng “Đạo đức và văn minh”; đa số cán bộ, đảng viên luôn có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gắn bó với nhân dân, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, tham ô, tham nhũng, xa rời quần chúng nhân dân… Từ đó, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch xuyên tạc, nói xấu đội ngũ cán bộ, đảng viên, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng... Để khắc phục tình trạng đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiện nay đang triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI)  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nghị quyết đã xác định nhiều chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh phải “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả”3. Theo đó, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nhất là của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn, Nghị quyết yêu cầu các cấp phải: “Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống”4.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở chúng ta: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”5. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, vì CNXH, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; chú trọng thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nhân ái, thuỷ chung, giản dị trong cuộc sống, nêu gương sáng với nhân dân. Đồng thời, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Từng cán bộ, đảng viên phải tự giác, kiểm điểm mình, “tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”6. Muốn làm được điều đó, một trong những vũ khí sắc bén là phải thực hành tốt việc tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví: Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Người yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”7. Người cũng chỉ rõ, tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau; quá trình thực hiện phải đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đội ngũ cán bộ chủ trì phải gương mẫu, có thái độ nghiêm túc, trung thực, khách quan, không e dè, nể nang; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, đề ra được biện pháp sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, giúp nhau cùng tiến bộ; kiên quyết không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, chống phá.

Tư tưởng và tấm gương sáng ngời về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu, học tập và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) là góp phần đưa tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống. Đây là vinh dự, trách nhiệm và là việc làm thường xuyên, thiết thân của mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là của cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cấp.

 Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN XUÂN TÚ

Học viện Chính trị

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 698.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 560 - 561.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khoá XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 35-36.

4 - Sđd, tr. 29.

5 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 557 - 558.

6 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khoá XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 15-16.

7 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 239.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Blog Tập Viết Báo: Kinh Tế, Văn Hoá, Quân Sự, TT Nguyễn Tấn Dũng
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSSComments RSS
Back to top